Nỗi niềm CÂY và ĐẤT

NGUYỄN ĐIỆN NAM 05/07/2020 06:47

1. Cây ở đây là rừng Quảng Nam. Nhìn toàn cục việc bảo vệ rừng ở Quảng Nam có chuyển biến tốt, đặc biệt như Tây Giang có rừng cây di sản pơ mu, rừng đỗ quyên cổ thụ, hay như Nam Trà My nhờ có cây sâm mà bảo vệ được rừng nguyên sinh trên đỉnh Ngọc Linh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nơi cây rừng vẫn chảy máu do lâm tặc hoành hành và cả vì người dân xâm hại nhân việc trồng rừng sản xuất.

Địa bàn liên tục xảy ra các vụ phá rừng đáng kể nhất là Bắc Trà My. Mới đây nhất, ngày 1.7, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My báo cáo về kết quả kiểm tra việc phá rừng tại thôn 3, xã Trà Giác. Theo đó, tại khoảnh 1, tiểu khu 813 (thôn 3, xã Trà Giác), có 5,2ha rừng bị xâm hại. Đáng nói là diện tích rừng tự nhiên bị phá có xen lẫn rừng trồng sản xuất.

Nhớ lại, hồi đầu tháng 3, cũng tại Bắc Trà My, đã xảy ra vụ phá rừng đầu nguồn Nước Oa. Rừng bị phá trong các tiểu khu 809, 810 và 756, thuộc khu vực giáp ranh thủy điện Nước Oa, trên địa bàn hai xã Trà Tân và Trà Giác, huyện Bắc Trà My. Qua kiểm tra cho thấy, hàng chục cây gỗ các loại từ nhóm 2A đến nhóm 6, như gõ, chuồn, chò, xoan đào,… với khoảng 40 khối gỗ, đã bị chặt hạ. Đáng nói là khu vực rừng bị phá là rừng phòng hộ lưu vực thủy điện Nước Oa, việc khai thác gỗ gần Trạm bảo vệ, xử lý nước đầu nguồn Nhà máy thủy điện Nước Oa; thậm chí có tập kết gỗ và vị trí gốc bị chặt cách Trạm bảo vệ, xử lý nước đầu nguồn khoảng 70 mét.

Hồ sơ phá rừng ở Trà My còn dày thêm nếu xem lại các năm trước, quanh khu vực các xã Trà Giác, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Nú, Trà Kót… đều đã xảy ra những vụ phá rừng. 

Tỉnh đã ban hành đủ loại văn bản chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng; có vụ truy tố bỏ tù lâm tặc và cả cán bộ tiếp tay phá rừng. Vậy nhưng tình trạng phá rừng ít lâu lại nổi lên, nhưng lời cảnh báo chưa thôi nóng bỏng.

2. Đất đai cũng là câu chuyện nóng bỏng khác mà Quảng Nam đối mặt trong những năm gần đây.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội, nhiều người dân đã phản ánh với Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam những bất cập trong quản lý đất đai. Như cử tri ở Quế Sơn cho biết có tình trạng đầu cơ mua đất nông thôn ở những khu vực phát triển dân cư hay quy hoạch mở rộng vùng ven đô thị. Dù đấu thầu nhưng việc bán đất cho những nhà đầu tư có tính chất đầu cơ tích trữ chẳng đem lại lợi lộc phát triển gì cho địa phương, vì họ chỉ găm đất đấy để chờ thời cơ bán lại kiếm lời mà thôi.

Vùng đông Quảng Nam đã từng nóng với những cơn sốt đất. Có thời gian, “cò đất” bay lượn khắp vùng thổi giá lên như gió, cuốn thành cơn bão. Trong khi đó, các dự án đầu tư thì ậm ạch với việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Mâu thuẫn về giá bồi thường với giá thị trường của đất ngày càng gay gắt do chênh lệch quá lớn. Mới đây, tại buổi tiếp xúc cử tri 4 xã vùng đông Duy Xuyên, ông Ngô Văn Thanh (Duy Nghĩa, Duy Xuyên) đã nêu ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, là dự án bồi thường 500 mét vuông của dân chỉ trên dưới 100 triệu đồng nhưng cũng chừng đó diện tích mà nhà đầu tư vào mua thì cả tỷ đồng.

3. Cây rừng và đất đai là thứ tài nguyên gắn bó mật thiết với đời sống con người.

Rừng đầu nguồn bị phá thì hỏi sao sông không kiệt, người cuối nguồn lo tìm nước uống mà mướt mồ hôi, ruộng đồng khô hạn.  

Đất rời khỏi bàn tay nông dân, nghĩa là họ phải tìm sinh kế khác, không còn trồng cây làm vườn được nữa. Lâu dài sẽ thành câu chuyện xã hội khi việc chuyển đổi nghề nghiệp, lao động bị bấp bênh, hụt hẫng.

Vì vậy, trong câu chuyện phát triển Quảng Nam cần phải giải bài toán căn cơ về quản lý rừng và đất đai, hiện tại và tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗi niềm CÂY và ĐẤT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO