Lịch sử, điều xác thực và không thể quên

NGUYỄN ĐIỆN NAM 19/07/2020 04:33

Lịch sử là dòng sự kiện nối tiếp xảy ra hôm qua mà hôm nay không làm lại được. Việc xác thực lịch sử và không thể quên những điều đã in sâu vào ký ức người đời bằng tài liệu, nhân chứng, thì sự thật lịch sử mới khẳng định một cách thuyết phục.

Để minh chứng, xin dẫn lại cuốn sách 12.2.1968. Đây  là hồ sơ điều tra thực địa với nhiều nhân chứng, đồng thời sao lục nhiều tư liệu để tái hiện cuộc thảm sát vào năm 1968 của lính Đại Hàn ở hai làng Phong Nhất, Phong Nhị (nay thuộc phường Điện An, thị xã Điện Bàn).

Phải mất 6 năm (2000-2006) để tác giả hoàn thành việc khảo cứu, dựng thành sách bằng tiếng Hàn năm 2015 và dịch sang tiếng Anh, rồi xuất bản bằng tiếng Việt vào tháng 6 vừa rồi. Ký ức về vụ thảm sát 74 thường dân, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em ở hai ngôi làng đó, đã được xác thực và cuốn sách phơi bày bộ mặt tàn bạo của chiến tranh, “trả lại tên cho những nạn nhân Việt Nam, xin lỗi Việt Nam”.

Tác giả cuốn sách là Koh Kyoung Tae, từng là Tổng biên tập tuần báo Hankyoreh 21, một tờ báo chủ trương soi rọi lại lịch sử tham chiến của người Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam với thông điệp “Thành thật xin lỗi Việt Nam”. Như vậy, dù thời gian đã chôn vùi nhiều thứ nhưng lịch sử vẫn không thể quên sự thực những đau thương của người dân Quảng Nam nói chung, Điện Bàn nói riêng (từ Phong Nhị (Điện An) đến Hà My (Điện Dương) - những ngôi làng bị thảm sát).

Như lời nhận xét của GS. Park Tae Gyun (Khoa Cao học Quốc tế, Đại học Quốc gia Seoul), rằng cuốn sách 12.2.1968 có đặc điểm nổi bật nhất “chính là ở câu chuyện của những người can dự đến cuộc chiến tranh Việt Nam… Và cũng ở đó có rất nhiều những con người nhào nặn, bóp méo, che giấu lịch sử”.

Chuyện “bóp méo, che giấu lịch sử” không phải chỉ rơi vào tình huống sự kiện diễn ra đã quá lâu. Như báo chí đưa tin tuần qua, bà Hoa Xuân Oánh - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc “thu hồi hợp pháp” Tây Sa, Nam Sa (là Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - NV) từ tay quân Nhật. Thực tế, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực cướp trọn năm 1974 khi Việt Nam Cộng Hòa đang quản lý, rồi năm 1988 đánh chiếm các bãi Gạc Ma, Chữ Thập,… thuộc Trường Sa của Việt Nam.

Chỉ qua mấy mươi năm, sự kiện lịch sử rất nhiều người biết đã bị bóp nặn, bịa đặt vậy thì chẳng đáng tin điều mà bà Hoa Xuân Oánh nêu rằng các hoạt động của người Trung Quốc trên Biển Đông đã có từ... 2.000 năm trước, và "chủ quyền của Trung Quốc cùng các quyền và lợi ích liên quan ở Biển Đông đã được thiết lập trong tiến trình lâu dài của lịch sử, có cơ sở vững chắc về lịch sử và pháp lý" (?!).

Người Việt Nam không thể quên bao cuộc xâm lược của Trung Quốc, mới nhất là chiến tranh biên giới năm 1979. Người Việt cũng không quên các cuộc chiến với thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng các chư hầu. Tuy nhiên, người Việt đã cố làm lành vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ và làm bạn với cả thế giới, vì lợi ích tương lai cho đất nước, dân tộc.

Như cái tâm thế mà ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ, kể lại ký ức 20 năm trước, ông đã đến Quảng Nam, phát biểu trước hàng trăm người, trong đó có nhiều cựu chiến binh, đề nghị được thắp nén hương cho những người con Việt Nam đã đổ máu vì nền độc lập của đất nước này và thưa rằng: “Công lao của các anh hùng liệt sỹ, của các bà mẹ Việt Nam anh hùng, đất nước ta, dân tộc ta đời đời ghi nhớ”. Và cầu khấn họ "phù hộ để đất nước này được đứng dậy ngẩng cao đầu, không phải quỳ gối vì cái đói nghèo, lạc hậu. Bởi một quốc gia ôm mãi mối hận thù thì quốc gia đó, dân tộc đó không ngẩng đầu lên được".

Khép lại quá khứ, chứ không thể quên sự thật lịch sử!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lịch sử, điều xác thực và không thể quên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO