Chung quanh việc trùng tu mộ cụ Nguyễn Dục: Các bên liên quan nói gì?

PHAN VINH - HÀN GIANG 28/12/2018 05:31

Báo Quảng Nam nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đằng, xưng là đại diện gia tộc họ Nguyễn hệ phó bảng Nguyễn Dục (xã Tam An, Phú Ninh) kiến nghị về một cán bộ ở huyện Phú Ninh dùng quyền lực gây khó khăn cho gia tộc. Thực hư ra sao?

Khu mộ cụ Nguyễn Dục được trùng tu khang trang. Ảnh: N.ĐOAN
Khu mộ cụ Nguyễn Dục được trùng tu khang trang. Ảnh: N.ĐOAN

Mượn không trả?

Đơn do ông Nguyễn Đằng và bà Nguyễn Thị Kim Châu (TP.Đà Nẵng) cùng ký tên, nêu việc trùng tu di tích bia mộ và bia di tích của cụ phó bảng Hữu Tham tri bộ lễ Nguyễn Dục có nhiều thiếu sót, ảnh hưởng đến việc giáo dục con cháu của gia tộc mỗi lần thăm viếng. Cụ thể, nội dung được khắc vào bia mộ cụ Nguyễn Dục không ghi rõ cội nguồn, quê quán của cụ; không trích sắc phong của vua Tự Đức phong tặng cho cụ Nguyễn Dục. Ngoài ra, trong đơn còn “tố” ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Phú Ninh gây khó khăn cho gia tộc Nguyễn hệ phó bảng Nguyễn Dục khi gia tộc này có nguyện vọng xin đất phục chế Mả Voi.

Theo đơn kiến nghị, nguồn gốc Mả Voi tồn tại trong giai đoạn 1877 - 1987. Sau năm 1987, Hợp tác xã Tam An (cũ) san bằng mất dấu tích Mả Voi, nhưng xóm làng vẫn luôn nhớ vị trí. Năm 2012, gia tộc Nguyễn hệ phó bảng Nguyễn Dục có đơn xin phép phục chế Mả Voi để làm di tích cho địa phương và gia tộc. Sau đó, ông Nguyễn Huy Hoàng cùng người trong gia tộc thực hiện xác minh nguồn gốc Mả Voi nhưng đến nay vẫn không có kết luận nào. Đơn kiến nghị còn nêu ông Nguyễn Huy Hoàng đã dùng quyền lực Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Phú Ninh để chiếm đoạt bài trích từ sắc phong của vua Tự Đức phong tặng cho cụ Nguyễn Dục. Cụ thể, ông Hoàng tìm đến gặp ông Nguyễn Văn Ánh - người có trách nhiệm thờ tự của tộc Nguyễn hệ phó bảng Nguyễn Dục tại xã Tam An để hỏi mượn bài trích sắc phong của vua Tự Đức phong tặng cho cụ Nguyễn Dục để phục vụ cho công tác thu thập tài liệu, hoàn chỉnh các hồ sơ văn hóa. Ông Hoàng mượn nhưng đến nay vẫn chưa trả bài trích sắc phong đó. Thời gian qua, nhiều lần đại diện trong gia tộc có hỏi về vấn đề này nhưng bằng nhiều cách, ông Hoàng đều “trốn tránh”. Lần gần đây nhất, ông Hoàng trả lời rằng mình đã làm mất bài trích sắc phong đã mượn trước đó.

Không có cơ sở

Theo Trung tâm VH-TT huyện Phú Ninh, ngày 27.11, đơn vị nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đằng và có báo cáo gửi UBND tỉnh, Sở VH-TT&DL và UBND huyện Phú Ninh. Được biết, để làm việc với các cơ quan của huyện Phú Ninh liên quan đến công trình trùng tu mộ cụ Nguyễn Dục, Hội đồng tộc Nguyễn hệ phó bảng Nguyễn Dục đã cử ông Nguyễn Nhân, trú thôn Thạnh Hòa 1, xã Tam Đàn làm đại diện, có biên bản làm việc cụ thể. Theo đó, nội dung quê quán, cội nguồn của cụ Nguyễn Dục trong bia mộ do ông Nhân cung cấp cho đơn vị thi công, Trung tâm VH-TT huyện Phú Ninh không có ý kiến, cũng không tham gia góp ý về nội dung này.

Đối với việc đưa sắc phong của vua Tự Đức vào bia di tích, theo hồ sơ thiết kế và quang cảnh thực tế của khu mộ, kích thước bia di tích chỉ có 1m2, dành để ghi nội dung khái quát thân thế, sự nghiệp của cụ Nguyễn Dục. “Vì vậy, không thể thực hiện cùng lúc 2 nội dung thân thế sự nghiệp và sắc phong của triều đình ban tặng trên 1 tấm bia. Sắc phong có 2 phần chữ Hán Nôm và phần dịch chữ Quốc ngữ với nội dung rất dài, chữ khắc trong bia sẽ nhỏ, khó đọc. Ông Nguyễn Nhân cũng đã thống nhất không trích sắc phong của vua Tự Đức theo thiết kế khu mộ. Tuy nhiên, sau này, nếu nguyện vọng của gia tộc muốn để sắc phong trong khu mộ thì sẽ linh động dựng một bia đá khác sao cho phù hợp” - ông Nguyễn Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Phú Ninh nói.

Cũng theo ông Hoàng, đơn kiến nghị cho rằng ông lợi dụng chức quyền để gây khó khăn đối với gia tộc Nguyễn hệ phó bảng Nguyễn Dục là không có cơ sở. Việc xin đất phục chế Mả Voi, Trung tâm VH-TT huyện đã trả lời đại diện gia tộc Nguyễn Dục, đơn vị không có thẩm quyền cấp đất. Ngoài ra, qua tìm hiểu về Mả Voi liên quan đến lễ táng cụ Nguyễn Dục là không đủ thuyết phục vì đó chỉ là nội dung viết tay trong gia phả tộc Nguyễn. Theo khảo sát, Mả Voi mà đơn kiến nghị nêu không còn dấu tích. Theo lời kể của các vị cao niên, từ thời nhà Tây Sơn tại xã Tam An có nhiều mả voi bị chết trong chiến trận chứ không riêng gì mả voi như ghi ở gia phả họ Nguyễn.

“Nội dung đơn nói tôi lấy bài trích từ sắc phong, tôi khẳng định đó là sự nhầm lẫn. Tại nhà từ đường có lưu giữ nhiều ảnh chụp sắc phong nên tôi đã mượn 2 tấm ảnh để làm tư liệu cho hồ sơ di tích mộ cụ Nguyễn Thích. Thời gian đã lâu, tôi không nhớ đã trả lại chưa, nhưng xét thấy mình có phải trách nhiệm khi mất hai tấm ảnh này; qua tiếp thu phản ánh, tôi đã sao chụp lại các tấm ảnh theo đúng khổ 10x30cm, trả lại cho từ đường. Có thể, những nội dung được nêu trong đơn kiến nghị xuất phát từ quan điểm không thống nhất giữa các chi, nhánh, phái trong tộc. Người viết đơn xưng thay mặt gia tộc nhưng lại dùng chữ ký photo, đóng lên dấu mộc đỏ của tộc để gửi nhiều nơi, nhiều cấp” - ông Hoàng cho biết thêm.

PHAN VINH - HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung quanh việc trùng tu mộ cụ Nguyễn Dục: Các bên liên quan nói gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO