Mở rộng thêm cánh cửa hội nhập

NGUYỄN ĐIỆN NAM 16/02/2020 06:43

Vào lúc 18h ngày 12.2, với 401 phiếu thuận (chiếm 63,33%), Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA). Tin vui này ngay lập tức trở thành điểm nhấn sự kiện trên báo chí truyền thông giữa bộn bề những tin tức u ám về dịch Covid -19.

Không vui sao được khi phải mất gần một thập niên để đàm phán, thương thảo mới đạt được kết quả này. Càng vui hơn, vì đây là cơ hội vàng để mở rộng thêm cánh cửa hội nhập quốc tế của Việt Nam, đưa hàng Việt vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới.

Ngay điều khoản về thuế đã thấy cái lợi rất lớn khi trong vòng 7 năm kể từ lúc EVFTA có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ 99,2% số dòng thuế trong biểu thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Đối với 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại (gồm một số sản phẩm gạo, bắp ngọt, tỏi, nấm, đường và các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao, tinh bột sắn, cá ngừ đóng hộp), EU cam kết mở cửa cho Việt Nam theo hạn ngạch thuế quan (TRQs) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Về phía Việt Nam, cam kết xóa bỏ 48,5% số dòng thuế, tương đương với 64,5% kim ngạch nhập khẩu của EU vào Việt Nam, sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các ngành sản xuất, giảm giá hàng hóa, dịch vụ. Như vậy, hiệp định sẽ  khơi thông dòng chảy mới về thương mại giữa chúng ta với một thị trường có sức mua lớn thứ hai trên thế giới (chỉ sau Hoa Kỳ), tạo điều kiện cho cả người dân Việt Nam và châu Âu có thể tiếp cận những hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, giá rẻ hơn.

Như nhận định của ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, EVFTA được ví là “con đường cao tốc hướng Tây”, kết nối chúng ta với một không gian thị trường rộng lớn và có tiềm năng hàng đầu trên thế giới cả về tài chính, công nghệ và thị trường. Trong bối cảnh tác động kép của Covid-19 và EVFTA chắc chắn sẽ thúc đẩy những nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường bên cạnh (như Trung Quốc – NV) và nâng cấp Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu.

Ngoài những lợi ích kinh tế, EVFTA cũng sẽ tác động mạnh đến cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh theo hướng minh bạch hơn, cạnh tranh công bằng, thúc đẩy cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và lao động… Cửa hội nhập mở rộng hơn về phía EU đồng nghĩa với việc tiếp cận không gian kinh tế xã hội của các nước phát triển, đón những ngọn gió lành về tư duy và phong cách ứng xử văn minh, hiện đại, tiếp thu tinh hoa của nền kỹ trị phương Tây.

Dĩ nhiên, cửa càng mở thì ngôi nhà Việt càng phải chịu áp lực thay đổi. Thách thức là làm sao có thay đổi tích cực, thay vì chịu thua ngay trên sân nhà khi thị trường hàng hóa thành cái bình thông nhau. Chỉ dẫn địa lý, xuất xứ nguồn gốc và chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, về môi trường và công nghệ… là những thành tố phải tính đến trong các công đoạn sản xuất và kinh doanh, mà đó là những thứ ta còn yếu. Trong câu chuyện làm ăn cũng phải chú ý đảm bảo các chuẩn mực thông lệ quốc tế, không thể để cơ chế xin - cho và “cơ chế bôi trơn” làm vẩn đục môi trường đầu tư, kinh doanh.

Như vậy, cửa đã mở rộng nhưng theo một số chuyên gia, chìa khóa để hội nhập EVFTA nói riêng, hay hội nhập kinh tế quốc tế nói chung thành công, suy cho cùng, phải bắt nguồn từ những nỗ lực cải cách thể chế của Nhà nước song hành với những nỗ lực nâng cấp về quản trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng thêm cánh cửa hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO