Sẻ chia với doanh nghiệp du lịch

QUỐC TUẤN - KHÁNH LINH 31/12/2019 11:04

Hoạt động du lịch của Quảng Nam năm 2019 tiếp tục đạt được những kết quả đáng kể, song cũng dấy lên mối lo ngại những tồn tại lâu nay vẫn chậm được khắc phục. Tại hội nghị doanh nghiệp du lịch do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp góp ý về những bất cập trong quá trình hoạt động, thu hút khách.

Dòng khách truyền thống châu Âu đến Hội An đang có dấu hiệu sụt giảm trong năm 2019. Ảnh: T.L
Dòng khách truyền thống châu Âu đến Hội An đang có dấu hiệu sụt giảm trong năm 2019. Ảnh: T.L

Thị trường khách dịch chuyển

Năm 2019 tiếp tục đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ trong thu hút khách quốc tế khi Quảng Nam đón hơn 4,6 triệu lượt khách và thị trường khách Hàn Quốc chiếm tỷ lệ vượt trội ở cả lượng khách tham quan và nhất là khách lưu trú.

Năm 2019, Hà Lan và Tây Ban Nha không còn nằm trong 10 thị trường khách lưu trú trọng điểm của du lịch Quảng Nam và thay vào đó là Malaysia và Đài Loan. Điều này cho thấy xu hướng chuyển dịch cơ cấu dòng khách truyền thống châu Âu lâu nay sang châu Á biểu hiện rõ nét hơn.

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận: “Năm qua tiếp tục chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ về lượt tham quan cũng như lưu trú của du khách nhiều nước khu vực châu Á, nhưng điều đáng lo ngại là lượt lưu trú của dòng khách truyền thống đến từ châu Âu đang có dấu hiệu sụt giảm”.

Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty TNHH Jack Trần Tours cho rằng, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn âm nhạc ở rừng dừa Cẩm Thanh vẫn chưa khắc phục triệt để khiến dòng khách châu Âu vốn thích trải nghiệm dân dã, yên bình rất ngao ngán cũng là một phần nguyên nhân khiến dòng khách này sụt giảm.

Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương nhận định, xu thế này nếu kéo dài rõ ràng là không ổn bởi khách châu Á thường có xu hướng lựa chọn các điểm đến theo chu kỳ và một khi du khách chuyển hướng sang điểm đến khác, nhất là thị trường Hàn Quốc thì du lịch địa phương dễ rơi vào tình trạng hụt hẫng.

Theo bà Phạm Thị Hồng Trang - đại diện Tập đoàn Thiên Minh khu vực miền Trung, việc xây dựng cơ sở lưu trú quy mô lớn và thu hút du khách châu Âu đến Quảng Nam đối với đơn vị không khó, cái khó là sản phẩm, dịch vụ để níu chân dòng khách này lâu dài.

Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết: “Theo tôi, sân bay quốc tế Đà Nẵng sắp kết nối thêm với một số hãng hàng không hàng đầu thế giới, qua đó gián tiếp mang lại cơ hội cho Quảng Nam đón một lượng lớn khách châu Âu. Vấn đề là phải có sản phẩm chất lượng để họ cân nhắc ghé thăm”.

Một vấn đề nữa được đưa ra để tham khảo, rằng dòng khách châu Âu thường đi chơi rất trễ nên cần thiết phải sớm quy hoạch khu vực triển khai kinh tế đêm để níu chân du khách.

Sẻ chia với doanh nghiệp

Năm 2019, lượng khách du lịch đến Quảng Nam tiếp đà tăng trưởng ổn định, đạt hơn 7,6 triệu lượt với doanh thu từ hoạt động tham quan, lưu trú đạt hơn 6 nghìn tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh thu hút 60 dự án (7 dự án nước ngoài), riêng trong năm nay có 6 dự án du lịch được đầu tư với tổng số vốn hơn 16,5 nghìn tỷ đồng. Qua thống kê, 10 thị trường khách quốc tế của Quảng Nam trong năm 2019 theo thứ tự gồm: Hàn Quốc, Úc, Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Malaysia và Đài Loan.

Nhân lực ngành du lịch và cách cung ứng dịch vụ cho du khách là những hạn chế chưa thể khắc phục được. Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch Hội Khách sạn tỉnh bộc bạch, thời gian qua khi tham gia thẩm định một số cơ sở lưu trú sắp đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh, ông nhận thấy chỉ một bộ phận nhỏ nhân lực ở các đơn vị đó được đào tạo bài bản, còn lại đều làm tay ngang nên nguy cơ khủng hoảng nhân lực có chất lượng trong thời gian tới có thể diễn ra.

Theo ông Nguyễn Trọng Tuấn, với đà tăng trưởng mạnh mẽ của dòng khách châu Á hiện nay thì các công ty lữ hành cần tập trung đầu tư sản phẩm phù hợp để hướng đến thị trường này. Bên cạnh đó, cần thiết phải tổ chức, kết nối các công ty lữ hành ở địa phương phục vụ một dòng sản phẩm lại với nhau để tránh tình trạng phá giá.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, doanh nghiệp cần nghĩ rộng ra, bởi du lịch Quảng Nam không chỉ có ở Hội An mà còn dư địa hấp dẫn ở phía nam, phía tây đang được tỉnh khuyến khích đầu tư. Bên cạnh đó doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và nhà quản lý cần kết nối chặt chẽ để giải quyết bài toán nhân lực, trong đó khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nhân lực du lịch theo đơn đặt hàng, theo liên kết hoặc kết nối với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Nam.

Về hoạt động tour tuyến Hội An - Cù Lao Chàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Chi hội du lịch Cù Lao Chàm, Giám đốc Công ty Du lịch Mắt biển nói: “Tàu cao tốc phục vụ du lịch Cù Lao Chàm của hầu hết doanh nghiệp được đóng mới trong giai đoạn từ 2014 đến 2017 đến nay việc thu hồi vốn còn rất thấp, do vậy việc bỏ ra một khoản kinh phí rất lớn để hoán cải hoặc đóng mới phương tiện theo quy định từ VR-SI sang VR-SB gặp nhiều khó khăn”.

Cũng theo ông Hùng, tập thể doanh nghiệp hoạt động tại Cù Lao Chàm xin giãn lộ trình thực hiện đến ngày 30.9.2020 thay vì hết năm 2019 như hiện nay để có thêm thời gian, kinh phí hoàn thiện các phương tiện theo quy định của Bộ GT-VT. Được biết hiện nay, trong hơn 100 phương tiện vận tải ở tuyến này thì mới chỉ có 6 phương tiện chuyển đổi theo đúng quy định dù Bộ GT-VT đã cho giãn thời gian thực hiện từ năm 2017 sang cuối năm 2019.

Sẻ chia khó khăn của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân đề nghị Sở GT-VT ngồi lại cùng doanh nghiệp để tháo gỡ, đưa ra đề xuất, kiến nghị lên cấp trên. “Do đặc thù của du lịch Cù Lao Chàm đi theo đoàn, không có tuyến, giờ giấc cố định thì có thể linh hoạt giãn lộ trình được không và cần xem xét lại quy định tàu phải từ 30 chỗ ngồi trở lên có hợp lý hay chưa. Đương nhiên tiêu chí cao nhất vẫn phải bảo đảm an toàn tối đa cho hành khách” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẻ chia với doanh nghiệp du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO