Liên kết tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp

PHAN VINH 08/06/2020 11:33

Ngoài những khó khăn về nguồn vốn đầu tư, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đang gặp trở ngại trong vấn đề phân phối, tạo lập kênh bán hàng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã cùng nhau liên kết, hỗ trợ, bán chéo sản phẩm để nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Cửa hàng “Vườn xanh” đã nhập nhiều sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh về tiêu thụ. Ảnh: PHAN VINH
Cửa hàng “Vườn xanh” đã nhập nhiều sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh về tiêu thụ. Ảnh: PHAN VINH

Cửa hàng tổng hợp

Sau hơn 3 năm triển khai mô hình rau sạch và làm chủ được nhiều thị trường lớn trên địa bàn tỉnh, trong đó có việc cung cấp rau hữu cơ cho siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, anh Phạm Phú Ân - Giám đốc HTX Nông nghiệp xanh Trường Xuân cùng với cổ đông của mình thành lập HTX Thương mại - dịch vụ vườn xanh (HTX Vườn xanh).

Theo đó, HTX mới thành lập sẽ chuyên lĩnh vực thương mại, đặc biệt là mặt hàng thực phẩm, dược liệu. Nếu như trước đây, anh Ân chỉ cung cấp rau, củ quả ra thị trường thì nay, tại cửa hàng “Vườn xanh” vừa mới khai trương ở đối diện cổng chợ Thương mại (TP.Tam Kỳ) đã bày bán nhiều sản phẩm khác.

Đáng lưu ý, tất cả sản phẩm mới này đều là sản phẩm của các doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong hơn 20 sản phẩm khởi nghiệp, có những cái tên rất quen thuộc như dầu ăn “Bảo tâm”, “Sống sạch food”, “Hương bột”, “Nhàu”, “Nấm linh chi”…

Anh Ân cho biết, các sản phẩm khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều, nhưng có tính thương mại và phù hợp với cửa hàng thực phẩm của anh thì hạn chế. Trước khi quyết định liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp khởi nghiệp, anh Ân đã tìm hiểu kỹ lưỡng về chất lượng của những sản phẩm này. Ngoài là sản phẩm khởi nghiệp thì đa số sản phẩm này đều có chứng nhận của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) từ 3 sao trở lên.

“Chúng tôi liên kết tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp cho anh em với mức giá phần trăm chiết khấu ngang với đại lý cấp 1 của họ chứ không hề có ưu đãi nào khác hơn. Bởi vì anh em trên địa bàn tỉnh cùng khởi nghiệp với nhau, hỗ trợ nhau là chính, đồng thời cửa hàng của tôi cũng đa dạng hàng hóa hơn, đúng với tiêu chí vườn xanh, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Hỗ trợ bán hàng nhưng tính thương mại của nhiều sản phẩm khởi nghiệp rất cao, thậm chí còn mang lợi ích cho cửa hàng. Các mặt hàng của anh em ký gởi đã bán được, nhờ đó, giới thiệu, quảng cáo luôn cho Vườn xanh” - anh Ân nói.

Bán chéo sản phẩm

Khởi nghiệp với lĩnh vực kén khách hàng nhưng lâu nay, anh Đào Duy Linh - Giám đốc Công ty TNHH MTV Nấm linh chi Quảng Nam vẫn vận hành tốt hệ thống của mình, trong đó việc đảm bảo doanh số từ các kênh bán hàng là hiệu quả nhất. Sản phẩm của anh là nấm linh chi, lim xanh tươi, lát khô… với 2 dòng nấm tự nhiên và nấm trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ. Sở dĩ sản phẩm này kén khách hàng vì ít người hiểu được công dụng của nó, thậm chí, khi biết nhưng giá sản phẩm cao cũng khiến nhiều người suy nghĩ lại. Chính vì những yếu tố đó nên anh Linh phải chọn phân khúc khách hàng là người cao tuổi, người có sức khỏe yếu. Từ đó, anh tìm hiểu thị trường, liên kết với các sản phẩm trong cùng phân khúc và triển khai hỗ trợ bán chéo sản phẩm cho nhau để mở rộng thị trường.

“Hiện tại, tôi đang liên kết với 4 sản phẩm là yến sào Vạn Xuân (Quảng Ngãi), sâm Ngọc Linh Tu mơ rông (Kon Tum), đông trùng hạ thảo Kovi (Hà Nội) và trầm hương An Lạc (Tam Kỳ). Với 4 doanh nghiệp này, tôi có 4 kênh bán các sản phẩm nấm của mình theo dạng tương tự, doanh thu từ đó tăng cao rõ rệt” - anh Linh nói.

Tương tự anh Linh, nhưng thị trường của chị Nguyễn Thị Tố Nga - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Sosafco (Tiên Phước) có phân khúc rộng hơn. Lâu nay, những sản phẩm dầu ăn, nước mắm… của chị Nga đã khai thác hiệu quả 3 kênh bán hàng gồm kênh truyền thống thông qua các đại lý, nhà phân phối; kênh theo chuỗi các siêu thị; kênh thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Shopee… Nhờ vậy, thương hiệu “Sống sạch food” mạnh lên nên nhiều cửa hàng, kênh phân phối chủ động liên kết để tiêu thụ.

“Có được kết quả như vậy là nhờ phân khúc thị trường của chúng tôi khá rộng, đồng thời đội ngũ sale, marketing làm việc với cường độ cao. Sắp tới, “Sống sạch food” sẽ liên kết với một vài doanh nghiệp khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong cùng phân khúc khách hàng để chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và giới thiệu họ xâm nhập các kênh bán hàng mà chúng tôi đang khai thác hiệu quả. Ngoài ra, đối với một vài doanh nghiệp có năng lực tốt, sản phẩm có tiềm năng, chúng tôi sẽ nghiên cứu liên kết, cùng nhau tạo ra những kênh bán hàng mới, hỗ trợ, bán chéo sản phẩm cho nhau, tạo thành một khối liên minh vững chắc về thương mại, đưa các sản phẩm khởi nghiệp của Quảng Nam đi xa hơn, bền vững hơn” - chị Nga khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO