Hỗ trợ “tam nông”

ĐĂNG QUANG 18/05/2020 09:42

“Tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) là bệ đỡ quan trọng cho an sinh xã hội mà chúng ta đã được thực chứng khi nền kinh tế lắc lư, suy thoái. Do vậy, ngoài các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp do đại dịch Covid-19, cần có chính sách hỗ trợ “tam nông”.

Tin vui là Chính phủ vừa trình Quốc hội Dự án Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN) trong thời hạn 5 năm (2021 - 2025). Theo đó, số thuế SDĐNN được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực “tam nông”. Qua đó giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên họ yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.

Chính sách miễn giảm thuế SDĐNN thực tế đã được áp dụng trong 17 năm qua, với con số ước tính hơn 93 nghìn tỷ đồng, đã khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, góp phần nâng mức tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 3%/năm. Do đó, việc đề xuất tiếp tục miễn thuế SDĐNN đến hết 2025 là thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước về “tam nông”; phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp, chu kỳ sản xuất nông nghiệp.

Không cần bàn thêm về ý nghĩa, tính nhân văn của chính sách được đề xuất này. Tuy nhiên, cần thấy rằng, kể cả khi được Quốc hội nhanh chóng phê chuẩn, thì việc tổ chức thực thi chính sách mới là điều đáng quan tâm.

Các chuyên gia đã từng phân tích về “độ trễ” của chính sách, tức là việc đưa chính sách vào cuộc sống luôn có sự chậm trễ, hoặc gặp trở ngại. Kinh nghiệm gần nhất là chính sách hỗ trợ cho đối tượng bị ảnh hưởng trong dịch Covid-19, tốc độ ban hành khá nhanh, nhưng triển khai vẫn chậm do thiết kế kỹ thuật còn có “khoảng hở” trong xác định đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, với chính sách miễn giảm thuế SDĐNN, chúng tôi cũng quan tâm đến đối tượng thụ hưởng.

Theo Bộ Tài chính, chính sách mới sẽ tiếp tục thực hiện miễn thuế SDĐNN đối với đất đang sản xuất nông nghiệp của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, kể cả trường hợp đất được thừa kế, tặng cho, nhận chuyển quyền sử dụng đất, đất mà thành viên nhận giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp và đất góp vốn để thành lập hợp tác xã.

Cần lưu ý điểm có thể nảy sinh vướng mắc như đất của nông - lâm trường quốc doanh, vì thực tế kiểm kê sẽ mất thời gian khá nhiều, chưa nói là có những chồng lấn trên thực địa. Bởi theo Bộ TN&MT, đến năm 2021 mới hoàn thành việc đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường. Từ đó, mới cung cấp thông tin làm cơ sở xác định và thu nghĩa vụ tài chính của các đối tượng sử dụng đất; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, trong đó quan tâm giải quyết dứt điểm tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa nông, lâm trường đối với người dân để giải quyết các vấn đề bức xúc xảy ra ở địa phương.

Như vậy, để áp dụng chính sách miễn giảm thuế SDĐNN đối với chủ sử dụng loại đất nêu trên cần phải tốn thời gian không ít để rà soát, xác định đúng đối tượng được thụ hưởng.

Chắc chắn sẽ còn bàn thảo để quyết định ban hành chính sách, nhưng trước hết cần thiết kế kỹ thuật chặt chẽ (như xác định rõ ràng đối tượng thụ hưởng) mới dễ áp dụng và triển khai nhanh được. Làm sao để đừng tái diễn tình trạng như chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích, rằng đã có không ít chính sách hỗ trợ nông dân nhưng lợi ích cuối cùng vẫn chưa  đến hoặc đến tay nông dân rất chậm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỗ trợ “tam nông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO