Cái nghèo, cái đẻ, cái ăn, cái chữ...

ĐĂNG QUANG 13/07/2020 04:37

Quan tâm đầu tư cho đồng bào miền núi có biết bao câu chuyện cần làm. Tuy nhiên, miên viễn là sự canh cánh với cái nghèo.

Để giảm nghèo cho miền núi đã có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ được triển khai. Tính trong giai đoạn từ 2016 tới nay, tổng nguồn vốn thực hiện chương trình giảm nghèo của Trung ương và tỉnh dành cho miền núi hơn nghìn tỷ đồng.

Vừa qua, trong kỳ họp tháng 6, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp giảm nghèo bền vững, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững của tỉnh, đảm bảo đạt mục tiêu giảm trên 2.700 hộ nghèo năm 2020 theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và Kế hoạch số 2552/KH-UBND ngày 11.5.2020 của UBND tỉnh về thực hiện công tác giảm nghèo bền vững năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

Được quan tâm nhiều vậy nhưng tỷ lệ hộ nghèo miền núi vẫn còn cao. Mới đây, số liệu từ báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ huyện Nam Giang lần thứ XX cho thấy tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 36,51%. Ngược vào vùng núi phía tây nam của tỉnh, chưa rõ mục tiêu mà huyện Bắc Trà My phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 29% trong năm nay có đạt được hay không, nhưng năm 2018, tỷ lệ nghèo còn ở mức cao, hơn 40%. Tính chung cả khu vực miền núi, theo khảo sát năm 2019 của thống kê cho thấy hộ nghèo còn 17.449 hộ (chiếm 20,85%).

Còn nghèo nên đeo thêm cái ngặt cho các mặt công tác khác, như lĩnh vực chăm sóc y tế và dân số, giáo dục. Tế nhị là chuyện sinh đẻ có kế hoạch, cần thực hiện các biện pháp tránh thai. Nhưng từ khi triển khai thực hiện Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản khu vực thành thị và nông thôn, giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án 818) thì gặp khó ngay.

Bởi trước đây người dân đã quen với việc sử dụng miễn phí các biện pháp tránh thai nên việc thực hiện xã hội hóa bước đầu trục trặc. Nhiều chị em chưa quen mua thuốc tránh thai để sử dụng, vẫn trông chờ vào Nhà nước cung cấp miễn phí (theo Đề án 818, đối tượng không được miễn phí thì tự mua tự trả tiền). Hậu quả… cái sự đẻ khó kiểm soát được, như ở Đông Giang 6 tháng đầu năm nay tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm đến nay, có gần 2.900 cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Số người cấy tránh thai chỉ đạt 5%, sử dụng bao cao su đạt 36%... kế hoạch của tỉnh đề ra.

Cái sự đẻ mà không kiểm soát sẽ kéo theo các hệ quả khác về chăm sóc y tế, rồi lo cái ăn, dạy cái chữ sau này. Không phải ngẫu nhiên mà báo chí đưa tin hình ảnh các đứa trẻ ở Tắc Pổ (Nam Trà My) được ăn bữa mỳ Quảng trong dịp tổng kết năm học này làm nhiều người xúc động.

Để có bữa mỳ đó cô Trà Thị Thu, một trong hai giáo viên của trường, đặt nguyên liệu thịt gà và mỳ từ dưới xuôi, còn nhờ dân cõng thực phẩm từ chân núi lên trường. Buổi liên hoan cuối năm với nguyên liệu là 40kg mỳ, 18kg thịt gà được chuyển từ dưới xuôi lên, dường như còn chưa đủ đầy trong ánh mắt thèm thuồng của những đứa trẻ, nên thật đáng cảm thông lời tâm tình của cô giáo Trà Thị Thu, rằng “thấy rất vui khi nhìn các em ăn hết những bát mỳ to. Em nào cũng ăn từ 2 đến 3 tô. Tôi hy vọng các bé sẽ luôn được ăn no và có những bữa ăn như buổi liên hoan này”.

Từ cái nghèo mà đẻ nhiều dẫn đến thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu cái chữ…, rồi đến lượt các yếu tố đó tác động ngược làm tái nghèo. Nên cách gì cũng phải tập trung cho các giải pháp giảm nghèo là chuyện hàng đầu của miền núi vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cái nghèo, cái đẻ, cái ăn, cái chữ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO