Phân luồng học sinh: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía

XUÂN PHÚ 27/05/2021 08:08

Công tác phân luồng học sinh (HS) vào giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ngay sau khi học xong lớp 9 trong thời gian qua đã có những kết quả khả quan. Song để đạt được mục tiêu đặt ra cần sự vào cuộc từ nhiều phía.

Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Ảnh: X.P
Học sinh sau khi tốt nghiệp THCS theo học tại Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam. Ảnh: X.P

Tín hiệu tích cực

HS lớp 9 trên địa bàn tỉnh vừa hoàn thành năm học 2020 - 2021. Từ thời điểm này, các em đang đứng trước những ngã rẽ khác nhau: tiếp tục học lên lớp 10 ở trường THPT, hoặc chuyển sang học nghề tại các cơ sở GDNN. Sở dĩ có hai con đường này là bởi, theo quyết định của tỉnh, năm 2021 vẫn chỉ 80% số HS tốt nghiệp THCS được vào lớp 10, số còn lại 20% được định hướng theo học GDNN. Để đáp ứng nhu cầu của người học, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện đón nhận 23.000 chỉ tiêu ở các trình độ đào tạo, từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo gắn với sử dụng cùng các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với người học nghề, việc phân luồng HS sau khi học xong lớp 9 vào GDNN những năm gần đây có nhiều tín hiệu tích cực.

Theo thống kê của ngành GD-ĐT và LĐ-TB&XH, năm 2020 các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã thu hút gần 2.300 HS tốt nghiệp THCS theo học, nhiều gần gấp đôi so với hai năm trước đó. Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam, Trung cấp Kinh tế kỹ thuật và đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Trung - Tây Nguyên, Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, Trung cấp nghề Nam Quảng Nam là những đơn vị tuyển sinh được số lượng học viên là HS tốt nghiệp THCS nhiều nhất với từ 300 - 450. Các địa phương có số HS đi học nghề tại cơ sở GDNN đông như Núi Thành, Thăng Bình, Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Nam Trà My.

Cần sự chung tay

Ông Lưu Thanh Tùng - Trưởng phòng Nhân sự (Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất) cho rằng những HS học hết lớp 9 học tại các trường nghề khi tốt nghiệp mới 17 tuổi, chưa đủ tuổi tham gia làm việc ở các công ty lĩnh vực công nghiệp nặng là một hạn chế trong đào tạo nghề hiện nay. Tương tự, đại diện Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng cho biết HS phân luồng sau khi học nghề xong chưa đủ 18 tuổi nên công ty không thể tiếp nhận vào làm việc và đây là một rào cản trong công tác phân luồng vào đào tạo nghề.

Đạt được một số kết quả khả quan, tuy nhiên, công tác phân luồng vẫn còn không ít hạn chế. Số lượng HS học xong lớp 9 đi vào trường nghề năm 2020 tăng gần gấp đôi các năm trước nhưng so với tỷ lệ HS diện phân luồng cũng chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 10,4% (trong khi con số phân luồng là 20%). Điều này có nghĩa, gần 10% còn lại với khoảng 2.000 HS độ tuổi 15 không đi học nghề đang làm gì, ở đâu là câu hỏi nhức nhối. Nếu phân luồng sau lớp 9 mà các em ở nhà, không vào trường nghề sẽ là nỗi lo, bởi dễ dẫn đến hư hỏng, sa vào tệ nạn xã hội.

Tại hội nghị về công tác phân luồng và tuyển sinh GDNN do UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến của đại biểu các cấp quản lý giáo dục cũng bày tỏ băn khoăn này và cho biết, tâm lý phụ huynh ngại cho con em trong độ tuổi còn nhỏ đi học tại các cơ sở GDNN xa nhà vì khó quản lý.

Điều này thể hiện ở con số HS theo học nghề khi phần lớn đều lựa chọn trường học gần nhà. Chẳng hạn, năm 2020 Hội An có 180 HS đi học nghề, song chỉ tập trung ở 2 trường gần nhà là Cao đẳng Công nghệ - kinh tế và thủy lợi miền Trung (đóng tại Hội An) và Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam (đóng tại phường Điện Nam Đông, Điện Bàn).

Tương tự, Điện Bàn có 462 HS học nghề, trong đó chủ yếu là 2 trường tại địa phương là Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam và Trung cấp Quảng Đông. HS Núi Thành phần lớn chọn học Trung cấp nghề Nam Quảng Nam (đóng tại xã Tam Nghĩa, Núi Thành) và Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam (Tam Kỳ). Trong khi đó, địa bàn Thăng Bình, Phú Ninh không có trường nghề nên hầu hết tập trung về Tam Kỳ.

Đánh giá về công tác phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS và định hướng nghề nghiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc cho rằng ngày càng được các trường học quan tâm. Từ đó, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực với tỷ lệ HS tham gia học nghề tăng, từ 0,7% năm 2016 đến năm 2020 lên hơn 10%.

Tuy nhiên, băn khoăn giữa học chữ và học nghề, độ tuổi các em còn nhỏ đi học xa, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng khiến công tác phân luồng hiện nay gặp khó. Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của ngành GD-ĐT, rất cần sự chung tay của toàn xã hội; trong đó các cơ sở GDNN phải đẩy mạnh tuyển sinh, vừa nâng cao chất lượng đào tạo gắn với sử dụng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phân luồng học sinh: Cần sự vào cuộc từ nhiều phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO