Đề xuất bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

NGUYÊN ĐOAN 21/05/2020 17:23

(QNO) - Chiều nay 21.5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình phát biểu thảo luận chiều nay 21.5. Ảnh: N.Đ
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình phát biểu thảo luận chiều nay 21.5. Ảnh: N.Đ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đa số ý kiến ĐBQH tán thành về phạm vi sửa đổi của dự thảo luật. Theo đó, chỉ sửa đổi, bổ sung những quy định để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong giám định tư pháp theo vụ việc, nhằm phục vụ hiệu quả việc xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Có vụ 5 tháng mới có kết luận giám định

Về bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” (Điều 12), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, vấn đề này ĐBQH có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành dự thảo luật, việc bổ sung quy định này sẽ góp phần đáp ứng kịp thời nhu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử. Từ ngày 1.1.2020, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên toàn quốc, nên yêu cầu giám định loại việc trên ngày càng tăng.

Từ trước tới nay mới chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định loại việc nói trên, dẫn đến quá tải. Trung bình thời gian giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2 - 3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận, trong khi thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, điều tra vụ án và tạm giam được quy định ngắn và chặt chẽ, nên đã ảnh hưởng tiến độ giải quyết các vụ án. Quy định này cũng phù hợp với cơ cấu tổ chức hệ thống các cơ quan điều tra hiện nay đều có tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hỗ trợ.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai đề nghị không bổ sung quy định này, vì Viện Kiểm sát nhân dân vừa thực hiện quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, vừa trực tiếp thực hiện giám định khó đảm bảo tính khách quan. Ngoài ra làm phát sinh thêm biên chế, kinh phí đầu tư trang thiết bị, đào tạo bồi dưỡng và chưa phù hợp với chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Do đó, để giải quyết khó khăn hiện nay, cần tập trung đầu tư về nhân lực, trang thiết bị kỹ thuật cho các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự hiện có của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Không nên thành lập mới tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.

Nêu quan điểm đối với nội dung này của dự thảo luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo loại ý kiến thứ nhất. Theo đó, bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể tại Khoản 4, 5 của Điều 12 dự thảo luật.

Bổ sung là cần thiết

Phát biểu thảo luận chiều nay, các ĐBQH bày tỏ nhiều quan điểm ủng hộ và không ủng hộ đối với vấn đề có cần thiết bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”. Hầu hết ý kiến tán thành với việc bổ sung nội dung này. 

Phát biểu thảo luận, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình bày tỏ quan điểm đồng tình với loại ý kiến thứ nhất. Theo ông Bình, Luật Tố tụng hình sự mới có hiệu lực từ ngày 1.1.2020 thì yêu cầu và nhu cầu về giám định âm thanh, hình ảnh rất cao khi các cơ quan tố tụng tiến hành ghi âm, ghi hình đối với hỏi cung bị can. Hơn nữa là đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố xét xử ngày càng cao đối với các loại tội phạm tham nhũng và các loại tội phạm trong lĩnh vực tư pháp. Mà riêng các loại tội phạm trong lĩnh vực hoạt động tư pháp là thuộc trách nhiệm của cục điều tra và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tiến hành. Do vậy việc bổ sung nhiệm vụ này là hết sức cần thiết.

Phát biểu tranh luận tại phiên thảo luận, ĐBQH tỉnh Nguyễn Quang Dũng - Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho biết, theo báo cáo của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong hai năm 2018 - 2019, cơ quan này đã trưng cầu giám định 59 vụ việc tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Thời gian giám định trung bình như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là 2 - 3 tháng, cá biệt có một số trường hợp giám định kéo dài từ 4 tháng đến hơn 8 tháng mới có kết quả.

Qua phân tích số liệu và yêu cầu về tính khách quan, sự cần thiết của thực tiễn, ông Nguyễn Quang Dũng cho rằng dự thảo luật cần bổ sung nội dung “Phòng Giám định kỹ thật hình sự thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”. Trước các ý kiến băn khoăn về sẽ tăng biên chế, phình bộ máy khi bổ sung nội dung nêu trên vào dự thảo luật, theo ông Dũng các ý kiến suy luận như vậy là chưa ổn, đặt vấn đề thành lập một phòng như vậy, không thể suy luận sẽ mở rộng xuống cấp tỉnh, cấp huyện.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Lê Thành Long khẳng định, việc bổ sung nội dung nêu trên vào dự thảo luật sẽ không làm phình tổ chức bộ máy như nhiều ý kiến băn khoăn của các ĐBQH.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO