Gian nan chuyện phục hồi danh hiệu liệt sĩ

HỒ QUÂN 14/06/2019 14:18

(QNO) - Ông Nguyễn Huệ (SN 1969, thôn Phước Thành, xã Quế Thuận, Quế Sơn) bức xúc việc người chú của ông là ông Nguyễn Trường Dục bị cắt danh hiệu liệt sĩ khi chưa xác minh đầy đủ thông tin. Đáng nói nữa là, ông Dục bị xóa tên khỏi danh sách liệt sĩ vào năm 1981 nhưng đến năm 2015 mới ngưng cấp chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ, và thời điểm này ông Huệ mới được thông tin về sự việc.

Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Trường Dục hiện được gia đình ông Huệ lưu giữ. Ảnh: H.Q
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Trường Dục hiện được gia đình ông Huệ lưu giữ. Ảnh: H.Q

Do địa phương ký nhầm hồ sơ?

Ông Huệ trình bày, ông Nguyễn Trường Dục (SN 1944, nguyên quán thôn 5, xã Quế Hiệp, Quế Sơn - nay là thôn Phước Dương, xã Quế Thuận) tham gia cách mạng từ năm 1963 và hy sinh ngày 12.1.1969. Theo giấy chứng nhận hy sinh số 1470 ngày 20.3.1977 của UBND huyện Quế Sơn, ông Dục khi đi công tác theo sự phân công của đơn vị tại khu vực thôn 2 (xã Quế Hiệp) thì không may bị máy bay của địch bắn hy sinh. Khi đó, ông Dục giữ chức cán bộ tuyên huấn xã Quế Hiệp. Đến ngày 17.1.1979, ông Nguyễn Trường Dục được Thủ tướng Chính phủ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công.

Tuy nhiên, ngày 30.10.1980, đại diện lãnh đạo xã Quế Hiệp và người dân gồm: ông Nguyễn Ngọc Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã, ông Phạm Đăng - Chủ tịch UBND xã, ông Nguyễn Văn Thạnh - đại diện nhân dân ký biên bản số 24 đề nghị xóa tên liệt sĩ Nguyễn Trường Dục.

Tiếp đó, UBND huyện Quế Sơn ký biên bản số 37 thống nhất với đề nghị của UBND xã Quế Hiệp vì lý do: “Ông Nguyễn Trường Dục là công dân không giữ chức vụ gì cả. Ở nhà bị máy bay trực thăng bắn chết. Địa phương chưa điều tra, xác minh cụ thể nên đã ký nhầm vào hồ sơ”. Đến tháng 7.1981, Ty Thương binh - xã hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra quyết định xóa tên ông Nguyễn Trường Dục trong danh sách liệt sĩ.

“Chú tôi tham gia cách mạng mất sớm nên không có con cháu, tôi là đại diện thân nhân của liệt sĩ nhưng khi xã, huyện ký cả 2 biên bản trên tôi đều không nhận bất cứ thông báo nào. Xã Quế Hiệp là địa phương đề nghị cắt danh hiệu liệt sĩ lên cấp huyện nhưng không thực hiện bất kỳ cuộc khảo sát, tìm hiểu hay tra cứu nào về thông tin liên quan đến chú tôi” - ông Huệ bức xúc.

Sai sót trong xác minh thông tin

Theo xác nhận của ông Nguyễn Văn Xuân (SN 1937, thôn Phước Dương) và ông Đinh Quáng (SN 1929, thôn Phước Thượng, xã Quế Thuận) - đồng nhân chứng về việc ông Nguyễn Trường Dục hy sinh thì: “Ngày 12.1.1969, được UBND xã giao nhiệm vụ, ông Nguyễn Văn Xuân (Phó ban Tuyên huấn xã Quế Hiệp) trực tiếp phân công đồng chí Nguyễn Trường Dục cùng đồng chí Nguyễn Ngọc Anh làm nhiệm vụ nắm thông tin tại khu vực thôn 2. Trong lúc công tác, cả 2 bị địch phát hiện và vây bắn. Đồng chí Nguyễn Trường Dục hy sinh tại chỗ; còn đồng chí Nguyễn Ngọc Anh bị thương nặng, sau đó bị máy bay địch chở đi và mất tích. Hiện đồng chí Nguyễn Ngọc Anh vẫn được Nhà nước công nhận là liệt sĩ”.

Ông Huệ thắc mắc, cùng hy sinh tại một địa điểm khi cùng làm nhiệm vụ như nhau nhưng tại sao ông Nguyễn Ngọc Anh vẫn được công nhận liệt sĩ còn ông Nguyễn Trường Dục thì bị cắt danh hiệu?

Dù bị cắt danh hiệu liệt sĩ vào năm 1981 nhưng ông Nguyễn Trường Dục vẫn được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba năm 1986. Đồng thời gia đình vẫn hưởng các chế độ ưu đãi đối với thân nhân liệt sĩ đến tháng 3.2015. Bên cạnh đó, khi làm hồ sơ công nhận bà Nguyễn Thị Thí (mẹ ruột của ông Dục) là Mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 1994 thì trong danh sách ghi các con (của bà Thí) là liệt sĩ vẫn có tên ông Nguyễn Trường Dục.

Bức xúc trước việc này, năm 2015, ông Nguyễn Huệ đã làm đơn xin phục hồi danh hiệu liệt sĩ gửi đến xã Quế Thuận. Đơn bao gồm các hồ sơ thông tin liên quan đến liệt sĩ Nguyễn Trường Dục, lời xác nhận của những nhân chứng và người dân thôn Phước Dương.

Tiếp nhận đơn và tiến hành điều tra, UBND xã Quế Thuận trình toàn bộ hồ sơ lên UBND huyện Quế Sơn. Sau đó, UBND huyện Quế Sơn đã lập tờ trình gửi Sở LĐ-TB&XH đề nghị phục hồi danh hiệu liệt sĩ. Trong các tờ trình, chính quyền, cơ quan chuyên môn của xã và huyện đều thừa nhận việc sai sót trong quá trình xác minh thông tin liên quan đến việc xóa danh hiệu liệt sĩ đối với ông Nguyễn Trường Dục.

Vướng mắc việc phục hồi danh hiệu liệt sĩ

Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc năm 1980 chính quyền địa phương đề nghị xóa danh hiệu liệt sĩ đối với ông Dục (cũng như một số trường hợp tương tự khác) là do có luồng dư luận, thông tin phản ánh ông Dục không đủ điều kiện công nhận liệt sĩ, cho là ông Dục không tham gia cách mạng, không phải hy sinh khi làm nhiệm vụ. Từ đó, địa phương mới lập các thủ tục liên quan đề nghị xóa danh hiệu liệt sĩ.

Tuy nhiên, ông Triều cũng nhấn mạnh: “Trong hồ sơ lưu tại Sở LĐ-TB&XH về trình tự xóa danh hiệu liệt sĩ đối với ông Dục lại không có biên bản về việc kiểm tra, xác minh của địa phương để xác minh thông tin, dư luận phản ánh từ đâu, do ai cung cấp, đủ cơ sở hay không để làm căn cứ đề nghị xóa danh hiệu liệt sĩ”.

Hiện tại, hồ sơ đề nghị phục hồi danh hiệu liệt sĩ đối với ông Nguyễn Trường Dục rất phức tạp và xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hồ sơ hội đồng xét duyệt chính sách hiện nay của xã Quế Thuận và huyện Quế Sơn có mâu thuẫn với hồ sơ hội đồng xét duyệt chính sách trước đây.

Đồng thời, thời gian từ lúc xóa danh hiệu đến khi đề nghị phục hồi danh hiệu liệt sĩ đã hơn 35 năm và hiện không có biên bản kiểm tra, xác minh của địa phương trước đây. Và trong thực tế, các nhân chứng trong hội đồng xét duyệt chính sách cấp xã trước đây và những nhân chứng cùng sinh sống, công tác với ông Dục hiện hầu hết đã mất hoặc nếu còn sống thì tuổi đã cao, trí nhớ hạn chế nên khó khăn khi xác minh lại mọi thông tin liên quan.

Hồ sơ đề nghị phục hồi danh hiệu liệt sĩ dựa trên cơ sở xác nhận của các nhân chứng mới và được hội đồng xét duyệt chính sách cấp xã hiện nay xem xét, đề nghị với lý do: chính sách công nhận liệt sĩ năm 1979 là chính xác và địa phương xin thu hồi lại biên bản đề nghị xóa danh hiệu liệt sĩ đã ban hành năm 1980. “Chúng tôi phân vân việc áp dụng văn bản đề nghị phục hồi danh hiệu liệt sĩ đối với ông Nguyễn Trường Dục theo quy định hiện nay hay là tại thời điểm đã đề xuất công nhận liệt sĩ trước đây là đúng” - ông Huỳnh Tấn Triều nói.

Trước các vướng mắc trên, hiện Sở LĐ-TB&XH đang xin ý kiến Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) trong việc hướng dẫn xử lý vụ việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Gian nan chuyện phục hồi danh hiệu liệt sĩ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO