Động lực từ kinh tế tập thể

KHẢI KHIÊM 31/07/2020 12:43

Nhiều nông sản đặc trưng của vùng cao Đông Giang đã được các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác xây dựng thành các sản phẩm hàng hóa, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân, tạo động lực phát triển kinh tế nông thôn.

Thành viên HTX Nông nghiệp xã Tư đóng gói chè dây để đưa ra thị trường. Ảnh: K.K
Thành viên HTX Nông nghiệp xã Tư đóng gói chè dây để đưa ra thị trường. Ảnh: K.K

Cây chè dây Ra zéh sinh trưởng trên vùng đất xã Tư cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây trồng khác. Nhưng vì khai thác ồ ạt, không nhân giống khiến cây thuốc dân gian này bị suy giảm; do bảo quản thủ công nên dễ bị hư hỏng. Cạnh đó, sản phẩm chưa giới thiệu rộng rãi ra thị trường, điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát, phụ thuộc vào bạn hàng, giá cả không ổn định.

“Sau khi ra đời vào cuối năm 2017, HTX Nông nghiệp xã Tư được giao làm đầu mối vận động trồng, khoanh nuôi, kết hợp thu mua cho người dân, chế biến chè dây và tiếp thị sản phẩm. “Chè dây Ra zéh” đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể độc quyền, tham gia OCOP được UBND tỉnh xếp hạng 3 sao. Theo đó, nhiều hộ dân có diện tích khoanh nuôi, trồng chè dây tham gia làm thành viên HTX; liên kết trồng thêm bằng giống từ cây giâm hom. HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cung ứng phân hữu cơ; hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm và xúc tiến thương mại…” - ông Lê Duy Trường, Giám đốc HTX Nông nghiệp xã Tư cho biết.

Giai đoạn 2015 - 2020, huyện Đông Giang có thêm HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih, là “bà đỡ” cho các thành viên trồng, chăm sóc và đưa ra thị trường sản phẩm ớt A Riêu. Ngoài ra, Tổ hợp tác Dệt thổ cẩm Đrôồng (xã Tà Lu), Tổ hợp tác Sản xuất - thương mại và dịch vụ Trần Văn Mãi (xã Ba) đang hoạt động tương đối ổn định. Đến cuối năm 2019, có hơn 50 thành viên tham gia HTX, thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/thành viên/tháng.

Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Đông Giang - ông Đinh Ngọc Thanh cho hay, qua xây dựng thương hiệu, chè xanh Quyết Thắng được công nhận sản phẩm tiêu biểu cấp quốc gia, sản phẩm tiêu biểu khu vực miền Trung là ớt A Riêu, 5 sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh gồm rượu cần truyền thống, chè dây Ra zéh, đan lát, dệt thổ cẩm Đhơrôồng, rượu Ka kun.

Tuy nhiên, theo ông Đinh Ngọc Thanh, hoạt động của HTX nói riêng và làng nghề nói chung đang gặp thách thức do kết cấu hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ; đào tạo nghề và truyền nghề hạn chế; chưa phát huy hết lợi thế của nhãn hiệu tập thể; thiếu gắn kết giữa sản xuất kinh doanh với du lịch - dịch vụ đi kèm... Để tạo chuyển biến cho kinh tế tập thể, phấn đấu đến năm 2025 mỗi xã có ít nhất 1 HTX, huyện Đông Giang định hướng các địa phương khi xây dựng phát triển kinh tế - xã hội cần gắn liền phát triển HTX, làng nghề. Thực hiện tốt các quy hoạch khu vực kinh tế tập thể, làng nghề truyền thống. Đẩy mạnh huy động vốn trong cộng đồng thông qua các nguồn vốn của nhà nước để lồng ghép hỗ trợ máy móc thiết bị, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng cạnh tranh các sản phẩm đầu ra...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Động lực từ kinh tế tập thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO