Sức bật mới ở cơ sở

THÀNH CÔNG 06/09/2019 10:40

Về cơ sở, giữa bộn bề những khó khăn, cán bộ tăng cường vừa phải tìm giải pháp để đổi mới tư duy, thay thế cách nghĩ, cách làm cũ, vừa phải hòa mình vào đời sống của người dân lẫn cán bộ cấp dưới để tìm hiểu tâm tư, xây dựng được sự đồng thuận. Một “làn gió mới” từ quyết tâm lẫn sự mạnh dạn của cán bộ tăng cường cho cơ sở đã tạo được nhiều chuyển biến ở Đại Lộc, như lát cắt trên địa bàn tỉnh…

Diện mạo nông thôn mới xã Đại Quang đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: T.C
Diện mạo nông thôn mới xã Đại Quang đã có nhiều khởi sắc. Ảnh: T.C

Nghe cả lời quở trách của dân

Trước khi được tăng cường về cơ sở, ông Mai Anh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang có nhiều năm làm Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc. Chuyển về địa phương bắt đầu từ tháng 8.2017, khó khăn ban đầu là kỹ năng, kinh nghiệm, phương pháp làm việc tại cơ sở còn hạn chế. Ông Sơn tâm sự, những ngày đầu khá lúng túng trong công việc, khi từ một mảng, phải chuyển sang phụ trách đến… 42 mảng công việc. Khó khăn thứ hai là việc phải nắm bắt được lịch sử văn hóa vùng đất, hiểu được tâm tư, nguyện vọng của bà con.

Ông Sơn đã dành 6 - 7 tháng đầu cho việc về từng thôn, từng cụm dân cư nói chuyện, mày mò đọc trong tư liệu lịch sử lẫn gặp gỡ, tìm hiểu từ trong bà con, từ các chi bộ Đảng. “Cốt lõi và học được nhiều nhất, là từ những bức xúc của người dân. Những năm trước, tình trạng ô nhiễm kéo dài cộng thêm một số bất cập về quản lý các doanh nghiệp tại cụm công nghiệp gây nhiều bức xúc cho người dân. Về với bà con, mình lắng nghe tâm tư, nghe cả những lời quở trách lẫn nguyện vọng của người dân để tìm cách sửa. Từ những buổi làm việc đó, xã đã kịp thời có kiến nghị huyện chỉ đạo các doanh nghiệp khắc phục, đầu tư công nghệ xử lý rác thải, chất thải, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Dân tin, từ những việc tưởng chừng rất nhỏ. Nhưng nếu chậm trễ, nếu cứ chây ỳ không chịu làm ngay cho dân, dẫn đến những chủ trương, chính sách khác khi đưa về cơ sở sẽ vấp phải sự phản ứng, dân không tham gia” - ông Sơn chia sẻ.

Nhờ tạo được sự đồng thuận trong dân lẫn tập thể Đảng ủy, từ một xã thuộc “tốp cuối” của huyện, chỉ sau một năm, Đại Quang vượt lên dẫn đầu thi đua. Dấu ấn lớn nhất của Đại Quang là về đích nông thôn mới vào năm 2018. “Nông thôn mới bắt đầu từ đổi thay trong diện mạo. Diện mạo đó, lại khởi nguồn từ từng gia đình. Chính quyền đã xây dựng trên tinh thần quyết tâm đó, chăm lo từng tiêu chí dựa trên mục tiêu thay đổi, nâng dần chất lượng cuộc sống của bà con. Định hướng của địa phương là tập trung duy trì, giữ chuẩn các tiêu chí, hướng đến năm 2025 sẽ về đích xã nông thôn mới kiểu mẫu” - ông Sơn nói thêm.

Động lực từ niềm tin

Mười bốn năm công tác, trải qua 4 cơ quan của huyện trước khi về làm Bí thư xã Đại Hồng, với ông Huỳnh Hưng Quang, kinh nghiệm từ những công việc trước đây đã giúp ích rất nhiều khi về cơ sở đảm đương trọng trách mới. Tuy nhiên, như ông Quang chia sẻ, mình không phải là người địa phương, nên việc nắm bắt địa bàn bắt đầu từ con số không. Trước đó, ông chỉ làm công tác chuyên môn, nên khi làm Bí thư Đảng ủy xã, kinh nghiệm trong công tác quản lý gặp hạn chế nhất định. Do đó ông suy nghĩ phải tiếp cận công việc ở nhiều góc độ; đồng thời phải thường xuyên đi cơ sở, gặp các đồng chí nguyên lãnh đạo, gặp gỡ nhân dân.

Bí thư xã Đại Hồng - Huỳnh Hưng Quang kiểm tra thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Q.H
Bí thư xã Đại Hồng - Huỳnh Hưng Quang kiểm tra thực tế sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ảnh: Q.H

Đặc thù của Đại Hồng là địa phương mạnh về sản xuất nông nghiệp, để có thể nắm từng địa điểm canh tác, từng thói quen, tập tục sản xuất của người dân, cách hiệu quả nhất là xuống đồng. Ông Quang khi thì đi cùng anh em chuyên môn để nhờ trợ giúp, khi thì đi một mình để tham vấn ý kiến, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó có những định hướng phù hợp. Ông kể, ở Đại Hồng vài nơi chưa có hệ thống nước sạch, người dân dùng nước tự chảy từ khe suối. Trước đây, xảy ra việc người dân phát rẫy, đốt thực bì, ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt của dân. Từ tin báo của người dân, ông trực tiếp đi đến đầu nguồn nước để kiểm tra, quan sát địa hình, gặp gỡ người dân để vận động.

Gần đây nhất, xã có chủ trương cải tạo dòng chảy để tránh ngập úng đất sản xuất của dân. Ông huy động toàn bộ thành viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã đi thực tế, gặp dân để lắng nghe kinh nghiệm, đồng thời đánh giá tác động khi chỉnh dòng, nghiên cứu phương án tối ưu để vừa cải tạo chống ngập úng, vừa chống sạt lở. Một câu chuyện khác, trước đây, xã có chủ trương khuyến khích sản xuất vụ 3. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế từ năm 2018 ông nhận thấy hiệu quả từ vụ 3 không cao, dễ gặp rủi ro, nên khuyến nghị người dân chuyển hướng sang trồng cỏ vỗ béo đàn bò. Sự thay đổi này vừa giảm công sức chăm sóc, cải tạo đất, vừa giảm chi phí đầu tư, trong khi giá trị mang lại cao hơn nhiều lần so với sản xuất vụ 3…

Những thành quả đáng ghi nhận của xã Đại Hồng đến từ sự đồng thuận của Đảng bộ, nhân dân trong từng chủ trương, quyết sách, định hướng phát triển sản xuất. Đời sống xã hội, diện mạo của địa phương đã có nhiều bước tiến. Năm 2017 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 28 triệu đồng, con số cuối năm 2018 đã là gần 33 triệu đồng. Nhiệm kỳ 2015 - 2020 xã ra nghị quyết phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,8% nhưng cuối năm 2018 đã đạt chỉ tiêu.

“Ở Đại Hồng, dân biết lịch làm việc của Bí thư Đảng ủy xã. Họ cũng là người trực tiếp thông tin bất kỳ sự vụ nào, bất kỳ thời điểm nào. Đó là sự tin tưởng rất lớn của người dân, là động lực để mình tiếp tục cống hiến cho địa phương” - ông Quang tâm sự.

Mô hình trồng dứa ở Đại Sơn đạt hiệu quả khá cao, đang được nhân rộng diện tích. Ảnh: T.C
Mô hình trồng dứa ở Đại Sơn đạt hiệu quả khá cao, đang được nhân rộng diện tích. Ảnh: T.C

Đảng viên gương mẫu đi đầu

Tháng 4.2014, ông Lê Văn Tuân được điều động giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn. Qua theo dõi, đi thực tế từ cơ sở, ông nhận thấy Đại Sơn là vùng đất giàu tiềm năng, có khá nhiều hướng phát triển kinh tế. Tuy nhiên, xuất phát điểm là một xã nông nghiệp, hệ thống giao thông, hạ tầng còn hạn chế, sự đồng thuận còn chưa cao đã phần nào ảnh hưởng đến sức phát triển của địa phương. Trước thực trạng đó, ông Tuân động viên, quán triệt tư tưởng cho từng cán bộ đảng viên, đồng thời xây dựng lại cơ chế làm việc, có sự kiểm soát chéo của các ban, ngành về lề lối, tác phong.

“Phải xây dựng được cơ chế vừa giám sát, vừa phối hợp, dùng ý kiến tập thể để chấn chỉnh những thiếu sót. Có như vậy, mới tránh được tình trạng anh em cứ “nhìn vào nhau” mà không mạnh dạn phê bình, góp ý, không tự khắc phục những khuyết điểm. Kinh nghiệm để tạo sự đồng thuận là phải đứng trung gian, lắng nghe, trưng cầu ý kiến tập thể chứ không thể áp đặt. Ngoài ra, phải tìm hiểu từng anh em, điểm mạnh, điểm yếu để sắp xếp công việc, phát huy hết khả năng của từng cá nhân, tạo lực, hỗ trợ về tinh thần, chủ trương để cho thành viên phấn đấu, giúp cho địa phương. Trong chỉ đạo công việc, sức mạnh tập thể là trên hết, vì đảng bộ, vì nhân dân, lấy cái chung làm đầu để phát huy được vai trò của từng người” - ông Tuân nói.

Cú hích ở Đại Sơn là từ những quyết sách quan trọng trong phát triển kinh tế. Ông Tuân đã cùng tập thể Đảng ủy tìm nhiều giải pháp kích thích tư duy làm giàu chính đáng, giúp người dân mạnh dạn học hỏi, đầu tư, thoát khỏi lối mòn cũ. Muốn vậy, đảng viên phải đi trước. Từ những cuộc gặp gỡ với chi bộ, cán bộ thôn, các hội ở cơ sở được giao nhiệm vụ tìm kiếm được những hạt nhân có quyết tâm, khát vọng làm giàu, có nguồn vốn đầu tư. Xã tập trung tận dụng mọi cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho những hạt nhân này nghiên cứu, học tập, giao cho Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội phụ nữ… kết nối, cho họ tham quan các mô hình.

“Chúng tôi xác định đảng viên phải đi đầu, phải là tấm gương về phát triển kinh tế để tạo được chuyển biến trong dân. Một mô hình mẫu về chăn nuôi được xây dựng, trong đó có sự tham gia của những đảng viên ở nhiều ngành, nhiều ban, liên kết với một hộ nông dân. Mô hình này ngay lập tức đạt hiệu quả, từ đó người dân bắt đầu quan tâm. Xã vừa hướng dẫn cơ chế, hồ sơ thủ tục để tranh thủ nguồn lực từ các chính sách hỗ trợ, vừa định hướng luôn về trồng cây gì, nuôi con gì, quy mô ra sao. Đến nay bà con đã thành lập 3 hợp tác xã, đăng ký thành lập 17 tổ hợp tác, trong đó người dân tự bỏ vốn kinh doanh đa ngành nghề hoặc chăn nuôi, trồng rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao” - ông Tuân chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sức bật mới ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO