Điểm tựa cho tương lai

CÔNG TÚ 06/07/2020 04:33

Tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch (DL) được Đông Giang chú trọng khai phá bằng việc thu hút nhiều dự án đầu tư tầm cỡ, đồng thời phát huy liên kết vùng tây bắc sẽ là điểm tựa cho huyện “cất cánh” trong tương lai không xa.    

“Cổng trời Đông Giang” đang được kỳ vọng sẽ kích cầu và mở ra cơ hội phát triển lớn cho du lịch địa phương. Ảnh: C.TÚ
“Cổng trời Đông Giang” đang được kỳ vọng sẽ kích cầu và mở ra cơ hội phát triển lớn cho du lịch địa phương. Ảnh: C.TÚ

Khai phá tiềm năng

Bí thư Huyện ủy Đông Giang - ông Đỗ Tài bày tỏ nuối tiếc khi dự án Khu DL sinh thái Cổng trời Đông Giang “lỗi hẹn” đưa vào vận hành phục vụ du khách vào dịp kỷ niệm 30.4 và 1.5 năm nay do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Trăn trở này cũng là dễ hiểu, vì địa phương sau rất nhiều nỗ lực xúc tiến, thu hút đầu tư đã tìm được tiếng nói chung với Tập đoàn FVG vượt dặm xa gập ghềnh lên đại ngàn để làm DL sinh thái.

FVG cam kết đưa “Cổng trời Đông Giang” - nằm trên diện tích hơn 120ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 1.000 tỷ đồng - trở thành tổ hợp DL, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí dựa vào nền tảng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, cùng quần thể hang động thác suối đẹp như tranh và hàng trăm loài thực vật được bảo tồn, lai tạo hứa hẹn mang đến những trải nghiệm mới mẻ và đáp ứng các dịch vụ đa dạng cho du khách. Dự án sẽ góp phần cải thiện nguồn sinh kế cho cộng đồng, đảm bảo nguồn lực về văn hóa và môi trường phát triển theo hướng bền vững.

Ngoài “Cổng trời Đông Giang”, nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đông Giang còn lập hồ sơ báo cáo tỉnh chấp thuận cho triển khai khu DL sinh thái Trường Sơn - Sông Bung, khu phức hợp Fivitel P’rao, khu DL sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Tây Bà Nà, khu DL sinh thái suối khoáng nóng A Păng có tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.

Những dự án tầm cỡ này không chỉ khai phá tiềm năng DL sinh thái đang “ngủ quên” đi đôi với bảo tồn bản sắc văn hóa, mà cũng là tiền đề cho kinh tế - xã hội “lột xác”, nhất là cải thiện thu nhập của người dân với các dịch vụ kèm theo mang đặc trưng của núi rừng, giải quyết lao động địa phương…

Đơn cử như “Cổng trời Đông Giang”, ngay giai đoạn đang triển khai dự án trên thực địa, doanh nghiệp đã tạo điều kiện và tiếp nhận gần 100 lao động là người địa phương vào làm việc ở nhiều vị trí khác nhau.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu nhằm làm điểm tựa cho DL cộng đồng phát triển cũng được Đông Giang quan tâm thực hiện. Từ đây, các điểm DL cộng đồng gắn với làng nghề đã thành hình và thu hút du khách gần xa, như Bhờ Hôồng (Sông Kôn); Đhờ Rôồng (Tà Lu)…

Bà Ating Tươi - Phó Chủ tịch UBND huyện chia sẻ, du khách lên làng DL cộng đồng sẽ dừng chân tại các cơ sở lưu trú với hệ thống nhà nghỉ, gươl, homestay, moong để khám phá văn hóa bản địa, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ. Nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát mây tre dần khôi phục; các giá trị văn hóa của người Cơ Tu được sưu tầm, bảo tồn cũng đã phục vụ hiệu quả cho phát triển DL.

Điểm tựa tương lai

Thống kê cho thấy, giá trị các ngành dịch vụ 5 năm qua của Đông Giang đạt hơn 548 tỷ đồng, chiếm gần 22% trong tổng giá trị ngành sản xuất. Rõ ràng đây là con số khá khiêm tốn, đặc biệt lĩnh vực DL mới góp phần nhỏ bé, mặc dù tiềm năng rất lớn. Để ngành dịch vụ đạt mục tiêu tăng trưởng hơn 6,98%/năm, là điểm tựa vững chắc cho Đông Giang phát triển nhanh, bền vững, trở thành huyện khá trong khu vực vào năm 2030, địa phương đặt ra nhiều giải pháp thực hiện đồng bộ.

Theo đó, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tập trung thúc đẩy triển khai nhanh các dự án DL sinh thái suối khoáng nóng A Păng, Trường Sơn - Sông Bung, Tây Bà Nà, khu phức hợp Fivitel Prao; đôn đốc sớm đưa vào vận hành “Cổng trời Đông Giang” để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ. Đề án phát triển các dịch vụ ăn theo dự án DL và khuyến khích phát triển DL cộng đồng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng sẽ thiết lập.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - ông Hồ Quang Minh cho biết, địa phương cố gắng phát huy hiệu quả liên kết phát triển kinh tế - xã hội liên vùng huyện Đông Giang - Tây Giang - Nam Giang (còn kết nối với huyện A Lưới của Thừa Thiên Huế) bằng cách phát triển rừng trồng gỗ lớn và các sản phẩm DL đặc trưng theo thế mạnh. Hiện thực hóa tham vọng trên, Đông Giang sẽ đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn, trồng cây dược liệu. Phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích rừng trồng đạt 17.500ha, trong đó 6.000ha rừng gỗ lớn để cung cấp cho công nghiệp chế biến đồ gỗ.

Ngoài các dự án DL sinh thái, nghỉ dưỡng đề cập ở trên, việc bảo tồn và khôi phục những nét đẹp truyền thống văn hóa của tộc người Cơ Tu, nhất là 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (múa tâng tung da dá, nói lý - hát lý, dệt thổ cẩm) kết hợp xây dựng các sản phẩm DL cộng đồng sẽ được chú trọng.

“Đi tắt đón đầu”, Đông Giang đã tuyên truyền vận động, khuyến khích người dân trồng rau sạch, các loại cây ăn quả có múi để cung cấp cho các khu DL đang và sẽ triển khai trên địa bàn. Trong khi đó, các sản phẩm đặc trưng của núi rừng Đông Giang đã tạo dựng thương hiệu như ớt ariêu, chè dây razéh, rượu kakun, chuối mốc, chè xanh Quyết Thắng, đan lát, dệt thổ cẩm Đhờ Rôồng… sẵn sàng phục vụ nhu cầu của du khách. Đẩy mạnh quảng bá, liên kết phát triển thị trường tiêu dùng với TP.Đà Nẵng bằng các loại nông sản đặc trưng của huyện.

Ngoài ra, địa phương sẽ thực hiện chiến lược đột phá nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phổ thông qua tập huấn, bồi dưỡng về áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, khai thác và tiêu thụ sản phẩm; kỹ năng đối thoại và đón khách DL.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Điểm tựa cho tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO