Cùng lo việc học

XUÂN PHÚ 27/10/2020 06:33

Cùng với khuyến học, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên đất học Quảng Nam đã và đang diễn ra sôi động với nhiều mô hình học tập đa dạng, góp phần cho sự học phát triển.

Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng Allen Nelson năm 2020 cho học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: X.PHÚ
Hội Khuyến học tỉnh trao học bổng Allen Nelson năm 2020 cho học sinh nghèo vượt khó. Ảnh: X.PHÚ

Những mô hình tiêu biểu

5 năm 2015 - 2919, các cấp Hội KH toàn tỉnh đã huy động được hơn 316,7 tỷ đồng vào quỹ KH. Qua đó, đã cấp học bổng, khen thưởng hơn 1,2 triệu suất với tổng số tiền gần 282 tỷ đồng. Riêng Hội KH tỉnh huy động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ hơn 39,4 tỷ đồng và đã cấp học bổng, khen thưởng hơn 15.000 suất với số tiền hơn 34 tỷ đồng.

Dòng họ Đinh Thế ở thôn Hòa Hạ, xã Tam Thanh (Tam Kỳ) không lớn và cuộc sống của nhiều gia đình còn khó khăn song ý thức về việc học trong bà con dòng tộc rất cao. Theo ông Đinh Cao Thăng - Trưởng tộc Đinh Thế, năm 2002 Hội khuyến học (KH) xã Tam Thanh được thành lập thì 2 năm sau, Ban KH tộc Đinh Thế ra đời nhằm góp phần hỗ trợ, chăm sóc cho việc học của con em. Với tinh thần “đoàn kết một lòng, vấn tổ tìm tông, ơn nghĩa sinh thành, học hành tấn tới, sánh cùng trăm họ, quyết chí đồng tâm, chấn hưng đất nước”, dòng họ đã vận động các gia đình nuôi dạy con cháu học tập tốt. Đồng thời để động viên, khuyến khích con em học tập, quỹ KH của dòng họ được thành lập và đến nay đã có hơn 300 triệu đồng, hàng năm biểu dương khen thưởng cho con cháu học giỏi, hỗ trợ học bổng cho con cháu gia đình khó khăn.

“Nhờ đó, đến nay dòng họ chúng tôi đã có 3 tiến sĩ, 5 thạc sĩ, hàng chục cử nhân, kỹ sư. Dòng họ Đinh Thế còn được công nhận dòng họ học tập, dòng họ văn hóa, 2 lần được UBND TP.Tam Kỳ khen thưởng” - ông Thăng cho biết.

Tương tự, tộc Nguyễn Hữu ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình) với mô hình “Hội nàng dâu” cũng hoạt động khá hiệu quả, thực hiện tốt 3 tiêu chí “không thất học, không đói nghèo, không tội phạm”. Trong 5 năm qua, dòng tộc cấp học bổng, khen thưởng con cháu số tiền lên đến 570 triệu đồng. Đến nay, đây là một trong những dòng tộc sở hữu nhiều người có trình độ cao, với 7 tiến sĩ, 10 thạc sĩ, 180 người tốt nghiệp đại học.

Trong khi đó, mô hình “Cộng đồng học tập” cũng xuất hiện nhiều thôn, khối phố hoạt động khá tích cực. Thôn Phú Khê của xã Tam Xuân II (Núi Thành) là một trường hợp điển hình với phong trào KH, khuyến tài khá sôi nổi. Thôn có hơn 82% gia đình được công nhận “Gia đình học tập”, có tủ sách công cộng với gần 200 bản sách phục vụ nhu cầu của người dân. Riêng phong trào KH của thôn, trong 5 năm qua đã kịp thời khen thưởng, hỗ trợ 1.300 lượt học sinh với số tiền 150 triệu đồng.

Hay khối phố Hà Trung của phường Cẩm Nam (TP.Hội An) cũng là “Cộng đồng học tập” tiêu biểu cho phong trào học tập suốt đời với hơn 91% số gia đình được công nhận “Gia đình học tập”. Hàng năm, khối phố thường xuyên tổ chức khen thưởng học sinh giỏi, tuyên dương trường hợp đỗ đại học, trợ cấp con em gia đình khó khăn với số tiền hàng chục triệu đồng.

Phong trào rộng lớn

Những năm qua, đất học Quảng Nam không ngừng phát huy truyền thống hiếu học và luôn lấy xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập làm nền tảng cho phong trào học tập suốt đời.

Theo ông Trần Văn Cận - Chủ tịch Hội KH tỉnh, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp và ngày càng có chất lượng. Tính đến năm 2019, số “Gia đình học tập” chiếm hơn 59% tổng số gia đình toàn tỉnh, số “Dòng họ học tập” chiếm 47%, số “Cộng đồng học tập” chiếm 71% và số “Đơn vị học tập” chiếm 78%. Đáng nói hơn, tất cả đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành theo Quyết định 281, ngày 20.2.2014).

Theo ông Cận, rất nhiều mô hình học tập trên địa bàn tỉnh, bằng nhiều con đường khác nhau song nét chung là luôn cho thấy nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của học tập thường xuyên, suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Tiêu biểu như gia đình ông Trần Văn Lợi (phường Cẩm Phô, Hội An) là nông dân nghèo song nhiều năm liền được công nhận “Gia đình học tập” khi luôn vượt khó, cố gắng nuôi dạy 2 con học tốt. Người con lớn của ông Lợi từng là học sinh xuất sắc của tỉnh giành nhiều giải thưởng cấp quốc gia và được tuyển thẳng vào Trường Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh cách đây 3 năm. Người con nhỏ hiện nay cũng là học sinh giỏi Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông.

Một số dòng họ học tập tiêu biểu như tộc Huỳnh ở xã Tiên Cảnh (Tiên Phước), tộc Phan ở Phiếm Ái xã Đại Nghĩa (Đại Lộc), tộc Vương Đăng ở Thạnh Mỹ (Nam Giang); đơn vị học tập tiêu biểu có Trường Mẫu giáo Điện Trung (Điện Bàn), Trường Phổ thông DTNT tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cùng lo việc học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO