Nuôi dưỡng khát vọng vươn lên

ALĂNG NGƯỚC - NGUYÊN ĐOAN 01/10/2019 14:14

“Lãnh đạo tỉnh mong muốn nhân dân miền núi nói chung, người đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng luôn nuôi dưỡng khát vọng vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất của mình”. Đó là chia sẻ của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Quảng Nam nhân Đại hội đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ III - năm 2019.

Đồng chí Phan Việt Cường trò chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số các xã Trà Tân, Trà Sơn, huyện Bắc Trà My. Ảnh: NG.ĐOAN
Đồng chí Phan Việt Cường trò chuyện với đồng bào dân tộc thiểu số các xã Trà Tân, Trà Sơn, huyện Bắc Trà My. Ảnh: NG.ĐOAN

* Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, ngày 17.8.2016 Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, được xem là chiến lược phù hợp để miền núi phát triển. Đồng chí có thể cho biết, việc quán triệt, triển khai Nghị quyết 05 trong 3 năm qua được thực hiện như thế nào?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Ngay sau khi Nghị quyết số 05 ra đời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết liệt chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh cùng các huyện miền núi tổ chức quán triệt nghiêm túc, xem đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng cần ưu tiên hành động, phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân; giúp mỗi người nắm bắt và hiểu về ý nghĩa, quyền lợi, cũng như nêu cao trách nhiệm, sự đồng thuận trong việc thực hiện. Đồng thời xây dựng chương trình thực hiện sát đúng, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp với từng địa phương

Chủ trương chung của tỉnh là phải làm tốt nhiệm vụ sắp xếp lại dân cư, an cư để lạc nghiệp. Tỉnh và huyện sẽ đáp ứng các yêu cầu đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân ở nơi ở mới về giao thông, điện, nước hợp vệ sinh, trường học, thông tin liên lạc... Công việc nào dễ làm trước, khó làm sau. Vì vậy, thời gian qua, các huyện đã tập trung thực hiện công tác rà soát quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư trên địa bàn theo Nghị quyết số 05; hướng dẫn cấp xã rà soát đối tượng có nhu cầu tham gia; xây dựng, phê duyệt kế hoạch sắp xếp dân cư và phân bổ nguồn vốn về cho cấp xã triển khai thực hiện. Chỉ đạo cho cả hệ thống chính trị tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, chế độ hỗ trợ để các hộ dân hiểu và tự nguyện đăng ký tham gia đúng theo quy trình.

* Sau thời gian thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và triển khai Cơ chế hỗ trợ, sắp xếp ổn định dân cư ở miền núi theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND, ngày 19.4.2017 của HĐND tỉnh, nhiều địa phương miền núi cho rằng, việc sắp xếp dân cư khó khăn do thiếu quỹ đất, kinh phí hạn chế, thiếu gỗ cho người dân làm nhà. Theo đồng chí, nguyên nhân cơ bản nhất là gì?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Tiến độ bố trí sắp xếp dân cư ở một số địa phương còn chậm so với kế hoạch, bởi địa hình miền núi phức tạp, có độ dốc lớn, không có diện tích mặt bằng rộng, nhất là 6 huyện miền núi cao. Do vậy, trong quá trình thực hiện, chọn vị trí đất phù hợp cho sắp xếp dân cư là rất khó khăn. Ngoài ra, do bất lợi về khí hậu thời tiết nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung. Ở vùng đồi núi có diện tích manh mún dẫn đến khó bố trí đất sản xuất theo hướng chuyên canh, vùng nguyên liệu tập trung nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa và gây nhiều bất lợi trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi tuyến cơ sở xã, thôn, đặc biệt là đối với xã vùng cao, biên giới. Tập quán văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số muốn ở nhà gỗ nhưng không có cơ chế hỗ trợ gỗ để làm nhà; mua vật liệu khác thì giá thành cao do vận chuyển đường xa; nhiều hộ dân thuộc diện hộ nghèo không có khả năng đối ứng thực hiện các hạng mục...

Còn về chủ quan là do một số địa phương chưa có công trình hạ tầng đầu mối về cấp điện, cấp nước, đường giao thông kết nối... Vì vậy, số lượng hộ dân được hỗ trợ về nước sinh hoạt, điện sinh hoạt và đường giao thông đến nay còn thấp so với tổng số hộ được triển khai thực hiện chính sách. Một số khu dân cư đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Trung ương nhưng tiến độ triển khai chậm cũng ảnh hưởng đến kế hoạch sắp xếp dân cư của các địa phương.

* Giảm nghèo ở miền núi lâu nay luôn được xem là vấn đề khó; theo đồng chí, những giải pháp mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành trong thời gian qua đã đủ chưa, liệu có cần thêm những giải pháp khác; hay việc triển khai các chủ trương, chính sách giảm nghèo thời gian qua còn những hạn chế cần khắc phục?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Giảm nghèo được xem là cuộc chiến trong giai đoạn hiện nay. Xác định như vậy, nên trong nhiều công việc cần phải bắt tay vào làm ngay khi vừa bước vào nhiệm kỳ 2015 - 2020, Tỉnh ủy đã họp bàn, ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với nhiều cơ chế, chính sách và tập trung chỉ đạo quyết liệt, trong đó hết sức quan tâm đến khu vực miền núi. Qua 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả quan trọng vẫn còn những tồn tại, hạn chế nên công tác giảm nghèo của tỉnh chưa đạt được mục tiêu đề ra.

Công tác giảm nghèo đi về chặng cuối càng khó khăn hơn nhưng một số địa phương còn thiếu tập trung, chưa quyết liệt trong chỉ đạo, còn để xảy ra tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới; điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo còn sai sót, kết quả chưa phản ánh đúng thực trạng. Công tác lập, triển khai kế hoạch giảm nghèo, trong đó việc lập các thủ tục đầu tư xây dựng công trình thuộc dự án giảm nghèo ở một số xã, huyện còn chậm, thiếu chủ động, hiệu quả thấp. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chính sách chưa sâu rộng, chưa phong phú về nội dung, thiếu đa dạng về hình thức, chưa khơi dậy ý thức trách nhiệm, tính chủ động vươn lên tham gia học nghề, tổ chức sản xuất, kinh doanh, tìm kiếm việc làm, đi xuất khẩu lao động hoặc làm việc cho các doanh nghiệp.

Thêm nữa, các chính sách giảm nghèo Trung ương ban hành nhiều nhưng chưa được tích hợp thống nhất, dẫn đến việc tổ chức thực hiện phân tán, chồng chéo, trùng lắp, hiệu quả không cao... Theo tôi, mỗi giai đoạn phát triển sẽ đòi hỏi cần có những cơ chế, chính sách trợ lực phù hợp, nhưng với công tác giảm nghèo bền vững, quan trọng hơn cả là phải khắc phục cho được tình trạng đã nhìn nhận: một số địa phương, cán bộ và người dân có tư tưởng không muốn thoát nghèo, một bộ phận hộ nghèo thiếu ý chí, vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào việc thụ hưởng cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, chưa có nghị lực tự vươn lên thoát nghèo.

* Xin cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi dưỡng khát vọng vươn lên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO