Tiếng kêu thương và lòng trắc ẩn

NGUYỄN ĐIỆN NAM 01/03/2020 04:00

Đang yên lành, lại đang chuẩn bị ngày vui đám hỏi cho con nhưng cả gia đình ông Nguyễn Đình Ba ở Đại Cường (Đại Lộc) rơi vào cảnh đại tang do vụ chìm ghe trên sông Vu Gia. Tiếng kêu thương của gia đình những nạn nhân như xé cả trời đêm và hẳn còn ám ảnh nhiều năm tháng nữa.

Bằng lòng thương cảm, nhiều tổ chức cá nhân đã đến sẻ chia với thân nhân 6 người bị tử vong, thăm viếng và động viên, an ủi. Song, với lòng trắc ẩn khiến chúng ta sẽ nghĩ tới vì sao cái chết lại đến cướp đi sinh mạng những người dân hiền lành ấy. Bao câu hỏi đặt ra, rồi lại có người nói chuyện ghe thuyền thiếu an toàn, không áo phao, sự chủ quan… nghe  hữu lý nhưng có vẻ vô duyên vì tất cả đều đã quá muộn, vì bởi cái chết do tai nạn bất ngờ nào mà không có yếu tố chủ quan (?). Vụ các em học sinh xuống tắm biển Bình Minh (Thăng Bình) xảy ra  năm trước, cũng vào tháng 2, đã là bài học đau xót tang tóc tương tự: Khi mất mạng vì hà bá mới biết nhiều người không biết bơi mà chủ quan! Tại sao kinh nghiệm phải trả bằng xương máu, vẫn cứ lặp lại đến vô lý, khiến tiếng kêu thương chưa dứt nghiệp? Hư vô chủ nghĩa sẽ dẫn đến đổ thừa cho số phận, cho những siêu nhiên huyền bí đưa đẩy, thôi thì đành nuốt nước mắt vào lòng. Vậy nếu đặt ngược các vấn đề về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, về kỹ năng để sống với sông, biển, có lẽ chúng ta phải ngậm ngùi thấy rằng bà con thường nghĩ dễ gì mà chết nên chẳng mấy ai lo trang bị, phòng bị khi đi chơi, tắm biển hay qua sông lên đồng bãi.  Nay, thì chính cái chết phá hủy sự kiêu ngạo, chủ quan, khiến có người phải cúi đầu chầu Long Vương, mà lẽ ra tang thương không đến nỗi bi thảm đến vậy!

Cái chết trong nhiều trường hợp là bất khả kháng và khó cưỡng. Nói như một triết gia, chẳng mấy người chưa từng bắt gặp cái chết lướt qua theo một cách nào đó. Một số người chưa bị nó chạm tới gần, hay chưa phải vì nó mà thao thức trong đêm, nhưng đâu đó dọc theo đường đời, hầu hết chúng ta rồi sẽ bị nó cướp đi ai đó gần gũi và rất mực thân thương – và tất cả chúng ta rồi một ngày sẽ phải đối diện với nó (Ricchard Evans). Không chỉ những vụ tai nạn bất thình lình rớt xuống như những chuyện vừa kể trên mà trong khi dịch Covid-19 đang gieo rắc trên nhiều quốc gia, ta càng thấy cái chết gieo rắc nỗi sợ hãi. Chưa có kỹ năng ứng phó và chưa có trải nghiệm nào đủ sức khiến cho hệ thống y tế, lẫn cộng đồng xã hội có thể chủ quan mà nói là khống chế được. Cho nên đôi khi rơi vào tình thế lúng túng, cứ nghĩ phải cách ly, cách ly và cách ly nhưng liệu có thể giúp ta cách ly hoàn toàn với cái chết? Đọc nhật ký của nhà văn Phương Phương mà cảm nhận sự cô đơn của con người khi phong thành Vũ Hán cả tháng trời, sự bức bối vì cách ly cũng có thể khiến người ta chết vì điều khác, như tâm hồn chẳng hạn. Vậy nên, vụ du khách Hàn vào Đà Nẵng phản đối cách ly, rồi nhà chức trách phải đưa họ về nước là ví dụ cho thấy sự cô đơn của con người và cảm giác mong manh sợ hãi bao rủi ro về sinh mạng.  

Cái chết cụ thể của một con người, ít người sẽ thấy đã là nỗi thương tâm. Nhưng  khi cả cộng đồng sợ hãi cái chết càng đáng sợ hơn, bi kịch hơn nhiều. Dù vậy, chính lúc đối mặt và ý thức về cái chết sẽ cho chúng ta nhận thức giá trị cuộc sống đang có, để loại bỏ những điều phù phiếm, tầm phào và tập trung vào những điều quan trọng.

Quan trọng của đời sống, trước hết cần an toàn, cần kỹ năng và sự tử tế khi gặp những tình huống hiểm nghèo. Tiếng kêu thương và lòng trắc ẩn trước cái chết vì tai nạn hay dịch bệnh, cũng là một phần giúp ta trân quý giá trị của “chữ an” trong cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng kêu thương và lòng trắc ẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO