Liên kết vùng trong du lịch

KHÁNH LINH 14/01/2020 13:16

Mô hình liên kết du lịch 3 địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế sau gần 15 năm triển khai đã đạt nhiều kết quả trong công tác quảng bá xúc tiến. Tuy vậy, về phía doanh nghiệp, sự hợp tác xây dựng sản phẩm dường như chưa tương xứng.

Mô hình liên kết giữa 3 địa phương giúp hoạt động quảng bá xúc tiến hiệu quả.
Mô hình liên kết giữa 3 địa phương giúp hoạt động quảng bá xúc tiến hiệu quả.

Hiệu quả từ phía nhà nước

Hơn 1.500 khách quốc tế trên chuyến tàu 5 sao của hãng Star Cruises (Trung Quốc) đã cập cảng Tiên Sa. Từ đây, họ được đưa đi tham quan các điểm du lịch ở Đà Nẵng, Hội An, Mỹ Sơn và Huế, sau đó quay về tàu tiếp tục cuộc hành trình. Gần 20 năm qua, hàng triệu lượt khách đã được các công ty du lịch tổ chức tham quan theo các tour như thế mỗi khi tàu cập cảng Đà Nẵng. Tour tham quan này càng được mở rộng và thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi Sở Du lịch các tỉnh, thành Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng ký biên bản hợp tác liên kết vào năm 2006. Thông qua mối liên kết này, không gian du lịch được kết nối liên vùng để trở thành điểm đến chung. Đặc biệt, việc thống nhất các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về giá, chia sẻ nguồn khách, tiếp cận thị trường… đã mang đến nhiều tiện lợi hơn cho doanh nghiệp.

Bà Huỳnh Thị Hương Lan – Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch Đà Nẵng khẳng định, mô hình liên kết du lịch 3 địa phương được Tổng cục Du lịch đánh giá hiệu quả nhất hiện nay, thể hiện rõ nét trong công tác quảng bá, xúc tiến. Qua đó, không chỉ tiết giảm chi phí mà còn giúp gia tăng tần suất xuất hiện hình ảnh 3 địa phương đến du khách và doanh nghiệp lữ hành thế giới. “Liên kết vùng đã trở thành xu hướng tất yếu vì tính hiệu quả và tiết kiệm trong quảng bá xúc tiến du lịch. Ba địa phương là một điểm đến chung với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền” - bà Lan phân tích.

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam, giai đoạn 2015 – 2019, ba địa phương đã đón hơn 100 đoàn famtrip và presstrip đến từ nhiều nước. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá cho các sự kiện, sản phẩm du lịch lẫn nhau như “Festival di sản Quảng Nam”, “Festival Huế”, “Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng”… Riêng năm 2019, ba địa phương đã cùng tham gia xúc tiến du lịch tại 7 sự kiện, hội chợ du lịch trong và ngoài nước, góp phần lan tỏa hình ảnh điểm đến mỗi địa phương.

Yếu từ phía doanh nghiệp

Nếu Đà Nẵng thiên về các sản phẩm giải trí, nghỉ dưỡng thì di sản, văn hóa, sinh thái được xem là hướng phát triển chủ đạo của du lịch Quảng Nam. Đến nay, sản phẩm du lịch Quảng Nam và Đà Nẵng có sự khác biệt rõ rệt, vì vậy việc liên kết sẽ giúp các doanh nghiệp bổ trợ sản phẩm lẫn nhau. Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, mối quan hệ giữa các hiệp hội chỉ mới dừng ở việc gặp gỡ giao lưu. “Các doanh nghiệp cũng rất muốn liên kết nhưng do không đồng nhất thị trường nên không thể đi chung được. Theo tôi, giải pháp bây giờ là nên hướng đến sự bổ trợ sản phẩm. Ví dụ, Đà Nẵng mạnh về thị trường khách châu Á thì Quảng Nam nên đầu tư vào các sản phẩm mang tính chất phục vụ thị trường này” - ông Thanh phân tích.

Ngay từ đầu, mục đích liên kết chính là tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhằm cùng hướng đến một thị trường chung, kể cả khách hàng chung cho 3 địa phương trong sự đa dạng và sản phẩm khác biệt, dù vậy mục tiêu này dường như khó đạt được. Ông Đoàn Hải Đăng – Giám đốc Vietravel chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, sản phẩm có thể bán chung nhưng doanh nghiệp khó thể liên kết sản phẩm vì điều này không cần thiết. Chưa kể, doanh nghiệp du lịch Hội An phần lớn là lưu trú, nhà hàng, rất ít lữ hành, nên mối quan hệ cũng chỉ dừng lại ở đối tác làm ăn, còn bắt tay cùng làm sản phẩm sẽ khó, bởi Đà Nẵng khó thể đón khách đưa cho Quảng Nam hay Huế và ngược lại.

Theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, khác với một số nước, Việt Nam không có cơ quan du lịch vùng nên việc liên kết rất cần thiết, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên vùng không ranh giới hành chính. Do vậy, với một số thị trường thiên về giải trí như Hàn Quốc, Trung Quốc…, Quảng Nam đều xác định việc ăn ngủ của khách thuộc về Đà Nẵng, còn tham quan là của Hội An. Quảng Nam chỉ tập trung vào những thị trường truyền thống Úc, Tây Âu, Bắc Mỹ, nên sự liên kết của doanh nghiệp dù còn yếu nhưng ở cấp độ sở thì hiệu quả liên kết có thể xem là đạt.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết vùng trong du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO