Thách thức môi trường ở các cụm công nghiệp

TRẦN NGUYỄN 27/02/2020 11:34

Hầu hết địa phương trong tỉnh đều xây dựng cụm công nghiệp (CCN) phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, nhưng lại thiếu quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thu gom, xử lý nước thải, gây lo ngại cho môi trường.

Nước thải từ nhà máy sản xuất công nghiệp ra một cống nước tại cánh đồng thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp (Núi Thành) cách đây vài năm. Ảnh: T.N
Nước thải từ nhà máy sản xuất công nghiệp ra một cống nước tại cánh đồng thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp (Núi Thành) cách đây vài năm. Ảnh: T.N

Theo phê duyệt quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, có xét đến năm 2035, của UBND tỉnh thì đến năm 2025 toàn tỉnh sẽ có 92 CCN với tổng diện tích hơn 2.280ha; hiện nay có 47 CCN đã đi vào hoạt động.

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, đến nay chưa có CCN nào trên địa bàn tỉnh đầu tư hệ thống nước thải riêng, chỉ có 12 CCN đầu tư hệ thống thoát nước mưa và nước thải chung. Đáng lo ngại, có 40 CCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải. Ước tính lượng nước thải phát sinh từ các CCN hiện 5.500m3/ngày đêm.

Hầu hết CCN vẫn chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý tập trung, nên nước thải  thường đổ thẳng ra các ao hồ, khu vực xung quanh. Kết quả quan trắc môi trường tại nhiều CCN trên địa bàn tỉnh năm 2019 cho thấy, các chỉ số như hàm lượng BOD5, COD, Coliform vượt quá tiêu chuẩn nhiều lần.

Nguồn nước thải, chất rắn nguy hại từ sản xuất công nghiệp chứa các chất kim loại nặng độc hại như Cd, As, Cr, Zn… và các chất hữu cơ khác khó phân hủy đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất và môi trường nước.

Thách thức cho công tác quản lý của cơ quan chức năng là các CCN nằm gần khu dân cư sinh sống, kéo theo hệ lụy ô nhiễm khí thải, mùi hôi từ các cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp. Trong số 47 CCN đang hoạt động đều không có khu tập kết chất thải rắn.

Theo quy định, nước thải phát sinh ở CCN phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của CCN; đầu tư lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường; mỗi CCN muốn đi vào hoạt động đều phải thực hiện lập các thủ tục, hồ sơ về môi trường.

Tuy nhiên, Sở TN&MT cho biết, trong số CCN đã đi vào hoạt động, đến nay chỉ có 35% được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường, số còn lại chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Trước đây do hạn chế về tầm nhìn quy hoạch, nhiều địa phương tranh thủ xây dựng các CCN để hưởng cơ chế hỗ trợ của trung ương và tỉnh, nên có tình trạng CCN đặt ở vị trí không phù hợp, thậm chí nằm trong lòng khu dân cư.

Việc di dời nhà máy sản xuất thép trong CCN Thương Tín của Công ty TNHH Thép Việt - Pháp tại thôn 7A, phường Điện Nam Đông (thị xã Điện Bàn) là một bài học phải trả giá.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thách thức môi trường ở các cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO