(QNO) - Có một lý do rất riêng của gia đình, trong những tháng qua tôi có dịp được làm quen với rất nhiều Thầy thuốc ở Bệnh viện Đa Khoa Quảng Nam (BVĐKQN). Cũng chính trong thời gian này, tôi lại càng thấu cảm hơn nỗi vất vả, khó khăn với công việc đầy áp lực cùng sự tận tâm, tận lực vì người bệnh của đội ngũ Thầy thuốc nơi đây. Và với tôi, họ như là người “MẸ HIỀN”.
Mỗi chúng ta, ít hoặc nhiều cũng đều có lần đến bệnh viện, mà có vào bệnh viện, ở bệnh viện mới cảm nhận đây chính là nơi người bệnh đang phải giành giật giữa sự sống và cái chết, nơi nhận ra rõ nhất về quy luật “sinh - lão - bệnh - tử”. Nhưng cũng chính nơi đây luôn đầy ắp tình người, nồng ấm, yêu thương.
Mỗi ngành, mỗi nghề đều có những đặc thù, nhưng đối với ngành y chắc chắn rằng là một nghề rất đặc thù trong những nghề có tính đặc thù. Quan sát tại Khoa Cấp cứu, tôi nhận thấy các y, bác sĩ thật là áp lực đối với công việc, họ như những con thoi, chạy đua với thời gian để cấp cứu cùng lúc cho nhiều bệnh nhân. Nhiều người đã ví khu vực cấp cứu là “nơi đầu sóng ngọn gió” thật chẳng sai một chút nào.
Một nữ điều dưỡng tại khoa cấp cứu nói rằng, đội ngũ y, bác sĩ phải liên tục trong ngày tiếp nhận và xử lý nhiều ca bệnh, trong đó có rất nhiều ca bệnh nan y, nhiều chứng bệnh nguy hiểm có thể lây nhiễm bất cứ lúc nào; nhưng vì sức khỏe của người bệnh, họ âm thầm chịu đựng, miệt mài, tận tụy, mẫn cán với nhiệm vụ chuyên môn và thầm lặng cống hiến hết mình vì nghề nghiệp mà họ đã dấn thân.
BS CKI Trưởng khoa Cấp cứu BVĐKQN Phạm Văn Sáu cũng tâm sự “Khi mọi người, nhà nhà chìm vào giấc ngủ thì chúng tôi phải vào ca trực thâu đêm suốt sáng để từng giờ, từng phút và thậm chí là từng giây để chiến đấu giành giật với tử thần đem lại sự sống cho người bệnh. Chúng tôi ý thức sâu sắc rằng, y đức luôn là kim chỉ nam của người thầy thuốc, niềm vui, nụ cười của người bệnh và người thân của họ là hạnh phúc của y, bác sĩ”. Cùng lúc đó, BS Phạm Văn Sáu quay sang người nhà của một người bệnh ở giường kế bên nói: “Tình trạng sức khỏe của cô đã qua cơn nguy kịch. Lát nữa sẽ chuyển về Khoa Nội - tim mạch, ở đó sẽ có bác sĩ chuyên khoa quan tâm chăm sóc, điều trị. Mọi người đừng quá lo lắng”. Chưa kịp nói hết lời dặn dò với người bệnh thì tiếng còi xe cấp cứu lại vang lên inh ỏi, tiếng gào khóc, kêu la của người thân… và tôi lại thấy mồ hôi đã ướt đẫm trên những chiếc áo blu trắng nhưng tất cả vì sức khỏe của người bệnh họ lại nhanh chóng bắt đầu cho một ca bệnh mới…
Áp lực, căng thẳng, vất vả, khó khăn không chỉ có ở khoa cấp cứu, mà dường như hiện hữu ở tất cả các khoa, phòng của bệnh viện.
Tôi có đọc trên Trang thông tin điện tử của BVĐKQN những dòng giới thiệu về Khoa Hồi sức tích cực – chống độc thật đáng suy ngẫm: “Những ai muốn biết sự sống mong manh đến mức nào, hãy nhìn vào phận người ở Hồi Sức Cấp Cứu. Những ai muốn biết nghề thầy thuốc cực nhọc, cao cả đến mức nào, hãy nhìn vào Hồi Sức Cấp Cứu. Những ai muốn hiểu thấu lòng tận tuỵ của các thầy thuốc và nỗi đớn đau của đồng loại, hãy tìm ở Hồi Sức Cấp Cứu. Khoa Hồi Sức Cấp Cứu như một cỗ máy lớn đang chạy hết công suất, đua với từng thời khắc, cân nhắc mọi tình huống trong tình thế khẩn cấp để cứu người. Những tiếng bip bip của máy điện tim, những tiếng chân chạy, những thầy thuốc áo choàng trắng trầm tư chẩn bệnh, những điều dưỡng khẩn trương làm việc…”.
Những đêm ở bệnh viện là những đêm tôi không thể nào chợp mắt được. Lúc này, tôi lại rất chịu khó để quan sát, lắng nghe. Lắng nghe từng bước chân, từng tiếng bip bip của máy thở trong khu chăm sóc đặc biệt, từng tiếng vang của chuông thang máy trong đêm khuya tĩnh lặng và có lẽ mọi người thân của người bệnh lo sợ nhất là cái âm thanh từ tiếng loa của Khoa Hồi sức tích cực – chống độc khi có một ai đó vĩnh viễn ra đi…
Và mỗi khi càng chú ý quan sát, càng lắng nghe tôi lại đồng cảm rất sâu sắc về ngành y - một nghề rất đặc thù và luôn phải chịu sức ép rất nặng nề của dư luận xã hội.
Tôi cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp tại BVĐKQN, do quá nôn nóng trước bệnh tình của người nhà, trong khi đó về chuyên môn, các cán bộ y tế phải làm theo đúng qui trình cấp cứu hay điều trị theo phác đồ, mà không thể đáp ứng theo yêu cầu chủ quan của người bệnh hoặc người nhà bệnh nhân, theo đó, người nhà của người bệnh cũng dễ hiểu nhầm, thậm chí vì quá bức xúc họ đã coi thầy thuốc là cội nguồn của mọi nguyên nhân nên rất dễ xảy ra những đánh giá, phản ứng gay gắt đối với thầy thuốc. Nhưng vì sức khỏe, tính mạng của người bệnh, các y bác sĩ ở BVĐKQN vẫn luôn ứng xử nhẹ nhàng, niềm nở, vui vẻ và tập trung cao độ việc cứu chữa người bệnh là trên hết chứ không bao giờ gắt gỏng, đôi co với họ.
Thiết nghĩ, trong mọi tình huống mọi người cần có cái nhìn thật khách quan, thật bao dung hơn, hãy thật bình tĩnh và luôn đồng cảm, chia sẻ thật nhiều hơn với các y, bác sĩ để họ có nhiều thời gian đầu tư công việc cứu chữa cho người bệnh một cách tốt nhất.
Khi trao đổi với một bác sĩ đang công tác tại BVĐKQN về những khó khăn, thách thức, những áp lực trong chuyên môn thì bác sĩ này chỉ mỉm cười và khẽ nói: nghề y - một con đường rất gian nan, lắm chông gai, người thầy thuốc dù cố gắng đến mấy cũng khó tránh khỏi những mũi gai vô hình. Phẫu thuật cứu sống cả nghìn người chưa chắc đã nhận được một lời khen. Nhưng không may sơ sẩy một ca bệnh thì mọi điều nghiệt ngã có thể xảy ra...
Trong thời gian chăm sóc người nhà tại BVĐKQN tôi rất cảm kích về tinh thần phục vụ người bệnh, đúng như phương châm hành động của mỗi cán bộ, công nhân viên ngành y: “Bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở. Bệnh nhân ở chăm sóc tận tình. Bệnh nhân về dặn dò chu đáo”.
Tiếp chuyện với tôi sau một ngày làm việc với “hàng núi” công việc, Bác sĩ CKII, Giám đốc BVĐKQN Phạm Ngọc Ẩn chia sẻ thông tin, từ năm 2017, bệnh viện thực hiện tự chủ chi thường xuyên, đến năm 2019, bệnh viện được giao thêm nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Chất lượng công tác khám chữa bệnh luôn được quan tâm, tập trung đầu tư; nhất là các lĩnh vực mũi nhọn như: tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình... Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được nghiên cứu, ứng dụng thành công; đặc biệt với đội ngũ cán bộ, nhân viên, y, bác sĩ được đào tạo bài bản, tâm huyết, tận tụy với nghề và có kinh nghiệm nên hằng năm, bệnh viện đều vượt các chỉ tiêu chuyên môn theo kế hoạch do Sở Y tế giao, trong đó các chỉ tiêu tổng số bệnh nhân điều trị nội trú, tổng số lần phẫu thuật, tổng số giường bệnh thực hiện luôn đạt trên 130%. Các quy trình về khám, chữa bệnh đảm bảo khoa học, thuận tiện, hướng đến sự hài lòng của người bệnh. BVĐKQN là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế về các lĩnh vực: tim mạch, ung bướu, chấn thương chỉnh hình và là một trong 5 bệnh viện đầu tiên trong cả nước đạt danh hiệu: Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc năm 2019.
Qua tìm hiểu tôi được biết, sự phối hợp hoạt động chuyên môn giữa các khoa, phòng rất nhịp nhàng, hiệu quả; nội bộ rất đoàn kết, chia sẻ, động viên nhau trong công việc hằng ngày. Hoạt động của Khoa khám bệnh được đầu tư bài bản, xây dựng khang trang theo mô hình khép kín với 16 phòng khám chuyên khoa cùng trang thiết bị, phương tiện hiện đại phục vụ tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Công tác nghiên cứu khoa học, nhiệm vụ đào tạo được lãnh đạo bệnh viện quan tâm đúng mức. 5 năm qua, BVĐKQN đã đào tạo 104 cán bộ y tế, chuyển giao 51 kỹ thuật cho 30 trung tâm, bệnh viện tuyến dưới và các phòng khám khu vực; hằng năm, Hội đồng Khoa học kỹ thuật bệnh viện xét duyệt, nghiệm thu từ 15-25 đề tài, sáng kiến cấp cơ sở, có giá trị.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bệnh viện cũng được chú trọng và vận hành thông suốt, tiện lợi thông qua các phần mềm chuyên ngành. Khi tìm kiếm các thông tin liên quan, tôi rất ấn tượng với Trang thông tin điện tử của bệnh viện với baner ghi thông điệp như là sologan của bệnh viện: BỆNH VIỆN ĐA KHOA QUẢNG NAM – TẤT CẢ VÌ SỨC KHỎE CỦA BẠN, đồng thời trích dẫn lời dạy của Hải Thượng Lãn Ông: "Ðạo làm thuốc là một nhân thuật, có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng cho người ta, phải lo trước cái lo của người và vui sau cái vui của mình mà không cầu danh lợi, kể công" thật là ý nghĩa. Có thể khẳng định rằng, đây là một trong những cơ quan, đơn vị của tỉnh có sự đầu tư rất chuyên nghiệp về nội dung, giao diện, kỹ thuật của một trang thông tin điện tử. Việc đăng ký khám bệnh online được triển khai, nhiều video, tập san y học, đề tài nghiên cứu khoa học... được đăng tải kịp thời phục vụ tốt công tác chuyên môn.
Công tác phòng, chống Covid-19 được thực hiện nghiêm túc cả về truyền thông, cổ động trực quan và các giải pháp hết sức cụ thể.
Những ngày cùng người thân của mình có mặt ở BVĐKQN là những ngày trải nghiệm đáng ghi nhớ của tôi. Chính cái không gian và thời gian đó tôi lại càng trân quý hơn tấm lòng của những Người Thầy thuốc. Sự cống hiến, hy sinh rất thầm lặng của họ là vô bờ bến, vô cùng ý nghĩa cho cuộc sống tốt đẹp của nhiều người. Nơi đây chính là nơi người bệnh gởi gắm những niềm tin; niềm tin cho mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng đều mạnh khỏe và hạnh phúc. Tuy nhiên, không biết vì sao tôi vẫn còn rất nhiều trăn trở và chỉ mong sao cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế của một bệnh viện ở trung tâm tỉnh lỵ phải được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa; các công trình công cộng như đường hoa, vườn hoa, cây xanh, khu vui chơi giải trí và tập luyện cho người bệnh; sự hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ đối với người bệnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa đang điều trị tại bệnh viện cũng cần phải được xã hội hóa từ các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân hoặc từ người thân của người bệnh có điều kiện.