Sớm tháo gỡ bất cập về quản lý đất đai

TRẦN HỮU 13/02/2020 12:59

Việc đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh ở một số nơi gặp khó khăn do lịch sử quản lý lỏng lẻo dẫn đến biến động.

Nhiều diện tích đất lâm nghiệp ở miền núi chưa được đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ảnh: T.H
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp ở miền núi chưa được đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ảnh: T.H

Bất cập

Theo Chi cục Quản lý đất đai, thời điểm này Quảng Nam chưa triển khai lập sổ địa chính điện tử do đang chờ hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về việc đăng ký và lập hồ sơ địa chính điện tử, trong đó vướng nhất là bất cập trong thực hiện đăng ký chữ ký điện tử. Thời gian qua, tiến độ giải phóng mặt bằng nhiều dự án lớn, rõ nhất là dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An vẫn rất chậm. Rào cản chủ yếu là sự bất nhất trong thực hiện giữa Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai 2013 đối với loại đất ở có vườn, ao gắn liền với nhà.

Tại huyện Duy Xuyên và Thăng Bình, nhiều trường hợp người dân yêu cầu Nhà nước giải quyết chính sách đất đai theo quy định cũ (Luật Đất đai 2003) vì cơ chế này được thụ hưởng nhiều quyền lợi hơn quy định hiện hành. Cụ thể, Luật Đất đai 2003 quy định, một trong những giấy tờ được cấp giấy chứng nhận không phải nộp tiền sử dụng đất là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính”. Với quy định này, không đề cập đến 2 sổ lập trong thời điểm nào; trong khi đó Luật Đất đai 2013 quy định: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15.10.1993”.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường, đến nay toàn tỉnh đã kê khai đăng ký và cấp được 781.397 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 475.714ha, đạt tỷ lệ gần 98% so với tổng diện tích đất cần cấp theo hiện trạng. Trong đó, tổ chức cấp được 20.267 giấy với diện tích 276.846ha, đạt 98,3%; hộ gia đình, cá nhân cấp được 761.130 giấy, đạt hơn 97,4%.

Một thực tế, ở các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn…, nhiều trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất mà hiện trạng đang sử dụng không còn phù hợp với số liệu trong hồ sơ địa chính lưu trữ tại địa phương. Trong hồ sơ địa chính ghi là loại đất này nhưng thực tế sử dụng là loại đất khác. Từ năm 2011 đến nay, dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai triển khai ở TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành và vùng đông sông Trường Giang thuộc các huyện Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 30 xã phường, thị trấn thuộc TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành đưa vào quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật và chỉnh lý biến động. Theo đánh giá của Chi cục Quản lý đất đai, vì lực lượng tham gia vận hành mỏng, đơn vị tư vấn chưa bàn giao sản phẩm theo yêu cầu nên khâu khai thác, vận hành rất chậm. Bản đồ địa chính trước đây thực hiện theo phương pháp thủ công, hình thể thửa đất không còn tỷ lệ đo đạc ban đầu, trong khi đó đất đai biến động lớn qua nhiều năm không chịu chỉnh lý nên đã “lỗi thời”, hồ sơ địa chính không còn phù hợp với hiện trạng sử dụng đất của địa phương.

Xử lý dứt điểm

Giám đốc Sở Tài nguyên – môi trường Trần Thanh Hà cho biết, năm 2020 ngành tiếp tục rà soát hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm, hoàn thành khối lượng chỉ tiêu cấp giấy cho tất cả loại đất. Riêng với trường hợp vướng mắc kéo dài nhiều năm, ngành tổng hợp tham mưu UBND tỉnh xem xét giải quyết. Năm 2019, Sở Tài nguyên – môi trường tham mưu UBND tỉnh văn bản điều chỉnh sai sót trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp đối với những trường hợp cấp giấy chứng nhận từ ngày 15.10.1993 đến ngày 1.7.2004. Cụ thể, trên giấy chứng nhận đã cấp đối với thửa đất ở gắn liền với vườn ao mà ghi là “thổ cư” được điều chỉnh lại thành đất ở nếu diện tích đất trong khuôn viên thửa đất nhỏ hơn hạn mức quy định. Hoặc ghi là đất ở cộng với đất cây hàng năm hay cây lâu năm nếu diện tích khuôn viên thửa đất lớn hơn hạn mức quy định.

Hiện nay, nhiều trường hợp người sử dụng đất, nhất là ở khu vực miền núi hoặc ở vùng ven biển một số trường hợp vắng mặt chưa đăng ký biến động quyền sử dụng đất, gây khó khăn cho việc quản lý đất đai. Cho nên, các địa phương đang khẩn trương rà soát lập danh sách các trường hợp này để hướng dẫn họ thực hiện quyền và nghĩa vụ liên quan. Năm 2020, Chi cục Quản lý đất đai phối hợp với các huyện miền núi, trung du tiếp tục rà soát đất lâm nghiệp do UBND xã quản lý và đất lâm nghiệp đã giao cho cộng đồng dân cư quản lý để giao đất, cấp quyền sử dụng đất lâm nghiệp theo phương án sắp xếp, mở rộng lâm phận cho các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng còn lại chưa được giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sớm tháo gỡ bất cập về quản lý đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO