Thảo luận tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa IX: Tranh biện đa chiều trước khi thông qua nghị quyết

TRẦN HỮU 14/01/2021 03:49

Hôm qua 13.1, xoay quanh các dự án, đề án trình tại Kỳ họp thứ 21, đại biểu đã thảo luận sôi nổi, tranh biện đa chiều trước khi HĐND tỉnh xem xét, thông qua các nghị quyết.  

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức phát biểu tại phiên thỏa luận chung tại hội trường. Ảnh: H.P
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức phát biểu tại phiên thỏa luận chung tại hội trường. Ảnh: H.P

Cân nhắc dự án “nhạy cảm”

Câu chuyện về thủy điện lại tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đa chiều. Trước khi trình HĐND tỉnh, Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh đã thẩm định rất chặt chẽ Tờ trình của UBND tỉnh về xem xét chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án thủy điện Sông Tranh 4 trên địa bàn huyện Hiệp Đức và Tiên Phước.

Ông Nguyễn Văn Tỉnh - Bí thư Huyện ủy Hiệp Đức cho biết, năm 2010 nhà máy thủy điện Sông Tranh 4 được tỉnh thống nhất chủ trương đầu tư, đến nay đã xong hạng mục đầu tư, chờ phát điện. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang dự án đầu tư thủy điện có diện tích 33,7ha, phần lớn là đất rừng trồng keo của dân, một phần nhỏ diện tích là đất lúa, đất trồng cây lâu năm.

Theo Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, đây là dự án chỉ chuyển mục đích rừng sản xuất, không có rừng tự nhiên. Chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thực hiện xây dựng dự án thủy điện sông Tranh 4 là cần thiết vì dự án này đã triển khai xây dựng đã lâu, cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh kiến nghị HĐND tỉnh nên lùi thời gian xem xét thông qua chủ trương chuyển mục đích rừng thủy điện Sông Tranh 4 tại kỳ họp sau, cân nhắc kỹ thời điểm thực hiện để tránh áp lực dư luận xã hội. Có ý kiến khác băn khoăn, cơ quan thẩm định tờ trình UBND tỉnh của HĐND cần làm rõ thời điểm tháng 9.2020 nhà máy thủy điện này tích nước, tháng 12.2020 phát điện, tiến độ có đúng thực tế hay không.

Cũng có ý kiến đề nghị lùi thời gian xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng dự án đầu tư xây dựng nhà ở khu đô thị Cồn Tiến (Hội An), bởi cần thời gian đánh giá kỹ hơn dự án, có tác động đến rừng dừa Bảy Mẫu. Có ý kiến băn khoăn việc đầu tư dự án này có bị thất thu ngân sách hay không và thu nộp ngân sách như thế nào vì khi chuyển mục đích sử dụng giá trị đất sẽ tăng lên. Do vậy, cần làm rõ giá trị chênh lệch địa tô và nghĩa vụ đối với ngân sách.

Cơ chế ưu đãi cho miền núi

Ở Đề án quy định cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh, theo Tờ trình của UBND tỉnh, với các địa phương tự cân đối ngân sách thì tỉnh hỗ trợ 10%, cấp huyện 90%. Những nơi không tự cân đối ngân sách thì tỉnh hỗ trợ 50%; huyện 50%. Khu vực miền núi, ngân sách tỉnh hỗ trợ 90%.

Nước sạch ở miền núi trở thành chuyện bức xúc dai dẳng. TRONG ẢNH: Đường ống dẫn nước bị hư hỏng tại làng tái định cư thuộc xã Phước Hòa (Phước Sơn). Ảnh: H.P
Nước sạch ở miền núi trở thành chuyện bức xúc dai dẳng. TRONG ẢNH: Đường ống dẫn nước bị hư hỏng tại làng tái định cư thuộc xã Phước Hòa (Phước Sơn). Ảnh: H.P

Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, để cho các huyện miền núi đóng góp một tỷ lệ ngân sách đầu tư nhỏ mục đích chính nhằm tăng cường trách nhiệm đầu tư và quản lý hiệu quả các dự án nước sạch sau đầu tư. Thời gian qua, ở khu vực miền núi, có tình trạng các công trình nhà máy nước tập trung dù đường ống nước đã đầu tư nhưng người dân không đấu nối sử dụng nước sạch, dẫn đến đầu tư lãng phí, khó thu hồi vốn. Nhiều xã thuộc vùng tây của huyện Thăng Bình, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, một số công trình nước sạch đầu tư trước đây không phát huy hiệu quả.

Liên quan đến Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 9 huyện trung du, miền núi, nhiều ý kiến nhìn nhận, chất lượng đo đạc chưa đảm bảo nên phải đo lại, gây lãng phí rất lớn. Một số địa phương xảy ra tình trạng cấp đất trên hành lang tuyến đường bộ (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ). Huyện Quế Sơn đề nghị bổ sung địa phương vào đối tượng được hưởng lợi đề án vì Quế Sơn là huyện trung du có nhiều xã miền núi, có diện tích đất lâm nghiệp khá lớn.

Chưa có bộ tiêu chí giao chỉ tiêu biên chế về các địa phương

Hiện nay, nhiều địa phương đang thắc mắc về giao chỉ tiêu biên chế công chức đối với các huyện, thị xã, thành phố mang tính bình quân, chưa có tiêu chí cụ thể cho từng địa phương, đơn vị để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quy mô dân số, diện tích, số đơn vị hành chính cấp xã, đặc điểm tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho rằng, địa phương đang sử dụng 13 biên chế viên chức ở ban quản lý dự án, các trung tâm... Địa phương chỉ có 70 công chức, trong khi chỉ tiêu giao 106. Vừa qua thực hiện chủ trương cho phép xét viên chức, Điện Bàn xét 10 chỉ tiêu nữa, nay đề nghị thu hồi biên chế đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ theo quy định tại Nghị định 115 năm 2020 của Chính phủ, thì xử lý thế nào và chưa thấy UBND tỉnh chỉ đạo lộ trình thực hiện.

Ông Lê Tấn Trung - Chủ tịch HĐND huyện Quế Sơn băn khoăn, không thể giao biên chế cho ngành giáo dục theo kiểu “cào bằng” được. Nếu thực hiện cứng nhắc, cắt cái rụp biên chế thì sẽ phát sinh “điểm nóng” cho địa phương.

Đáp lại ý kiến thu hồi, giao chỉ tiêu biên chế từ các địa phương, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, đến nay chưa có bộ, ngành Trung ương nào hướng dẫn giao chỉ tiêu biên chế về cho các địa phương. Cho đến nay 63 tỉnh thành của cả nước cũng chưa xây dựng khung, bộ tiêu chí cụ thể. Sở Nội vụ đang lấy ý kiến, xây dựng bộ tiêu chí giao chỉ tiêu biên chế một cách hợp lý nhất trên cơ sở đảm bảo các quy định của pháp luật hiện hành.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa IX: Tranh biện đa chiều trước khi thông qua nghị quyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO