Chắp cánh ước mơ con chữ...

TẤN SỸ 03/09/2020 07:35

Không chỉ xây dựng ngôi trường hạnh phúc theo phương châm “Thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em”… mà các thầy cô giáo ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Phước Sơn còn giúp 72 em học sinh mồ côi yên tâm học tập.

 

“Không có thầy cô, cháu tôi thất học…”

Căn nhà nhỏ của bà Hồ Thị Manh ở thôn 1, xã Phước Đức (Phước Sơn) hôm nay rộn ràng tiếng cười. Tin đứa cháu ngoại côi cút Hồ Thị Y Na thi đỗ tốt nghiệp THPT với 24 điểm lan nhanh. Bà con trong làng, rồi thầy cô giáo ở huyện cũng đến chia vui, động viên gia đình bà Manh.

Mồ côi cha từ khi mới lọt lòng, mẹ đi lấy chồng khác, Y Na sống với ông bà ngoại. Đến năm lớp 9, cuộc sống của gia đình ông bà ngoại vô cùng khó khăn. Nguy cơ nghỉ học giữa chừng hiện hữu trước mắt cô học trò Giẻ Triêng. Trước hoàn cảnh đó, thầy cô giáo Trường PTDTNT huyện Phước Sơn đã đứng ra cưu mang Y Na.

Suốt 4 năm học tại trường, thầy cô chăm lo cho Y Na từ giấc ngủ đến bữa ăn, may sắm quần áo…, động viên em vượt qua hoàn cảnh để theo đuổi giấc mơ con chữ. Để không phụ lòng tình thương yêu của thầy cô, Y Na đã có nhiều cố gắng và giành thành tích cao trong học tập, với nhiều năm liền là học sinh tiên tiến, rồi học sinh giỏi.

Lau vội giọt nước mắt hạnh phúc lăn trên khuôn mặt, bà Manh nói: “Nhờ thầy cô quan tâm dìu dắt cho cháu tôi học hết 12, nếu không có thầy cô thì cháu tôi đã nghỉ học lâu rồi. Ở nhà nó là cháu tôi, còn lên trường thầy cô như người cha, người mẹ thật sự của nó”.

Hồ Thị Y Na tâm sự: “Em đăng ký nguyện vọng vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng khoa báo chí. Ước mơ của em là sẽ làm phóng viên, để viết tiếp câu chuyện đẹp về tình người của thầy cô ở mái trường PTDTNT huyện Phước Sơn. Chính các thầy cô là tấm gương sáng để em quyết tâm đi học, mai này còn giúp các bạn học sinh dân tộc thiểu số mồ côi như em”. 

Thây cồ giáo đến tặng quà cho Y Nam. Ảnh:T.SỸ
Thây cồ giáo đến tặng quà cho Y Nam. Ảnh:T.SỸ

Cậu bé Hoàng Ngọc Ánh Dương (lớp 10) cũng là trường hợp đặc biệt ở Trường PTDTNT huyện Phước Sơn. Cha mẹ Dương mất trong một vụ tai nạn giao thông, khi đó em mới vào lớp mẫu giáo. Những năm qua, em được cô ruột nhận nuôi, nhưng gia đình cô cũng nghèo khó. Từ năm lớp 9 đến nay, em được thầy cô ở Trường PTDTNT huyện nhận đỡ đầu.

Dương bày tỏ: “Được sinh sống, học tập trong vòng tay yêu thương dìu dắt của thầy cô, bạn bè dưới mái trường nội trú là hạnh phúc mà em hằng mơ ước. Nếu không có sự giúp đỡ của thầy cô giáo và cô chú thì em sẽ không được đi học. Năm nay vào lớp 10, em sẽ cố gắng học thật giỏi để không phụ lòng thầy cô và mọi người”. 

Hạnh phúc khi đến trường…

Cô Phạm Thị Thứ - Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Phước Sơn cho biết, trong năm học 2020 - 2021 này, toàn trường có 363 em học sinh Giẻ Triêng theo học; trong đó có 9 em học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ và 63 em học sinh mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ. Ngoài chế độ hỗ trợ của Nhà nước theo Thông tư liên tịch 101 của Bộ GD-ĐT, hằng tháng, 22 giáo viên của nhà trường còn góp tiền gây quỹ để hỗ trợ các em yên tâm theo học. Mỗi thầy cô giáo tự nguyện nhận đỡ đầu một em học sinh trong suốt ba năm học tại trường. Không chỉ nuôi ăn học, nhà trường làm cho mỗi em một sổ tiết kiệm để phòng thân sau khi hoàn thành chương trình học THPT. 

Cô Phạm Thị Thứ cho biết, nhà trường đã đẩy mạnh phong trào xây dựng ngôi trường hạnh phúc, để mỗi học sinh thật sự hạnh phúc khi đến trường học chữ. Đặc biệt trong ngôi trường nội trú thì nhà trường làm tốt phong trào “Thầy cô là cha mẹ, bạn bè là anh em”. Nhờ đó, hàng năm chất lượng học tập của các em cũng được nâng cao, tỷ lệ học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt cao so với mặt bằng chung của tỉnh. Năm học 2019 - 2020, nhà trường có tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98% và các em học sinh mồ côi đều thi đỗ với số điểm rất cao. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh bỏ trường bỏ lớp vì hoàn cảnh khó khăn không còn xảy ra.

Năm học mới 2020 - 2021 sắp bắt đầu, cùng với cả tỉnh, hơn 41.000 học sinh dân tộc thiểu số ở miền núi cũng đã chuẩn bị hành trang đến trường. Với những em học sinh mồ côi cha mẹ, hoàn cảnh khó khăn, hành trang có thể không bằng bạn bè cùng trang lứa, song con đường đến trường của các em không đứt quãng bởi luôn có những cách làm hay trong chăm sóc, nuôi dạy học sinh dân tộc thiểu số… Điển hình như câu chuyện của thầy cô giáo Trường PTDTNT huyện Phước Sơn. Chính sự hy sinh, tinh thần đồng cảm, sẻ chia như người cha người mẹ của những thầy, cô giáo đã và đang chắp cánh cho ước mơ con chữ cho bao thế hệ học sinh dân tộc thiểu số vùng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chắp cánh ước mơ con chữ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO