Một cam kết cho lụa Việt

THƯ QUÂN 22/05/2020 04:44

Quảng Nam đang tính toán đến chuyện sẽ phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm bằng những đường hướng cụ thể. Đây là kỳ vọng không chỉ của cư dân dọc vùng bãi biền sông Thu, mà là cả tâm huyết của chính quyền, của những người yêu tơ lụa tự nhiên...

Vậy như thế nào để tiến tới việc phát triển bền vững đối với một nghề đã có nhiều thăng trầm như trồng dâu nuôi tằm ươm tơ dệt lụa? Có nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến câu chuyện về tơ lụa này, từ chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất dâu tằm của Trung ương cho đến địa phương; quy hoạch về sử dụng đất, quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm, thị trường; năng lực của cán bộ quản lý nông nghiệp, nhận thức của người sản xuất dâu tằm cho đến khâu thị trường giá cả.

Việc dốc toàn lực cho cuộc hóa thân mới của dâu tằm, cần đảm bảo tất cả yếu tố chi phối đã kể trên phải ở cùng một chuỗi. Bởi dâu tằm tơ là ngành cần kinh tế kỹ thuật đặc thù đòi hỏi sự khép kín các công đoạn. Thất bại ở một mắt xích bất kỳ, nghĩa là cả cuộc chạy này phải dừng lại để chỉnh nắn.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khá tâm huyết với câu chuyện phục hưng một nghề truyền thống quý giá của vùng đất, bằng cách tạo mọi điều kiện và cơ hội để người dân tiếp cận với các chính sách hỗ trợ lẫn những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong ngành này. Thậm chí tỉnh cũng đã có những chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư, phục dựng nghề dâu tằm.

Những kén tằm đầu tiên trở lại trên đất Gò Nổi cho người ta khấp khởi một hy vọng mới. Gần như “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đang quay trở lại với ngành lụa truyền thống này, trao cho vùng đất một cơ hội mới. Tuy nhiên, tất cả chỉ mới bắt đầu.

Nông dân Điện Quang vui mừng với giống tằm mới được nuôi cấy thành công, nghĩa là đã bắt đầu nghĩ đến câu chuyện ngưng phụ thuộc vào nguồn giống của nước khác. Thì cũng vừa lúc nghĩ đến độ tuổi người lao động của những nơi được lựa chọn sẽ nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại Quảng Nam đều gần như ở lứa trung niên. Chưa kể, thăng trầm từ đại dịch Covid-19 gần như tắt đi giấc mơ đưa lụa xuất khẩu - trong khi đây chính là cơ hội để nâng tầm cũng như nâng cao chính giá trị sản phẩm...

Thế nhưng hãy cứ hy vọng và gầy dựng lòng tin cho nhau. Bởi một khi đã đặt được bước chân vững chãi và đúng đắn trên hành trình phục dựng, thì sẽ còn đó một quãng đường dài để từng bước đi lên.

Người nông dân - người nuôi tằm không còn là một phân khúc riêng lẻ, trôi nổi, bấp bênh, bởi những cái bắt tay từ phía doanh nghiệp, chính quyền cùng chung lưng hỗ trợ. Đây chính là bước đột phá để gầy dựng niềm tin để làm nên những vuông lụa tự nhiên. Cùng nhau hướng tới, xây dựng nên một thương hiệu lụa tơ tằm riêng có, một “thủ phủ” tơ lụa trong tương lai, hẳn là giấc mơ của không chỉ người trồng dâu nuôi tằm... Đó như một cam kết để giữ lấy sản phẩm truyền thống quý giá của dân tộc, cũng là một tự hào của người Việt - lụa Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một cam kết cho lụa Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO