Sắp xếp bộ máy quản lý, bảo vệ rừng: Đổi mới cơ chế vận hành

TRẦN HỮU 28/11/2019 11:28

Từ bộ máy bảo vệ rừng (BVR) “phình to”, đến nay ngành kiểm lâm đã cải tổ, đổi mới toàn diện cách thức quản lý rừng theo hướng tinh gọn và hiệu quả.

Lực lượng kiểm lâm tỉnh tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: TRẦN HỮU
Lực lượng kiểm lâm tỉnh tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: TRẦN HỮU

Chuyển đổi mô hình

Năm 2006, chính quyền tỉnh chuyển đổi 4 đơn vị lâm trường quốc doanh (gồm lâm trường Cà Dăng - Mà Cooih, Sông Kôn, Phước Hiệp và Trà My) thành 4 ban quản lý rừng phòng hộ (gồm rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn, Đắc  Mi và Sông Tranh). Sau khi được tổ chức sắp xếp, diện tích rừng và đất rừng giao cho 4 ban quản lý là 54.795,5ha, trong đó đất có rừng 39.790ha. Triển khai Quyết định số 2468, ngày 1.8.2019 của UBND tỉnh, về ban hành đề án tổ chức lại Chi Cục Kiểm lâm tỉnh và các ban quản lý rừng, đến nay đã chuyển giao 4 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm về Sở NN&PTNT (gồm Ban Quản lý rừng phòng Phú Ninh và ven biển Quảng Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, Khu bảo tồn loài Sao la và Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi).

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra rừng tại rừng phòng hộ Đắc Mi thuộc xã Phước Chánh (Phước Sơn). Ảnh: H.P
Lãnh đạo tỉnh kiểm tra rừng tại rừng phòng hộ Đắc Mi thuộc xã Phước Chánh (Phước Sơn). Ảnh: H.P

Điểm đáng chú ý, trong đổi mới sắp xếp lực lượng kiểm lâm và ban quản lý rừng, Quảng Nam đã phân cấp quản lý mạnh cho chính quyền địa phương. Theo đó, chuyển giao 6 ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng trực thuộc Chi cục Kiểm lâm về trực thuộc UBND các huyện. Rừng phòng hộ Sông Tranh đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Trà My; rừng phòng hộ Bắc Sông Bung đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang; rừng phòng hộ Đắc Mi đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Phước Sơn; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Trà My; rừng phòng hộ Nam Sông Bung đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Giang; rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn đổi tên thành Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Giang. 6 địa phương triển khai theo mô hình ban quản lý rừng phòng hộ trực thuộc cấp huyện, đến thời điểm này chỉ có Bắc Trà My chưa thành lập ban quản lý rừng phòng hộ. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - ông  Lê Minh Hưng cho rằng, đã đến lúc phải thay đổi, cái gì phù hợp thì giữ lại, còn mô hình lạc hậu phải dứt khoát loại bỏ. Quan điểm của ngành là tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực các lực lượng quản lý BVR theo hướng phân cấp mạnh trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cấp huyện, xã.  

Xử lý nghiêm sai phạm

Từ năm 2016 đến nay, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội vùng tây, BVR luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND quan tâm đúng mức. Hàng loạt định hướng lớn, với các giải pháp căn cơ nhằm hạn chế tối đa tình trạng “chảy máu rừng”. Có thể kể đến Nghị quyết số 05, ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy, về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh  giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 06, ngày 4.11.2016 của Tỉnh ủy, về tăng cường công tác quản lý, BVR và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Kế tiếp là Chỉ thị số 17, ngày 18.8.2015 về tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép; Chỉ thị số 15, ngày 20.12.2018 của UBND tỉnh, về tăng cường công tác kiểm tra, quản lý các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 14, ngày 3.1.2019 của UBND tỉnh, về phê duyệt kế hoạch hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn theo tinh thần của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2019 - 2020...

Theo mô hình sắp xếp, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi trực thuộc quản lý của Sở NN&PTNT. Ảnh: H.P
Theo mô hình sắp xếp, Ban Quản lý Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi trực thuộc quản lý của Sở NN&PTNT. Ảnh: H.P

UBND tỉnh thành lập tổ công tác cấp tỉnh (Quyết định số 580/QĐ-UBND ngày 7.2.2018) gồm các ngành nông nghiệp, tài nguyên - môi trường và Công an tỉnh, đã giúp phát hiện, điều tra, xử lý kịp thời các vụ phá rừng trọng điểm. Ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng, từ chỉ đạo cứng rắn của UBND tỉnh, tình trạng phá rừng tự nhiên đã giảm đáng kể, nhất là các hành vi lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Ngược lại, cơ quan chức năng lại khởi tố hình sự nhiều hơn các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, cụ thể giai đoạn 2015 - 2018, mỗi năm số vụ khởi tố hình sự tăng hơn 18,4%.  “Gần đây, đơn vị tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các vụ phá rừng tại Tiên Phước, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My... Nhiều cá nhân, tập thể bị kiểm điểm, xử lý nghiêm do thiếu trách nhiệm, không phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm” - ông Tuấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sắp xếp bộ máy quản lý, bảo vệ rừng: Đổi mới cơ chế vận hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO