Đông Sơn - Thăng Bình, son sắt nghĩa tình

VĂN TOÀN 10/03/2020 12:18

Sau khi hai tỉnh Thanh Hóa và Quảng Nam tổ chức kết nghĩa, huyện Đông Sơn (Thanh Hóa) và Thăng Bình (Quảng Nam) cũng kết tình “anh em”. Những chia sẻ, động viên, giúp đỡ lúc khó khăn trong thời chiến đến những nghĩa tình được kết nối, hun đúc trong thời bình của hai địa phương đã minh chứng cho mối quan hệ keo sơn này.

Quang cảnh Lễ kết nghĩa Đông Sơn - Thăng Bình năm 1960.
Quang cảnh Lễ kết nghĩa Đông Sơn - Thăng Bình năm 1960.

1. Cách đây 60 năm, tại buổi lễ kết nghĩa, đại diện MTTQ Việt Nam huyện Đông Sơn và đại diện Mặt trận Giải phóng miền Nam huyện Thăng Bình thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai địa phương nguyện kề vai sát cánh, chung sức chung lòng chống Mỹ và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự kiện này đã tạo động lực to lớn, thúc đẩy các phong trào cách mạng của Đông Sơn. Tinh thần “Thăng Bình gọi, Đông Sơn sẵn sàng, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” đã trở thành phương châm hành động của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong huyện. Vì miền Nam ruột thịt, vì Thăng Bình kết nghĩa, nhân dân Đông Sơn ra sức thi đua mỗi người làm việc bằng hai để chi viện cho đồng bào miền Nam và Thăng Bình.

Trong công cuộc chiến đấu chống Mỹ, mặc dù cách xa nhau về vị trí địa lý, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Sơn đã kịp thời chi viện sức người, sức của với Thăng Bình. Các phong trào thi đua vì miền Nam, vì Thăng Bình ruột thịt như: “Điện Biên - Thanh Hóa - Quảng Nam quyết thắng”, “Lập công cao nhất vì Quảng Nam”, “Học tập tư tưởng cách mạng tiến công của quân và dân Quảng Nam”. Hội Liên hiệp phụ nữ phát động phong trào “Trồng cây vì Thăng Bình, Quảng Nam”, Đoàn thanh niên phát động phong trào “Làm theo gương anh Nguyễn Văn Trỗi”, công đoàn trong các nhà máy, xí nghiệp “Xây dựng các tổ lao động Trần Cao Vân”...

Không chỉ vậy, trên quê hương Đông Sơn, các phong trào “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng”, “Đường cày đảm đang” đã được quân và dân Đông Sơn hưởng ứng với tinh thần của hậu phương lớn.  Chỉ tính trong 10 năm (1965 - 1975) huyện Đông Sơn đã tuyển hơn 5.000 thanh niên lên đường vào tiền tuyến lớn và đã có hàng nghìn người con của Đông Sơn được phân công về với chiến trường Thăng Bình chiến đấu, góp phần cùng quân và dân Thăng Bình lập nên nhiều chiến công hiển hách. Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng và Nhà nước phong tặng cho Đảng bộ và nhân dân Thăng Bình có một phần xương máu của những người con quê hương Đông Sơn - Thanh Hóa.

2. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, huyện Đông Sơn tiếp tục sát cánh cùng Thăng Bình tích cực khắc phục hậu quả chiến tranh để xây dựng cuộc sống mới.

Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn đã cử hàng chục cán bộ có chuyên môn kỹ thuật vào giúp huyện Thăng Bình xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp. Năm 1978, đồng chí Thiều Sĩ Quý cùng một số cán bộ là người con của Đông Sơn được cử vào Thăng Bình tham gia hỗ trợ xây dựng hợp tác xã. Sau khi Hợp tác xã nông nghiệp Bình Lãnh - hợp tác xã đầu tiên của huyện Thăng Bình ra đời, chỉ trong 2 năm 1978 - 1979, huyện đã hoàn thành công tác cải tạo và xây dựng hợp tác xã nông nghiệp. Trên lĩnh vực công nghiệp, với sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật từ tỉnh Thanh Hóa và huyện Đông Sơn, Xí nghiệp gốm Quảng - Thanh ra đời đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại Thăng Bình.

Bên cạnh công cuộc phát triển kinh tế, huyện Đông Sơn còn tăng cường các thầy, cô giáo vào huyện Thăng Bình để làm nòng cốt trong việc tổ chức, quản lý và giảng dạy tại các trường THCS và THPT. Trong đó, thầy giáo Trịnh Mai Sơn (quê Đông Sơn) - nguyên Hiệu trưởng các trường Phổ thông cơ sở Bình Triều, Bình Đào, Bình Dương, nguyên cán bộ Phòng Giáo dục huyện Thăng Bình (giai đoạn 1976 - 1981) hay cô giáo trẻ Tạ Thị Như Ý đã xung phong vào Thăng Bình tham gia giảng dạy tại trường Bổ túc Văn hóa tập trung huyện Thăng Bình là những con người tiêu biểu.

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình chia sẻ, đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thăng Bình luôn tự hào về truyền thống kết nghĩa giữa hai huyện Đông Sơn - Thăng Bình trong 60 năm qua, cùng với đó là sự phấn khởi với những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội mà hai địa phương đã đạt được. Gần đây, hai huyện thường xuyên có các cuộc tiếp xúc, trao đổi, học tập kinh nghiệm trên các lĩnh vực, mở ra sự hợp tác, giao lưu về văn hóa và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Đây chính là nền tảng vun đắp tình đoàn kết keo sơn giữa hai huyện, đặc biệt là giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ,  góp phần xây dựng hai quê hương ngày càng phát triển và gắn bó bền vững.

Ông Nguyễn Quang Hải - Bí thư Huyện ủy Đông Sơn cho biết, phát huy truyền thống bền chặt, thời gian tới hai địa phương sẽ tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý nhà nước dựa trên sự tương đồng giữa hai địa phương nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh. Đồng thời tăng cường xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp; phát huy lợi thế, hợp tác phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, tăng cường mối quan hệ giao lưu nhân dân, sẵn sàng giúp nhau lúc thiên tai, hoạn nạn, góp phần tô thắm nghĩa tình bền chặt giữa hai quê hương Đông Sơn - Thăng Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đông Sơn - Thăng Bình, son sắt nghĩa tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO