Mở lối làm giàu

NGUYỄN VĂN SUNG 21/02/2020 14:31

Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn tạo hướng đi trong sản xuất để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tăng thêm sản phẩm hàng hóa trên thị trường.

Vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Thanh Hạt ở thôn Thái Chấn Sơn (Đại Hưng, Đại Lộc) cho thu nhập hằng năm gần 700 triệu đồng.
Vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Thanh Hạt ở thôn Thái Chấn Sơn (Đại Hưng, Đại Lộc) cho thu nhập hằng năm gần 700 triệu đồng.

Khu vườn của vợ chồng ông Nguyễn Thanh Hạt ở thôn Thái Chấn Sơn (xã Đại Hưng - Đại Lộc) đang cho thu nhập ổn định nhờ mô hình trồng cây ăn quả. Trước đây gia đình ông sống dựa vào mấy sào ruộng, chăn nuôi nhỏ lẻ, kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là khi 2 đứa con đang tuổi ăn học.

Quyết tâm thoát nghèo, qua học hỏi kinh nghiệm về mô hình trồng cây ăn quả trong miền Nam cùng với việc tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân xã tổ chức, ông Hạt đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng các loại cây ăn quả như mít, cam, saboche, vú sữa. Hiện, vườn cây ăn quả của vợ chồng ông Hạt trồng hơn 200 cây mít, 100 cây sapoche, 50 cây vú sữa,... cho thu nhập hằng năm gần 700 triệu đồng.

Từ thành công trong việc trồng cây ăn quả, ông Hạt đã vận động, hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con nông dân tại địa phương phát triển mô hình kinh tế vườn từ trồng cây ăn quả và thành lập tổ hợp tác trồng cây ăn quả Thái Sơn do ông làm tổ trưởng với diện tích hơn 10ha.

“Việc trồng cây ăn quả mang tính tự phát và quy mô nhỏ lẻ sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tôi đã vận động một nhóm hộ có chung sở thích chủ động cải tạo diện tích vườn để trồng cây ăn quả, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao nhờ vào việc cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tăng năng suất lao động, ổn định được đầu ra sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch” - ông Hạt chia sẻ.

Còn tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, trước đây gia đình nông dân Lư Văn Dũng sống nhờ vào 6 sào ruộng lúa, thu nhập không ổn định nên quyết định thay đổi mô hình sản xuất.

Trong thời gian bôn ba làm thuê tại TP.Hồ Chí Minh, ông Dũng có tìm hiểu mô hình, kiến thức trồng rau an toàn, và nay mạnh dạn áp dụng, xây dựng thương hiệu rau an toàn cho riêng mình.

Sau hiệu quả ban đầu, ông Dũng đã nhân rộng diện tích sản xuất lên hơn 6.000m2 và tiến hành trồng các loại bí đao, bầu, khổ qua, mướp, dưa chuột, rau muống, mồng tơi... Mô hình này cho thu nhập gần 600 triệu đồng/năm, giúp gia đình ông thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Ông Dũng cũng đã tận tình hướng dẫn cho bà con nông dân trong thôn cùng tham gia trồng rau an toàn và liên kết thành lập Tổ hợp tác trồng rau an toàn Lang Châu Bắc với 15 hộ tham, tổng diện tích sản xuất hơn 4ha.

Từ việc vận động, giúp đỡ các hộ nông dân liên kết trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cả 2 ông Nguyễn Thanh Hạt và Lư Văn Dũng đều đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh giai đoạn 2014 - 2019 và được UBND tỉnh tặng Bằng khen.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở lối làm giàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO