Cày nát cát sạn ở sông Cái

TRẦN NGUYỄN 01/04/2020 14:55

(QNO) - Bức xúc trước tình trạng trộm cát giữa thanh thiên bạch nhật tại khu vực sông Cái thuộc xã Trà Đông (Bắc Trà My), người dân đã nhiều lần phản ánh các cấp có thẩm quyền nhưng vụ việc vẫn chưa được ngăn chặn triệt để.

Một phương tiện máy xúc tại hiện trường ven sông Cái thuộc xã Trà Đông
Một phương tiện máy xúc tại hiện trường ven sông Cái thuộc xã Trà Đông. Ảnh: T.H

Từ thông tin của người dân, cuối tháng 3 chúng tôi men theo khu vực ven sông Cái, thuộc thôn Tịnh Yên (xã Trà Đông). Chạy dọc bờ sông uốn lượn này, là những mỏ cát, sạn lộ thiên kéo dài, nhiều đoạn bị lấy lớp bề mặt sâu hơn 1m, lởm chởm cát sạn. Dấu vết xe cơ giới qua lại hình thành cả lối mòn dẫn từ đường chính vào mỏ cát tại địa phận thôn Tịnh Yên. Sát bờ sông, một máy xúc cát đang lần lượt chuyển đầy lên xe tải để đưa đi tiêu thụ, hay đến bãi tập kết.

Trong lúc chúng tôi chụp ảnh ghi hình “bản doanh” khai thác cát, một chiếc xe xúc liền tắt động cơ báo tín hiệu cho người điều khiển xe tải nhanh chóng rời hiện trường. Theo người dân địa phương, vào ngày cao điểm có gần 10 phương tiện xe tải nối đuôi nhau đến xúc cát trộm, các đối tượng thường hoạt động vào thời điểm sáng sớm hay lúc chiều tối, để tránh sự tuần tra, truy quét của lực lượng liên ngành địa phương.

Trong lúc chúng tôi chụp ảnh ghi hình bản doanh khai thác cát, một chiếc xe xúc liền tắt động cơ báo tín hiệu cho người điều khiển xe tải nhanh chóng rời hiện trường.
Phát hiện có người chụp ảnh ghi hình, chiếc xe xúc liền tắt động cơ báo tín hiệu cho người điều khiển xe tải nhanh chóng rời hiện trường. Ảnh: T.H

Hệ lụy của tình trạng hút cát sạn trộm tại sông Cái là nhiều diện tích đất canh tác của người dân gần bãi bồi bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sạt lở trong mùa lũ. Theo ông Hệ Ngọc Ch. - một người dân địa phương, cử tri đã không ít lần bức xúc, kiến nghị chính quyền xã Trà Đông và các ngành chức năng của huyện Bắc Trà My cần có biện pháp cứng rắn để bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhưng đâu lại hoàn đấy. Nhiều đối tượng tham gia rút ruột tài nguyên, nhưng chủ yếu là ông T. - một đối tượng sống bằng nghề kinh doanh vật liệu xây dựng thông thường. Người dân đặt dấu hỏi, việc đối tượng T. hút cát trộm mà không bị cơ quan chức năng “dòm ngó” phải chăng có sự dung túng của chính quyền sở tại?

Theo quan sát, “đại bản doanh” tận thu lậu cát sạn bờ sông Cái nằm không xa trụ sở UBND xã Trà Đông, mặt khác các xe tải vận chuyển khoáng sản gần như lưu thông qua lại trên trục đường chính của xã. Tuy nhiên, UBND huyện Bắc Trà My chỉ vừa phát hiện, xử phạt hành chính 1 trường hợp múc cát trộm tại địa bàn. Theo Sở TN&MT, tại xã Trà Đông không có một mỏ cát sạn nào được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động, vì thế hành vi tận thu khoáng sản nơi đây được xem là trái phép.

Mặt bằng nhiều khu vực ven sông bị khai thác khoáng sản nhảm nhơ, sâu hoắm.
Mặt bằng nhiều khu vực ven sông bị khai thác khoáng sản nhảm nhơ, sâu hoắm. Ảnh: T.H

Để làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước, ngày 31.3, phóng viên Báo Quảng Nam đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Đình Thông - Trưởng phòng TN&MT huyện Bắc Trà My, và được cho biết, ông không phải là người được địa phương phân công phát ngôn, không thể trả lời với báo chí nếu không có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo huyện. Trong khi đó, qua điện thoại, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Thái Hoàng Vũ cho rằng, để được cung cấp thông tin cần liên hệ với lãnh đạo Phòng TN&MT.  

Rõ ràng, với thực trạng bờ sông Cái đang ngày đêm bị cày nát, trôi chảy tài nguyên, cho thấy chính quyền xã Trà Đông và các cơ quan chức năng của huyện Bắc Trà My đã buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh. Đặc biệt là, lơ là Chỉ thị số 17 ngày 18.5.2016 của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; gần đây nhất là Công văn số 5710 ngày 26.9.2019 của UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và lĩnh vực khác có liên quan trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cày nát cát sạn ở sông Cái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO