Chuyển mô hình quản lý, bảo vệ rừng: Hiệu quả, nhưng thiếu kinh phí

HÀN GIANG 04/06/2020 06:31

Đây là một trong những hạn chế, bất cập được Ban Dân tộc HĐND tỉnh ghi nhận qua khảo sát, làm việc tại một số ban quản lý rừng, UBND xã miền núi về thực hiện Nghị quyết số 46 ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh về quy định mức chi hỗ trợ công tác quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020.

Việc thay đổi hình thức quản lý và bảo vệ rừng từ mô hình cộng đồng sang thành lập lực lượng chuyên trách được đánh giá đã phát huy hiệu quả. Ảnh: TRÀ MY
Việc thay đổi hình thức quản lý và bảo vệ rừng từ mô hình cộng đồng sang thành lập lực lượng chuyên trách được đánh giá đã phát huy hiệu quả. Ảnh: TRÀ MY

Phát huy hiệu quả

Qua khảo sát thực tế của Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho thấy, các ban quản lý rừng sau khi tổ chức lại và giao về cấp huyện quản lý đã phát huy vai trò trách nhiệm là chủ rừng trong việc phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng.

Đến tháng 3.2020, có 9 đơn vị, ban quản lý rừng được phê duyệt phương án triển khai Kế hoạch số 2219/KH-UBND ngày 24.4.2019 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 46 với tổng diện tích 347.347ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi từ mô hình giao khoán cho hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư sang mô hình chủ rừng tự tổ chức quản lý bảo vệ rừng thông qua hình thức hợp đồng với lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng là 222.796ha; diện tích giao khoán cho các hộ, nhóm hộ, cộng đồng dân cư là 123.551ha. Bình quân diện tích bảo vệ rừng của lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách là 400ha/người/năm, tăng 384ha/người/năm so với mô hình giao khoán trước khi áp dụng theo Nghị quyết số 46.

Các ban quản lý rừng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cộng đồng thôn trong việc tuyển chọn lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đảm bảo theo hướng dẫn, quy định. Theo đó, đã ký kết, hợp đồng 573 lao động tham gia vào lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; phối hợp tích cực với chính quyền địa phương tổ chức ký kết với cộng đồng thôn để thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, giám sát công tác bảo vệ rừng của cộng đồng theo đúng quy định.

Mức tiền lương lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách ở các đơn vị có sự khác nhau nhưng đều đảm bảo không thấp hơn mức tối thiểu là 3 triệu đồng/người/tháng. Các chế độ khác như bảo hiểm y tế, tiền xăng xe, tiền ăn… được thực hiện theo đúng quy định. Một số đơn vị đã trang bị đồng phục, đồ bảo hộ lao động cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nhằm tạo điều kiện để lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách an tâm, phát huy trách nhiệm, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Thanh đánh giá, mô hình chủ rừng tự tổ chức quản lý, bảo vệ thông qua hình thức hợp đồng với lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đã phát huy hiệu quả, thể hiện rõ vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng; các hoạt động tuần tra, kiểm soát được thực hiện thường xuyên, tình trạng khai thác lâm khoáng sản trái phép giảm, các điểm nóng, vụ việc phức tạp được kiềm chế. Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách trở thành lực lượng nòng cốt, trực tiếp chủ yếu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Không có nguồn chi trả

Trong các hạn chế, bất cập được nêu ra tại Báo cáo kết quả khảo sát việc thực hiện Nghị quyết số 46, Ban Dân tộc HĐND tỉnh cho rằng, do chưa được tuyên truyền sâu rộng nên việc thay đổi hình thức quản lý và bảo vệ rừng từ mô hình cộng đồng sang thành lập lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng chưa nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân, cộng đồng dân cư thôn vì phần lớn người dân sẽ mất đi thu nhập từ nguồn giao khoán bảo vệ rừng.

Các cấp, ngành liên quan thiếu đồng bộ, chưa thật sự vào cuộc để cùng phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện. Đáng quan tâm là kinh phí bố trí thực hiện nghị quyết không kịp thời đã ảnh hưởng đến nhiệm vụ của các ban quản lý rừng và công tác bảo vệ rừng.

Một số ban quản lý rừng không có nguồn chi trả chế độ tiền lương cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách và hợp đồng với cộng đồng dân cư thôn nhưng chậm được phân bổ. Có nơi chưa thực hiện thanh toán kinh phí giao khoán cho hộ, nhóm hộ, cộng đồng dân cư sau khi đã thanh lý hợp đồng.

Ngoài ra, một số ban quản lý rừng chưa tuyển dụng đủ số lượng bảo vệ rừng chuyên trách so với diện tích rừng thuộc lâm phận quản lý, chưa trang bị dụng cụ, đồ bảo hộ lao động, trang phục theo quy định. Do lực lượng mới tuyển dụng chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ còn nhiều lúng túng, chưa thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị như máy định vị GPS, bản đồ..., ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh nói, năm 2019, khi xây dựng phương án triển khai Kế hoạch số 2219 của UBND tỉnh, đơn giá dịch vụ môi trường rừng ở một số lưu vực là 400 nghìn/ha (không thuộc phạm vi áp dụng Nghị quyết số 46). Tuy nhiên, năm 2020, đơn giá chi trả dịch vụ môi trường ở những lưu vực giảm mạnh (thấp hơn 400 nghìn đồng/ha) so với năm 2019 nhưng chưa điều chỉnh bổ sung diện tích để áp dụng theo Nghị quyết số 46 nên các chủ rừng gặp khó khăn về kinh phí trong việc chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách. Trong khi đó, hiện nay chưa có hướng dẫn thống nhất về thực hiện chi trả các nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng. Trên cùng một địa bàn, đơn vị nhưng sử dụng hai nguồn kinh phí và chi theo các quy định khác nhau.

Cụ thể, nguồn kinh phí của các chương trình dự án thực hiện theo quy định chi của các chương trình, dự án do Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng quản lý, chi trả; nguồn kinh phí cấp bổ sung theo Nghị quyết số 46 được phân bổ về cho UBND huyện. Việc quy định sử dụng 20% kinh phí hoạt động đối với cộng đồng thôn nhưng không có hướng dẫn cụ thể dẫn đến khó khăn, lúng túng cho các đơn vị trong thực hiện và thanh quyết toán.

Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Nguyễn Thị Tuyết Thanh kiến nghị HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện Nghị quyết 46 ở giai đoạn 2021 - 2025; nâng mức hỗ trợ chi trả cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách nhằm đảm bảo mức sống, thu nhập cho đội ngũ này yên tâm công tác. UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương bố trí kinh phí cho các đơn vị thực hiện Nghị quyết số 46 để các đơn vị chủ động trong hợp đồng lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách đảm bảo phục vụ cho công tác tuần tra, kiểm soát trong thời gian đến. Thống nhất về đầu mối thực hiện chi trả các nguồn kinh phí để tạo điều kiện thuận lợi cho các ban quản lý rừng chủ động nguồn kinh phí và thanh quyết toán. Xem xét ban hành quy định, hướng dẫn về sử dụng, thanh quyết toán các nguồn kinh phí quản lý bảo vệ rừng và 20% chi cho cộng đồng thôn...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển mô hình quản lý, bảo vệ rừng: Hiệu quả, nhưng thiếu kinh phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO