Một cuộc đời - muôn tấm gương(*)

VÕ CHÍ CÔNG 23/12/2019 10:20

Anh Nguyễn Hoành (khi hoạt động cách mạng, còn có tên là Nguyễn Quang Lâm) sinh ra ở một làng quê nghèo thuộc xã Tam Xuân, huyện Tam Kỳ, nay là huyện Núi Thành - mảnh đất vốn giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Miền quê đã sản sinh ra nhiều chí sĩ cách mạng yêu nước tiền bối và những anh hùng chống giặc ngoại xâm.

Đồng chí Nguyễn Quang Lâm (ngồi) với một số đồng chí nguyên Lãnh đạo Khu ủy Khu V.
Đồng chí Nguyễn Quang Lâm (ngồi) với một số đồng chí nguyên Lãnh đạo Khu ủy Khu V.

Trui rèn trong gian khó

Đồng bào, đồng chí thường gọi anh Nguyễn Hoành bằng cái tên thân thương gần gũi là Tám Tú. Xuất thân trong gia đình nghèo, Tám Tú là người ham hiểu biết, sớm trở thành giáo học dạy trường tư khi mới 17 tuổi. Tôi và anh cùng quê, đều sớm giác ngộ cách mạng qua báo chí tiến bộ công khai của Đảng sau năm 1930; cùng trực tiếp tham gia phong trào đấu tranh chống sưu cao thuế nặng của chế độ thực dân, phong kiến và đòi quyền dân sinh, dân chủ ở Quảng Nam. Phong trào phát triển mạnh trong những năm Mặt trận Bình dân Pháp (1936 - 1939) dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Trung Kỳ. Không hẹn nhau, tôi và anh đều sớm thoát ly gia đình, xa quê hương - nơi chôn rau cắt rốn có tên thân yêu: xóm Bà Bầu, Khương Mỹ, Phú Hưng… để cùng đem tuổi thanh xuân của mình đóng góp vào sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc.

Được rèn luyện trong các phong trào đấu tranh, ở tuổi 25, Nguyễn Hoành trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Tôi nhớ rõ, năm 1941, từ Phước Lâm (nay là thôn I, xã Nghĩa Lâm, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi), anh bị chính quyền thực dân Pháp bắt và giam cầm ở Nhà lao Quảng Ngãi. “Ông giáo Hoành” - cách gọi tên anh của đồng bào Nghĩa Lâm lúc đó, đã luôn luôn giữ trọn khí tiết của người Cộng sản trước những đòn tra tấn dã man của kẻ thù. Ra tù, anh chủ động liên lạc ngay với tổ chức Du kích Ba Tơ để tiếp tục hoạt động, xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, tham gia thành lập Ủy ban vận động Cứu quốc ở Quảng Ngãi, góp phần xây dựng chiến khu cách mạng ở huyện Tư Nghĩa để tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Quảng Ngãi.

Trải qua những chặng đường cách mạng đầy hy sinh gian khổ, cuộc đời của đồng chí Nguyễn Hoành - Nguyễn Quang Lâm luôn gắn bó với sự nghiệp giải phóng dân tộc, với hai cuộc kháng chiến lâu dài và ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Bộ trưởng Bộ Hải sản Nguyễn Quang Lâm thăm và trao đổi với cán bộ tại Triển lãm Nghề cá Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Hải sản Nguyễn Quang Lâm thăm và trao đổi với cán bộ tại Triển lãm Nghề cá Việt Nam.

Dám đương đầu mọi thử thách

Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã đảm nhận nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của Đảng và chính quyền như: từ năm 1946 - 1950 là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Ngãi; những năm 1950 - 1954, lần lượt giữ các trọng trách: Chánh Văn phòng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Khu 5, Giám đốc Sở Tài chính Khu 5, Ủy viên Đảng đoàn chính quyền Liên khu 5… Những năm tháng tuổi trẻ của mình, đồng chí luôn đi đầu, gắn bó với phong trào cách mạng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Khu 5 qua các giai đoạn: khởi nghĩa giành chính quyền, xây dựng nhà nước Dân chủ Nhân dân, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi Điện Biên Phủ năm 1954…

Tinh thần dũng cảm, dám đương đầu với mọi thử thách, tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó với nhân dân, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã trở thành một cán bộ được Đảng tin cậy, tiếp tục giao nhiều trọng trách trong giai đoạn đầy khó khăn, gian khổ của cách mạng - giai đoạn nhân dân cả nước đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất Tổ quốc. Trong thời kỳ này, đồng chí được Khu ủy Khu 5 phân công ở lại tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam. Từ năm 1955 - 1961, đồng chí là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Khu ủy viên Khu ủy Khu 5, từ 1961 là Phó Trưởng ban Kinh tài Trung Ương Cục miền Nam. Tháng 3.1970 đến trước ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, là Ủy viên Thường vụ Khu ủy, Trưởng ban Kinh tài Khu ủy Khu 5, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng khu Trung Trung Bộ. Đây là một trong những thời kỳ cách mạng miền Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách vô cùng gay go, ác liệt. Với những trọng trách được giao, đồng chí Nguyễn Quang Lâm đã cùng Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy Khu 5 phát động và lãnh đạo toàn dân đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi dân sinh, dân chủ tiến tới đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị cùng nhân dân cả nước thực hiện nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” để hai miền Bắc - Nam sum họp một nhà theo nguyện vọng, ý chí của toàn dân tộc và Bác Hồ kính yêu hằng mong đợi.

Mãi mãi tấm gương sáng

Năm 1976, đồng chí Nguyễn Quang Lâm được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và làm Bộ trưởng Bộ Hải sản đến năm 1978; sau đó đồng chí được Trung ương phân công về làm Bí thư Tỉnh ủy Nghĩa Bình, rồi Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Đảng đến khi nghỉ hưu.

Trải qua 54 năm hoạt động cách mạng, ở bất cứ cương vị lãnh đạo nào, đồng chí Nguyễn Quang Lâm luôn kiên định lập trường, toàn tâm, toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Dù trong hoàn cảnh nào, đồng chí cũng vượt qua mọi khó khăn, bất chấp hiểm nguy, không sợ hy sinh. Đặc biệt, Đảng rất tin tưởng khi giao đồng chí phụ trách kinh tài qua các thời kỳ ở Khu 5 cũng như ở Trung ương Cục miền Nam. Với công việc, đồng chí luôn tận tụy, nghiêm túc bằng tinh thần trách nhiệm cao, luôn suy nghĩ, tìm tòi mọi cách để tạo ra cơ sở vật chất, tài chính bảo đảm sự hoạt động của Đảng trong mọi thời kỳ. Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là tấm gương của đồng chí cho mọi cán bộ noi theo.

Đối với bạn bè, anh Tám Tú rất chân tình, thẳng thắn, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc và tin cậy lẫn nhau. Với quần chúng nhân dân, anh gần gũi, lắng nghe nguyện vọng của họ và tìm cách giải quyết sao cho có tình, có lý. Trong cuộc sống thường ngày, anh có lối sống giản dị, chan hòa, được mọi người tín nhiệm và thương mến.

----------------

(* ) Tòa soạn đã biên tập, lược bớt một số đoạn và đặt tựa đề cho bài viết rút từ cuốn sách: “Nguyễn Quang Lâm - cuộc đời trọn vẹn nghĩa tình” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một cuộc đời - muôn tấm gương(*)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO