Từ chuyện người Quảng Nam làm báo

PHẠM PHÚ PHONG 21/06/2020 12:38

Từ khi báo chí ra đời và phát triển ở nước ta, bất kỳ giai đoạn nào, những người xuất thân từ đất Quảng cũng là đội ngũ chủ lực trong nền báo chí của cả nước. 

Tác nghiệp chi trả lương hưu tại nhà trong dịch Covid-19. Ảnh: DŨNG T.K
Tác nghiệp chi trả lương hưu tại nhà trong dịch Covid-19. Ảnh: DŨNG T.K

Từ mạch nguồn truyền thống

Một trong những người Quảng Nam có tên tuổi đầu tiên trong làng báo, có lẽ là Dũ Thúc Lương Khắc Ninh (1862 - 1942), sinh ở Bảo An, Điện Quang, Điện Bàn. Năm mười tuổi, Lương Khắc Ninh theo gia đình vào sinh sống ở An Nội, Bảo Hựu, Bến Tre. Không rõ có mối nhân duyên, liên hệ địa linh nào với người đứng ra thành lập Gia Định báo (1865), tờ báo Quốc ngữ đầu tiên là Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) có quê hương ở xứ này hay không, mà khi đang làm thông dịch ở tòa án, được cử vào Hội đồng quản hạt Bến Tre, rồi Hội đồng tư vấn Nam Kỳ, Lương Khắc Ninh lại quay ngoắt, xin thôi việc, để đứng ra thành lập tờ báo kinh tế đầu tiên ở nước ta, tờ Nông cổ mín đàm (ngồi uống trà bàn về nghề nông và thương mại), số đầu ra ngày 1.8.1900.

Đọc kỹ lại báo này mới thấy động lực thôi thúc ông, thể hiện đúng bản chất con người hành động trong ông, được hun đúc từ làng quê bản quán, tiên tổ cha ông, đó là khát vọng tự cường, tự tôn dân tộc, khi ông kiên trì một cách ương ngạnh cổ vũ cho việc chấn hưng nghề nông, công, thương, đề cao hàng nội hóa, hô hào tẩy chay hàng ngoại của các hãng buôn Hoa kiều. Ngoài ra, ông còn vận động, giúp đỡ cho Phong trào Duy tân, cổ vũ cho nghệ thuật cải lương, đưa cả một đoàn nghệ thuật hát bội sang biểu diễn ở Hội chợ đấu xảo ở Marseille, Pháp (1922).

Hình như, không ít người làm báo hiện nay coi báo chí chỉ là một nghề để kiếm sống như mọi nghề khác. Họ quên ý thức rằng, báo chí không chỉ là nghề mà còn là nghiệp, người làm báo không chỉ là hành nghề mà còn là hành nghiệp, phải biết khổ đau, trăn trở, mất ăn, mất ngủ, thậm chí nguy hiểm cả đến tính mạng của bản thân, khi đã quàng phải cái nghiệp ấy vào thân. 

Sau Lương Khắc Ninh là hàng loạt tên tuổi, gắn liền với các tờ báo nổi tiếng như Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) với báo Tiếng dân; Nguyễn Bá Trác (1881 - 1945) với Cộng thị báo, rồi chủ bút phần chữ Hán của Nam Phong tạp chí; Phan Khôi (1887 - 1959) với Phụ nữ tân văn, rồi Sông Hương; Lê Đình Thám (1897 - 1969) với tạp chí hoằng dương Phật học Viên âm; Bút Trà (1900 - 1982) với các báo Sài thành, Sài Gòn, Điện tín; Bùi Thế Mỹ (1904 - 1943) với Đông Pháp thời báo, Thần chung, Tân thế kỷ; Phan Thanh (1908 - 1939) với Thời thế, Trung Bắc tân văn; rồi đến anh em nhà Nguyễn Tường là Nhất Linh (1906 - 1963), Hoàng Đạo (1907 - 1948), Thạch Lam (1910 - 1942), từng thay nhau điều hành các tờ Phong hóa và Ngày nay nổi đình đám một thời.

Đông đảo hơn, các nhà báo vừa là nhà văn đã kinh qua kháng chiến như Phan Thao (1915 - 1960) chủ bút các báo Chiến thắng, Cứu quốc, Thống nhất; Lưu Quý Kỳ chủ bút các báo Quyết thắng, Cứu quốc; Nguyễn Văn Bổng (1921 - 2001) chủ bút báo Chiến thắng thời chống Pháp, rồi hai lần làm Tổng Biên tập báo Văn nghệ trước và sau 1975; Vũ Hạnh (1926) với Tin văn; Nguyên Ngọc (1932) với Văn nghệ quân đội, rồi Văn nghệ; Nguyễn Đình An (1934) với Giải phóng, rồi Cờ giải phóng,... Đến thế hệ những người ít nhiều từng làm báo trong chiến tranh, hoặc trưởng thành sau chiến tranh như Huỳnh Bá Thành, Hồ Duy Lệ, Kim Hạnh, Nguyễn Công Khế, Đặng Thanh Tịnh...

Từ khi báo chí ra đời và phát triển ở nước ta, bất kỳ giai đoạn nào, những người xuất thân từ đất Quảng cũng là đội ngũ chủ lực trong nền báo chí của cả nước. Điều đó, đã hình thành một truyền thống, định hình một nguồn mạch lưu chuyển qua nhiều giai đoạn lịch sử, trở thành niềm tự hào của con dân xứ Quảng. Bởi con người sinh ra ở đây, do nguồn mạch văn hóa địa linh, thấm đẫm từ thổ ngơi đất đai, sông núi ruộng đồng, tích hợp từ làng quê văn hiến, đã tạo nên phẩm chất phản biện, trung thực, thẳng thắn, thích lật lại vấn đề, luôn nhạy bén với cái mới, thích san sẻ những hiểu biết cho cộng đồng, nên phù hợp với tư duy và bản lĩnh văn hóa của người hoạt động truyền thông báo chí.

Đôi điều về làm báo hiện nay

Điều đáng lo ngại hiện nay là có quá ít những nhà báo giỏi. Đây không chỉ là thực trạng của một địa phương nào, mà là của cả nước. Đất Quảng, nơi có truyền thống báo chí khá lẫy lừng, cũng không ngoại lệ. So với các địa phương khác, những người làm báo xuất thân từ xứ Quảng bây giờ dường như cũng sàng sàng nhau, khó tìm một tên tuổi nổi trội. 

Hình như, không ít người làm báo hiện nay coi báo chí chỉ là một nghề để kiếm sống như mọi nghề khác. Họ quên ý thức rằng, báo chí không chỉ là nghề mà còn là nghiệp, người làm báo không chỉ là hành nghề mà còn là hành nghiệp, phải biết khổ đau, trăn trở, mất ăn, mất ngủ, thậm chí nguy hiểm cả đến tính mạng của bản thân, khi đã quàng phải cái nghiệp ấy vào thân. Cho phép được nói thẳng một điều, rằng cái nhiệt tình, say mê, tâm huyết đối với nghề báo dường như đã nguội lạnh trong nhiều người. Điều đó dẫn đến tình trạng, người tiếp nhận thông tin thờ ơ với báo chí. Vì cái người ta cần, thì báo chí không có, hoặc nếu có, cũng chỉ qua loa, nhợt nhạt kém nhiệt tình. Họ buộc lòng phải tìm đến các kênh truyền thông khác.

Trong khi đó, một nghịch lý mà ai cũng có thể nhận ra, những nhà báo thành danh như đã được điểm qua một cách không được đầy đủ trên đây, hầu hết họ đến với báo chí bằng con đường tự học, còn các nhà báo hiện nay được đào tạo trường lớp một cách chính quy, trong đó có cả những người được đào tạo ở nước ngoài về nhưng lại ít người làm báo giỏi. Các trường chỉ quan tâm đến người học giỏi mà ít quan tâm đến việc tạo ra người làm giỏi. Điều đó, đặt ra vấn đề, cần xem lại cách đào tạo nghề báo, từ tuyển sinh đến chương trình và phương thức đào tạo. Cố nhiên, báo chí là năng khiếu, thậm chí là bản năng, nhưng nếu người có năng khiếu, được học hành thì phải giỏi hơn người không được học hành chứ? Vì vậy, dẫn đến hệ lụy là người dạy nghề báo ngoài am tường tri thức chuyên môn cũng phải là người có năng khiếu.

Người dạy toán, có thể không làm được toán, nhưng phải biết cách hướng dẫn học trò giải được bài toán. Người dạy văn không biết viết văn nhưng phải biết hướng dẫn người học giải mã được bài văn. Người dạy báo, khắc nghiệt hơn, tuy không làm báo, không viết báo nhưng phải biết dạy cho người học viết báo. Khi dạy về một thể tài báo chí, ngoài việc cung cấp kiến thức cho người học biết nó là gì, cần phải hướng dẫn người học làm ra sản phẩm, mà muốn vậy, chính người dạy phải biết làm ra sản phẩm, phải biết viết báo, mới hướng dẫn người học viết được chứ.

Bởi lẽ, nghề báo là nghề thực hành chứ không phải lý thuyết, mà muốn dạy người khác thực hành, đòi hỏi người thầy dạy phải chịu gian khổ mỗi năm về thực hành ở các cơ quan báo chí truyền thông, cứ dạy theo sách vở thì làm sao đánh thức được năng khiếu/tài năng, để tạo ra được nhà báo giỏi. Có một thực tế hiển nhiên là nhiều người không học một chữ nào về báo chí, trong đó có cả những người được đào tạo bởi các ngành nghề khác, lại là những người làm báo giỏi, còn nhiều người đào tạo trường lớp hẳn hoi lại không viết nổi một bài báo, bất kỳ thể tài nào.

Thực tiễn báo chí nước ta trải qua 155 năm (1865 - 2020), nhưng khoa học về báo chí chỉ mới xuất hiện trong vòng khoảng hơn nửa thế kỷ trở lại đây, nên không tránh khỏi non yếu. Vì vậy, các trung tâm đào tạo về báo chí thường đào tạo ra người làm chính trị (các học viện chính trị), người nghiên cứu báo chí (các trường khoa học cơ bản) hoặc người dạy báo chí (các trường sư phạm), hơn là quan tâm đào tạo ra nhà báo, một người không chỉ có kiến thức đầy đủ để hành nghề, mà còn có cả ý thức, tâm huyết, bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp. Thực chất, người làm báo hiện nay thường được đào tạo lại ở các cơ quan truyền thông báo chí, thông qua hoạt động thực tiễn, vì vậy quá lãng phí thời gian, công sức, tiền của và khó tạo ra người làm báo giỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Từ chuyện người Quảng Nam làm báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO