Trò làm thầy chịu, con làm cha chịu!

LÊ THÍ 08/12/2019 06:49

Trần Đình Phong từng là Đốc học Quảng Nam từ 1893 - 1905, bị mất chức Tế tửu Quốc tử giám vào năm 1908 vì có “liên can” đến của các nhà Duy tân Quảng Nam vốn là con trai và học trò của ông. Đời sau vẫn xem chuyện này là phúc chứ không phải họa!

Mộ Trần Đình Phong ở Yên Thành, Nghệ An. Ảnh Internet
Mộ Trần Đình Phong ở Yên Thành, Nghệ An. Ảnh Internet

Người con của quan đốc học

TS.Trần Đình Phong (1843-1919), hiệu Mã Sơn, tục gọi Đốc học Mã Sơn, quê thôn Yên Mã, xã Thanh Khê, tổng Thái Trạch, huyện Yên Thành, phủ Diễn Châu, nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông từng làm Đốc học nhiều năm nhất và cũng có nhiều thành tích nhất trong số 17 vị Đốc học của Quảng Nam (làm đốc học Quảng Nam từ 1893 đến 1905, là thầy học của lứa Ngũ phụng tề phi, của các nhà cách mạng nổi tiếng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh…; của các danh hiệu Tứ tuyệt, Tứ kiệt Quảng Nam như: Võ Hoành, Huỳnh Thúc Kháng, Phạm Liệu, Nguyễn Mậu Hoán, Võ Vỹ, Nguyễn Đình Hiến…).

Trần Đình Phiên (sinh năm 1883) là con trai thứ 5 của cụ Trần Đình Phong. Ông là nhà Duy tân. Anh em ông đều là những nhà yêu nước dấn thân, anh ông là Nghị viên Trần Đình Diệm, người đã từ chức Nghị viên Viện Dân biểu Trung kỳ để ủng hộ quan điểm của Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng; em ông là Bác sĩ Trần Đình Nam, một bác sĩ nổi tiếng sinh sống ở Đà Nẵng, từng là Bộ trưởng Nội vụ trong chính phủ Trần Trọng Kim.

Năm lên 10 tuổi, Trần Đình Phiên theo cha vào sinh sống ở đất Quảng vì vậy đã sớm kết thân với những học trò của cha có tinh thần yêu nước và thấm đẫm tinh thần cách mạng của vùng đất anh hùng này.

Từ 1905, Trần Đình Phiên đã tham gia phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp chủ trương. Ông là thành viên sáng lập của Công ty Liên Thành ở Phan Thiết, một cơ sở cách mạng hưởng ứng phong trào Duy tân ở Nam Trung Bộ. Trần Đình Phiên là một trong hai giáo viên chủ chốt của Dục Thanh học hiệu ở Phan Thiết (người thứ 2 là Nguyễn Hiệt Chi).

Năm 1908, ông bị Nam triều và thực dân Pháp bắt vì tình nghi có quan hệ với Trần Quý Cáp trong vụ kháng sưu cự thuế, khi Trần Quý Cáp đang là giáo thọ ở Ninh Hòa. Không phát hiện ra bằng cớ cụ thể, ông mới được thả.

Trong thời kỳ làm việc ở Phan Thiết, thông qua các ngư dân, Trần Đình Phiên nắm tình hình các nhà cách mạng bị đày ở Côn Đảo sau biến cố năm 1908 và thông báo về gia đình, nhờ vậy mối dây liên lạc giữa hai bên vẫn được nối kết.

Năm 1911, khi Phan Châu Trinh được thả và đưa về an trí ở Mỹ Tho, Trần Đình Phiên là người đưa bà Lê Thị Tỵ (vợ Phan Châu Trinh) và 2 người con lớn là Phan Châu Dật và Phan Thị Châu Liên vào thăm.

Khi Huỳnh Thúc Kháng thành lập báo Tiếng Dân vào năm 1927, Trần Đình Phiên được mời giữ cương vị quản lý cho tờ báo và ông đã trở thành cánh tay phải của Huỳnh Thúc Kháng. Ông là người thay mặt cho Công ty Huỳnh Thúc Kháng mua căn nhà ở số 123 Hàng Bè để làm trụ sở của tờ báo. Ông giữ cương vị quản lý suốt 16 năm, cho mãi đến khi báo bị đóng cửa vào năm 1943.

Có thể nói suốt đời Trần Đình Phiên luôn gắn bó với những học trò xuất sắc của cha ở Quảng Nam.

Con làm cha chịu, trò làm thầy chịu!

Năm 1905, TS.Trần Đình Phong đã được triều đình Huế điều từ vị trí Đốc học Quảng Nam về kinh đảm nhận chức vụ Tế tửu Quốc tử giám. Đây là một trọng trách nhưng cũng là vinh dự to lớn vào thời đó vì giữ cương vị này phải là người có “học hạnh” nghĩa là “văn học hàm súc” và nhất là phải hết sức “mô phạm”.

Làm việc được 3 năm, đến năm 1908 thì người ta ngạc nhiên khi thấy Trần Đình Phong xin từ chức và triều đình chuẩn y cho cụ về làm Biên tu ở Quốc sử quán, một chức quan nhỏ của Bộ Học!

Một bản tấu của Phủ Phụ chính vào ngày 10 tháng Bảy, năm Duy Tân thứ 2 (6.8.1908) cho thấy một phần của sự kiện này: “Phụ chính Phủ thần đẳng tấu: Ngày 16 tháng trước tiếp Quang lộc tự khanh lãnh Quốc tử giám tế tửu Trần Đình Phong trình rằng viên ấy tạm giữ học quan đến nay gần 15 năm, chỉ lo cố gắng hết chức trách, không dám có gì trốn tránh; duy nghĩ nhà Thành quân (là nhà Đại học ngày xưa bên Tàu, giữ việc học hành, đào tạo nhân tài - NV) là nơi liên quan đến kẻ hiền sĩ, hiện nay phong trào học giới chí hướng của kẻ sĩ chưa nhất định, việc dạy dỗ của viên ấy không xiết nổi. Và trước kia Phan Bá Hòe can về khoản tỉnh Khánh Hòa tự xét, gần đây con trai thứ 5 của viên ấy là Trần Đình Phiên lại can về khoản Trần Quý Cáp khai xưng gửi đệ thư tín, tuy việc đương cứu xét, chưa rõ hư thực, tội danh chưa định, nhưng động cập tư thương khiển trách thì viên ấy (Trần Đình Phong) bình nhật không biết nghiêm phòng huấn giới, cũng là vạn can tội lỗi, lòng chẳng tự an, không dám ngậm miệng làm thinh, nên trần tình xin đổi người khác thay thế…(còn viên ấy như mong cho bổng chức khác để nhờ bổng lẫm chi dùng hoặc xin cho tại ngoại lặng chờ, để được yên tâm). Phủ thần đẳng vân Quốc tử giám là nơi thủ thiên hiện nay sĩ tập đang cần sửa lại cho chúng, Tế tửu Trần Đình Phong là người có học hạnh, nhưng tính ít cương quyết khó đương lấy chức trách… Nhân thấy Bộ Học cần dùng viên nhân tu thư, nghĩ nên đem viên ấy sang chức tu thư ở Bộ Học, chiếu hàm chỉ bổng, chờ ngày nào việc tu thư xong sẽ nghỉ…” (Châu bản triều Nguyễn tập IV, tờ 29, 30).

Chuyện người con trai thứ 5 có mối quan hệ với tử tù Trần Quý Cáp để “ép” Trần Đình Phong từ chức chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Nguyên nhân chính vẫn là chuyện những học trò cũ của ông ở Quảng Nam trở thành mối đe dọa cho Nhà nước bảo hộ. Năm này (1908) có lẽ quan Tế tửu giàu “học hạnh” này vừa “đau khổ” nhưng cũng vừa “tự hào” vì những học trò mà mình hết lòng dạy dỗ một thời đã thành danh: Trần Quý Cáp ra pháp trường, Phan Châu Trinh suýt ra pháp trường (trảm giam hậu); Huỳnh Thúc Kháng, Lê Bá Trinh, Phan Thúc Duyện ra Côn Đảo không hẹn ngày về; và nhiều người khác đang “trả nợ nước” nếu  không Lao Bảo thì cũng nhà lao Hội An. Sau này khi viết Quốc triều Hương khoa lục, vị Thượng thư Bộ Học, cấp trên của quan Tế tửu Trần Đình Phong phải thêm vào sau tên của họ từ “can tội”, nghĩa là chống lại triều đình và nhà nước Bảo hộ. Mà ngày đó “tội” càng nặng thì ngày nay “công” càng lớn.

Ngày xưa chuyện con làm cha chịu, trò làm thầy chịu không phải là chuyện hiếm. Trước đó hơn 20 năm thầy giáo Lê Tấn Toán đã ung dung nhận chén thuốc độc vua “ban” vì cậu học trò Nguyễn Duy Hiệu dám chống lại triều đình. Chuyện “chịu” của Trần Đình Phong đúng là cái “phúc”, niềm “tự hào” của người thầy! Có được những đứa con và học trò như vậy “chịu” mấy cũng… thỏa lòng!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trò làm thầy chịu, con làm cha chịu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO