Khâm Đức - Phước Sơn, khát vọng đổi thay

TẤN SỸ 12/05/2020 04:33

Dù đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng chiến thắng Khâm Đức - Ngok Ta Vak vẫn luôn là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Phước Sơn và Sư đoàn 2, Quân khu 5. Trở lại vùng đất này trong những ngày tháng 5 lịch sử, có lẽ ai cũng sẽ cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay của huyện vùng cao này…

Giao thông liên xã Phước Thành - Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Ảnh: T.SỸ
Giao thông liên xã Phước Thành - Phước Lộc, huyện Phước Sơn. Ảnh: T.SỸ

Chiến thắng chiến lược

Năm 1963, Mỹ thành lập trại lực lượng đặc biệt Khâm Đức; năm 1965 chúng áp dụng chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đẩy mạnh kế hoạch “tìm diệt” vào vùng hậu cứ của ta. Mỹ tăng cường xây dựng Khâm Đức thành căn cứ quân sự liên hoàn, gồm: trại lực lượng đặc biệt, chi khu quân sự và sân bay Khâm Đức... Bộ Tư lệnh Quân khu 5 giao cho Sư đoàn 2 phối hợp với quân và dân Phước Sơn tiêu diệt cứ điểm quân sự này.

Sau khi chuẩn bị chiến trường, đêm mùng 8 rạng sáng 9.5, quân ta tiến công tiêu diệt cứ điểm Ngok Ta Vak. Thừa thắng xông lên, ta tiếp tục tấn công tiêu diệt sân bay Khâm Đức. Sau 4 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, trưa 12.5.1968, quân ta làm chủ hoàn toàn chiến trường Khâm Đức - Ngok Ta Vak, đánh tan rã hàng loạt đơn vị thiện chiến của quân lực Mỹ và Việt Nam cộng hòa.

Đã 52 năm trôi qua, song Đại tá Trần Như Tiếp - nguyên Trưởng tiểu ban tác chiến Sư đoàn 2 vẫn nhớ như in thời khắc lịch sử của trận đánh Ngok Ta Vak và trận đánh vào sân bay Khâm Đức, giải phóng hoàn toàn huyện lỵ Phước Sơn năm nào.

“Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Ta Vak đã mở rộng vùng hậu cứ cách mạng, khai thông hành lang chiến lược Bắc - Nam và Đông - Tây, mở “cánh cửa thép” của đường mòn Hồ Chí Minh nối hậu phương miền Bắc với chiến trường miền Nam và Hạ Lào. Từ đó mở ra hành lang xuống vùng giáp ranh đồng bằng, tạo thời cơ để quân và dân ta đẩy mạnh chiến dịch Thu năm 1968 trên toàn chiến trường khu 5 giành thắng lợi” -  Đại tá Trần Như Tiếp nói.

Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, song mỗi lần nhắc đến chiến thắng Khâm Đức năm nào, ông Hồ Văn Điều - nguyên Bí thư Huyện ủy Phước Sơn đều rất vui mừng và phấn khởi.

“Ngày đó, nghe chuyện đánh Khâm Đức dân rất phấn khởi và tin tưởng Bộ đội Cụ Hồ. Nên từ ông già, bà già, anh thanh niên, thiếu nhi... đều sẵn sàng ra mặt trận. Người thì cầm súng, gùi hàng, người thì khiêng thương, đào hầm hố cho trận địa pháo. Tất cả nhằm mục đích đánh địch, giải phóng Khâm Đức, giải phóng huyện Phước Sơn. Trưa 12.5.1968, khi giải phóng Khâm Đức - Ngok Ta Vak, cả huyện vui như mở hội, nhà có heo thì làm heo, nhà có gà thì làm gà, ăn mừng mấy ngày mấy đêm” - ông Điều kể.

Đổi thay vùng đất cách mạng

Trở lại Phước Sơn trong những ngày tháng 5 lịch sử này, ông Phạm Công Hưởng - nguyên trinh sát Tiểu đoàn Đặc công 404, đơn vị từng tham gia đánh sân bay Khâm Đức năm xưa, không giấu được sự ngạc nhiên. Thị trấn Khâm Đức nhìn từ trên cao như một ô bàn cờ thu nhỏ. Đường giao thông nội thị được bê tông, thảm nhựa khép kín. Nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, chợ, công viên văn hóa, sân vận động, nghĩa trang liệt sĩ… được chỉnh trang và xây mới. Tất cả đã mang dáng dấp một thị tứ phía tây của Quảng Nam.

“Một vùng đất chịu nhiều bi thương, khốc liệt trong chiến tranh, vậy mà giờ đây thay đổi nhiều quá. Các cựu chiến binh như tôi cũng vui, hương hồn của các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Khâm Đức - Ngok Ta Vak năm nào chắc cũng yên lòng” - ông Hưởng bùi ngùi nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, không chỉ thị trấn Khâm Đức, ngay các xã vùng cao Phước Sơn cũng đã có sự phát triển. Đến nay, các tuyến đường ở Phước Sơn có tổng chiều dài 131km, kết nối các xã vùng cao, vùng trung, vùng thấp với thị trấn Khâm Đức. Ngoài ra, còn có hơn 95% đường liên thôn được bê tông, nhựa hóa. Đến nay 12 xã, thị trấn của huyện đều có trạm y tế xây kiên cố, 26 cơ sở trường học đều tầng hóa khang trang. Điện lưới quốc gia đã kéo về đến trung tâm của 12 xã, thị trấn, với 98% số hộ có điện sử dụng; các công trình nước sạch được đầu tư xây dựng, với hơn 80% số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.

Không chỉ xây dựng cơ sở hạ tầng, Phước Sơn còn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cho công tác giảm nghèo. Sau ngày giải phóng, hầu như hộ dân ở Phước Sơn đều thuộc diện nghèo đói, vậy mà đến cuối năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 25,61% và dự kiến đến cuối năm 2020 còn dưới 22%.

Điều khá đặc biệt của Phước Sơn là việc phát triển kinh tế luôn được chú trọng gắn liền với bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc hỗ trợ nhằm củng cố, giữ gìn và phát triển các loại hình văn hóa vật thể, phi vật thể như: xây dựng nhà làng truyền thống theo đúng bản sắc văn hóa đồng bào; định kỳ tổ chức lễ hội tết mùa truyền thống Bh’nong - Giẻ Triêng; khôi phục điệu múa trống chiêng; tái hiện nghi thức phục dựng cây nêu; đám cưới theo phong tục cổ xưa; hay nghi thức cúng thần linh… là những ví dụ tiêu biểu nhất.

“Phát huy truyền thống của quê hương anh hùng, cũng như khí thế hào hùng của chiến thắng Khâm Đức - Ngok Ta Vak cách đây 52 năm, toàn huyện quyết đoàn kết một lòng tiếp bước dựng xây và phát triển, chung tay xây dựng huyện Phước Sơn phát triển ổn định, bền vững, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc…” - ông Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khâm Đức - Phước Sơn, khát vọng đổi thay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO