“Bệ phóng” cho công nghiệp hỗ trợ

TRUNG LỘ 27/08/2020 07:25

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP về thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ (CNHT) với nhiều chính sách mới. Đây được xem là “bệ phóng” cho các doanh nghiệp (DN) trên lĩnh vực này khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Quy tắc xuất xứ từ vải đang là rào cản lớn đối với DN may xuất khẩu ở Quảng Nam. Ảnh: T.L
Quy tắc xuất xứ từ vải đang là rào cản lớn đối với DN may xuất khẩu ở Quảng Nam. Ảnh: T.L

Thực trạng

Xác định CNHT là ngành tạo giá trị gia tăng cao trong sản phẩm, đem lại hiệu quả cao trong sản xuất, những năm qua, Quảng Nam đã chú trọng phát triển CNHT ở một số lĩnh vực, trong đó chủ yếu là ngành cơ khí chế tạo, phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành dệt may… Tuy nhiên, các sản phẩm CNHT của Quảng Nam hiện nay chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài sản xuất, đáp ứng nhu cầu sản phẩm CNHT của các DN tại Việt Nam và xuất khẩu thị trường thế giới. CNHT khu vực DN trong tỉnh phát triển khá chậm (chỉ trừ Công ty CP Ô tô Trường Hải), với số lượng còn ít, quy mô nhỏ, năng lực vốn, công nghệ, sản xuất còn hạn chế, chỉ có khả năng tham gia vào một số lĩnh vực CNHT không đòi hỏi cao về kỹ thuật công nghệ và kỹ năng sản xuất...

Theo kết quả khảo sát, trình độ công nghệ của các DN trên địa bàn tỉnh hiện nay còn ở mức thấp. Phần lớn sản phẩm CNHT do các DN sản xuất và cung ứng cho thị trường có chất lượng chưa cao, khả năng cạnh tranh hạn chế so với các sản phẩm cùng loại. Vì thế, chưa đủ đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, chủng loại, mẫu mã, số lượng cho các DN sản xuất trong nước, rất khó vươn ra xuất khẩu. Như ngành chế biến gỗ, hàng năm các DN gỗ tiêu tốn cả trăm triệu USD để mua nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất; trong đó các nguồn phụ liệu như đinh vít, sơn, giấy chà nhám… chủ yếu được cung cấp bởi các DN nhập khẩu.

Với ngành dệt may, theo ông Nguyễn Đức Trị - Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Hòa Thọ, ngành CNHT dệt may trong nước phát triển chưa tương xứng, nguồn nguyên liệu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu. Điều này không chỉ khiến DN luôn ở thế bị động khi thực hiện các hợp đồng xuất khẩu mà còn giảm sức cạnh tranh khi hội nhập sâu rộng. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực được xem là cơ hội lớn cho ngành dệt may, do đó ngành này đang cần “cú hích” tích cực từ nhóm ngành CNHT dệt, nhuộm. Bởi, nếu các DN dệt may không tìm cách nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thì cũng không thể hưởng các chính sách ưu đãi thuế từ các Hiệp định thương mại mang lại.

Nhiều chính sách mới

Không chỉ tại Quảng Nam, theo các chuyên gia, nhìn chung ngành CNHT trong nước còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do dung lượng thị trường nhỏ; năng lực của các DN còn yếu... Bên cạnh hạn chế từ DN còn có những hạn chế trong khâu triển khai thực hiện các chính sách mà nguyên nhân sâu xa chính là sự “xa cách” giữa DN và cơ quan quản lý nhà nước.  Chính vì vậy, mới đây Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT với nhiều chính sách mới.

Nghị quyết đưa ra nhiều nhóm giải pháp, trong đó hướng đến xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Xây dựng và triển khai hiệu quả các chính sách cho ngành công nghiệp vật liệu và phát triển thị trường cho các ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, tạo nền tảng cơ bản cho công nghiệp hóa theo hướng hiện đại và bền vững. Có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với các khoản vay ngắn hạn, ngoài ra Nhà nước thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất (tối đa 5%/năm) đối với các khoản vay trung và dài hạn của các DN để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển. Đây được xem là “bệ phóng” cho các DN ngành CNHT khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025 DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT đủ sức cạnh tranh, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, DN trong nước chiếm khoảng 30%.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn cho biết, trong những năm đến, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT. Có cơ chế khuyến khích DN mở rộng liên kết, hợp tác sản xuất, kinh doanh với đối tác trong và ngoài nước có quy mô lớn. Trước mắt, tập trung vào các nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản,... để tạo nguồn lực đủ lớn về vốn đầu tư, đồng thời tận dụng cơ hội chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, tập trung xây dựng và ban hành những ưu đãi toàn diện về vốn, đất đai, thuế… nhằm thu hút hơn nữa nhà đầu tư tham gia phát triển CNHT cho ngành sản xuất cơ khí chế tạo, phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô và ngành dệt may...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Bệ phóng” cho công nghiệp hỗ trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO