Nhớ thương ngày cũ

H.N 26/03/2020 13:37

Khi tin vừa đưa về công điện hỏa tốc của Tổng cục Hải quan yêu cầu tạm dừng thông quan các lô hàng xuất khẩu gạo dưới mọi hình thức từ 0h ngày 24.3.2020 chưa kịp thôi nóng hổi thì cũng ngay trong tối cùng ngày, lại thấy Bộ Công Thương có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo. Không hẳn trống đánh xuôi kèn thổi ngược nhưng nó cho thấy sự lúng túng thật sự trong điều hành giữa bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đối với vấn đề đảm bảo an ninh lương thực.

Theo phân tích của bà Vũ Kim Hạnh (Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp) viết trên trang cá nhân thì “con số Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo tới 600% không có ý nghĩa. Nghe mức tăng quá khủng nhưng nếu xem lại, năm 2019 họ giảm mức nhập gạo Việt Nam chỉ còn 8% tổng lượng nhập gạo của họ, đến tháng 1.2020, chỉ còn 5,4% thì đâu có gì phải lo: tăng nhập 600% cũng chỉ có 66.000 tấn, trị giá chừng 37 triệu USD. Sản lượng gạo Việt Nam năm nào cũng dư 6 – 7 triệu tấn để xuất khẩu. Năm nay cũng vậy” và theo bà, “không xuất được mới đáng lo”.

Có hai luồng ý kiến tranh cãi/phản đối và đồng tình/ủng hộ việc tạm dừng xuất khẩu gạo. Tôi nằm trong số ủng hộ đánh giá, phân tích và nhận định không cần và không nên dừng xuất khẩu gạo. Ám ảnh an ninh lương thực từ nạn đói 1945, có lẽ đã ám vào tất cả chúng ta. Nó như hiển hiện trong ngày phát hiện ca nhiễm covid-19 thứ 17 và các ca nhiễm trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng, khi người dân ùn ùn đến các siêu thị, tiệm tạp hóa, chợ để mua thực phẩm dự trữ. Phía ủng hộ việc tạm dừng xuất khẩu gạo thì cho rằng, điều này là kịp thời và cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp và tình hình hạn hán nghiêm trọng ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long.

Những tranh cãi lúc này, chỉ là để tranh cãi hay tranh cãi để cho ra quyết định đúng đắn, cho ra hành động đúng đắn, bảo vệ quyền lợi cho nông dân, cho doanh nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia mới là điều đáng nói. Vì nhiều hối thúc, quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo; nhưng rồi cũng vì tình trạng khẩn cấp này, mà đơn vị chủ quản cần có thêm thời gian đánh giá lại sản lượng thực tế của vụ đông xuân, lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký cũng như lượng tồn kho thực tế ở các doanh nghiệp để có quyết định chính xác hơn.

Nhưng, giữa vội vã và kịp thời, đôi khi ranh giới dễ bị xô đổ bởi những thứ không lường được như thiên tai, dịch bệnh hay chiến tranh.

Điều này khiến nhớ chuyện mới đây ở Quảng Nam, khi dịch bệnh ở giai đoạn đầu tạm lắng, cả nước dừng lại ở ca thứ 16, chính quyền tỉnh đã có các biện pháp nhằm thúc đẩy du lịch, kêu gọi du khách đến, đẩy mạnh truyền thông về một điểm đến an toàn… Bây giờ nhìn lại, nhiều người đã phải thừa nhận là thời điểm đó, đã có một sự vội vã nhất định (dẫu lúc ấy, rất nhiều cơ quan truyền thông đã khen ngợi sự kịp thời, linh hoạt của tỉnh).

Dịch bệnh covid-19 đã làm đảo lộn tất cả.

“Nhớ thương quá đỗi những ngày bình thường”. Nhiều người bạn giáo viên của tôi đã cảm thán như vậy. Vâng. Tất cả chúng ta đều mong ngày bình thường trở lại. Đã thôi không còn chúc “vạn sự như ý” mà chỉ mong “vạn sự như cũ” - là những ngày cũ bình yên chưa có Covid.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhớ thương ngày cũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO