Doanh nghiệp hiến kế đẩy mạnh du lịch nội địa

QUỐC TUẤN - VĨNH LỘC 29/11/2020 15:29

(QNO) - Ngày 28.11, trong khuôn khổ Hội nghị du lịch toàn quốc 2020 diễn ra tại Khu phức hợp giải trí nghỉ dưỡng Hoiana, nhiều doanh nghiệp du lịch hàng đầu trên cả nước đã chia sẻ giải pháp thiết thực với mong muốn chung tay phục hồi, thúc đẩy thị trường du lịch nội địa trong ngắn hạn và cả khi dịch bệnh đi qua.

Quang cảnh Hội nghị Du lịch toàn quốc sáng 28.11 tại Hoiana. Ảnh: T.L
Quang cảnh Hội nghị du lịch toàn quốc sáng 28.11. Ảnh: T.L

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh: Tái cấu trúc tạo đà phục hồi

Trước sự khó khăn chưa từng có của ngành du lịch từ đầu năm đến nay, để tránh sự đổ vỡ hàng loạt của doanh nghiệp du lịch đồng thời tạo đà phát triển mạnh sau đại dịch Covid-19, Chính phủ cần nghiên cứu bảo lãnh cho các doanh nghiệp có thể vay bằng đúng số tiền nộp thuế trong năm 2019, cho phép khoanh nợ và tái cầu trúc các khoản vay cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021.

Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh. Ảnh: T.L

Về giải pháp kích cầu tạo thị trường, các điểm tham quan cần nhanh chóng giảm phí đến hết năm 2021 với mức giảm ít nhất 50%. Chúng ta cũng có thể truyền thông các bài học điển hình về điểm du lịch an toàn như Nam Hội An, NovaWorld Phan Thiết, được quy hoạch để tạo nên một điểm đến hấp dẫn. Trong thời gian tới, Bộ VH-TT&DL cũng như các tỉnh, thành cần ủng hộ mạnh mẽ việc tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao bởi đây cũng là một giải pháp tốt để thu hút khách nội địa. Song song đó, cần tạo ra các thông điệp có ý nghĩa, lan tỏa đến du khách đơn cử như "Việt Nam an toàn - đi du lịch là yêu nước".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Vietravel: Đổi mới tư duy về phát triển du lịch

Tôi cho rằng việc đổi mới nhận thức và tư duy về định hướng phát triển là yếu tố sống còn để ngành du lịch chống chọi và thích ứng qua cơn đại địch. Việc chuyển đổi số sẽ thay đổi bản chất ngành du lịch trở thành ngành công nghiệp dịch vụ số. Chúng ta cần cơ cấu ngành du lịch đảm bảo phát triển theo đúng định hướng ngành kinh tế tổng hợp bao gồm các nhóm tiểu ngành. Kết nối các tiểu ngành bao gồm vận chuyển, lữ hành, lưu trú, dịch vụ đồng bộ trở thành một chuỗi giá trị cung ứng với các nhóm nhỏ gồm vận chuyển, lưu trú, dịch vụ, lữ hành.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel. Ảnh: T.L

Ở đây, việc quy hoạch, phát triển sản phẩm lưu trú ở nhiều địa phương còn khá bất cập và còn tập trung vào bất động sản du lịch. Còn dịch vụ thì lại còn khá tẻ nhạt, nhất là trong mảng kinh tế đêm. Trung ương và địa phương cần dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch, đầu tư điểm dừng, nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ. Ngoài ra, cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch, trong đó có chính sách thiết thực để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng.

Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines: Nắm được xu thế mới của du khách

Dù còn nhiều khó khăn của dịch bệnh nhưng với những chính sách đúng đắn cùng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao, tôi cho rằng du lịch trong nước sẽ sớm hồi phục, trong đó khả quan nhất là trong năm 2021 sẽ phục hồi về tương đương với mức năm 2019. Trong năm nay, lượng khách nội địa ở các tháng 7 và 10 của đơn vị đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ cho thấy sự hiệu quả của các chính sách kích cầu.

Qua khảo sát, Vietnam Airlines nhận định mối quan tâm của du khách hiện nay xoay quanh vấn đề an toàn. Các điểm đến phải đảm bảo phòng chống dịch tốt, chính sách hoàn chuyển đổi booking cần linh hoạt và hướng đến lợi ích khách hàng nhiều hơn nữa. Ngoài ra, du khách hiện chuộng việc đặt các chuyến bay cận ngày, du lịch thời gian ngắn, đi theo nhóm nhỏ vì vẫn còn tâm lý e ngại dịch bệnh. Du khách cũng nhạy cảm hơn về giá và chuộng xu hướng phổ thông hóa. 

Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ chủ trì, ban hành các quy định chung về an toàn với du khách, nâng cao công tác an toàn điểm tham quan, xây dựng chương trình du lịch có trọng điểm, duy trì kích cầu dài hạn để phát huy hiệu quả về lâu dài.

Ông Dương Phú Nam - Tổng Giám đốc Sunworld Holding (SunGroup): Kiến tạo thêm nhiều sản phẩm mới, hấp dẫn

Covid-19 đã tạo ra một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch. Theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái... đang dần trở thành xu thế được ưa chuộng. Vì vậy, Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương cần khuyến khích cho doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới và việc này cần sự vào cuộc của những doanh nghiệp có tâm, có tầm.

Ông Dương Phú Nam - Tổng Giám đốc Sunworld Holdings
Ông Dương Phú Nam - Tổng Giám đốc Sunworld Holding. Ảnh: T.L

Để gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách thì việc đẩy mạnh loại hình kinh tế đêm là điều phải làm và một số nước láng giềng như Thái Lan đã làm rất hiệu quả từ lâu. Đây là giai đoạn thích hợp để đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm và trước mắt nên triển khai tại một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Chúng ta cũng cần thiết lập các khu mua sắm tập trung, gia tăng các show nghệ thuật, ẩm thực đêm để du khách có chỗ tiêu tiền.

Một yếu tố quan trọng nữa chính là sức mạnh tập thể. Từ cấp quản lý đến doanh nghiệp và cộng đồng cần tạo thành sóng lớn trong phục hồi thị trường. Tăng cường liên minh phát triển du lịch để phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương. Chỉ có như vậy mới tạo ra nhiều chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và giá thành.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Doanh nghiệp hiến kế đẩy mạnh du lịch nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO