Bất cập quản lý an toàn thực phẩm

ĐĂNG QUANG 07/09/2020 07:20

Vậy là không chỉ các thành phố lớn đang lo truy tầm thu hồi sản phẩm pate Minh Chay và các sản phẩm của công ty Lối Sống Mới. Quảng Nam cũng vừa có thêm ca thứ 4 nghi bị ngộ độc vì ăn nhằm loại pate này quệt vào bánh mì.

Đọc kỹ tin tức về các vụ ngộ độc do pate Minh Chay thấy điểm chung được báo chí phản ánh là cung cách quản lý an toàn thực phẩm quá đáng lo ngại.

Lo là vì loại thực phẩm nhiều người dùng đến vậy mà lỗ hổng trong chế biến không được cảnh báo sớm. Chủ quan là một công ty gia đình làm các thực phẩm phục vụ ăn chay đã 30 năm, sản phẩm được coi là có tiếng tăm, nhưng vẫn lộn xộn trong cung cách quản lý. Minh chứng là cơ sở này công bố sử dụng các nguyên liệu như chân nấm hương hữu cơ, chân nấm hương, mộc nhĩ, nấm hương khô, nấm hương khô organic, nấm đùi gà to, nấm đùi gà non, nấm sò yến... để sản xuất. Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, công ty không xuất trình được đầy đủ hồ sơ nguồn gốc, xuất xứ các loại nguyên liệu.

Còn về mặt khoa học, như GS. Nguyễn Lân Dũng nhận định, chỉ vài ký độc tố Clostridium bolinum đủ sức giết chết cả nhân loại, vì vậy làm pate và thực phẩm đóng hộp nói chung mà không đảm bảo điều kiện khử trùng (ở nhiệt độ 121 độ C) thì dễ sinh vi khuẩn, nảy nòi ra loại độc tố đó. Vậy, khi cho phép công ty này sản xuất, cơ quan chức năng đã xem đủ điều kiện đó chưa, rồi nếu kiểm định sơ sài, không phát hiện ra thì sao? Nên biết là nếu ăn nhằm bánh mì quệt loại pate có độc thôi sẽ bị đau họng, khó nuốt, khó nói, sụp mi, nhìn mờ, nôn mửa, mệt mỏi, yếu chân tay. Nếu bị nặng, nạn nhân có thể bị giãn đồng tử, liệt hoàn toàn các cơ, buộc phải thở máy và rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thuốc giải độc cũng rất đắt nếu mua từ Thái Lan với giá tới 8.000 USD mỗi lọ.

Về phía quản lý nhà nước, có hàng loạt cơ quan liên đới trách nhiệm kiểm soát trong quá trình sản xuất, chế biến và đưa sản phẩm ra thị trường, trong đó ít nhất là 3 ngành nông nghiệp, công thương và y tế. Nhưng khi xảy ra sự cố ngộ độc thì truy cứu ai cũng khó, bởi mỗi ngành quản lý mỗi nhóm ngành hàng. Nông nghiệp chịu trách nhiệm quản lý cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, chế biến và các chợ đầu mối. Các chợ, siêu thị, bán lẻ... do ngành công thương quản lý. Còn khi lên bàn ăn, nhà hàng... thì ngành y tế quản lý. Cơ chế 3 cơ quan đó, nếu phối hợp không chặt chẽ, đồng bộ thì khó phòng ngừa tình trạng ngộ độc thực phẩm. Dĩ nhiên, khi xảy ra ngộ độc thực phẩm thì ngành y tế sẽ là đầu tàu xử lý ngộ độc chứ ngành nông nghiệp không thể xử lý được, còn các cơ quan khác chỉ đưa ra thông báo thu hồi, tịch thu giấy phép, hoặc xử phạt.

Nhiều cơ quan đồng quản lý, nhưng thực tế kiểm soát an toàn thực phẩm luôn khó khăn. Chẳng hạn đơn giản như… cục nước đá có hơn chục cơ quan quản lý và giám sát, nhưng không  ai dám khẳng định nước đá hiện nay trên thị trường là an toàn và sạch sẽ hoàn toàn. Bất cập thế thì trách nhiệm kiểm soát sẽ lơi lỏng. Và từ vụ pate Minh Chay, có chuyên gia đã tiếp tục cảnh báo một số thực phẩm, kể cả đồ phục vụ ăn chay chưa chắc đã tốt cho sức khỏe nếu quy trình sản xuất không đảm bảo kỹ thuật và kiểm định khoa học. Ví dụ như chuyện làm tương để mọc mốc tự nhiên, nếu tương bị nhiễm mốc Aspergillus flavus sẽ sinh ra độc tố Aflatoxin gây ung thư.

Ngộ độc vì thực phẩm không an toàn dễ bị chết tức tưởi, oan lắm!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bất cập quản lý an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO