Nuôi tằm công nghệ cao ở Điện Bàn: Nguồn giống chưa đảm bảo

TRIÊU NHAN 06/11/2019 10:56

Đến nay, tại xã Điện Quang (Điện Bàn), dù được hỗ trợ rất nhiều từ các cơ chế, chính sách nhằm khôi phục nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa, song bước đầu, nông dân chưa mặn mà. Ngoài yếu tố lợi nhuận đem lại còn thấp, nguyên nhân chính là giống tằm chưa ổn định khiến năng suất và hiệu quả chăn nuôi thấp.

Bà Cao Thị Nga được hỗ trợ nhiều vật dụng để nuôi tằm như nong, vỉ né và hỗ trợ 100% giống tằm, giống dâu... khi tham gia dự án. Ảnh: TRIÊU NHAN
Bà Cao Thị Nga được hỗ trợ nhiều vật dụng để nuôi tằm như nong, vỉ né và hỗ trợ 100% giống tằm, giống dâu... khi tham gia dự án. Ảnh: TRIÊU NHAN

Hỗ trợ từ A tới Z

Dự án thí điểm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm, do HTX Nông nghiệp Điện Quang phối hợp với Công ty CP Tơ lụa Hội An hỗ trợ tại xã Điện Quang, triển khai trong hai năm 2018 - 2019 thu hút 10 hộ dân của 2 thôn Thạnh Mỹ và Bến Đền Tây tham gia. Từ 5.2018, dự án thí điểm phục hồi vùng nguyên liệu trồng dâu nuôi tằm tại xã Điện Quang trên diện tích 3ha. Các hộ dân tham gia trồng dâu được dự án hỗ trợ 100% giống tằm, giống dâu, máy làm đất, giếng tưới, hỗ trợ nong tằm, vỉ né, dụng cụ tống kén để phục vụ chăn nuôi. Người dân còn được hỗ trợ, tập huấn kỹ thuật trồng dâu, nuôi tằm trên cơ sở ứng dụng một số kỹ thuật mới, trang thiết bị phục vụ chăn nuôi, giảm nhân công lao động. Toàn bộ kén tạo ra được bao tiêu sản phẩm.

Ông Phan Tín - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Quang cho biết, sản phẩm bà con làm ra, HTX thu mua với giá 140 nghìn đồng/kg, sản phẩm do Công ty CP lụa Hội An bao tiêu toàn bộ. HTX chỉ việc giao kén cho công ty sau khi thu mua của dân. Nhìn chung, nhu cầu về kén rất lớn nhưng sản lượng làm ra chưa nhiều. Công ty CP Tơ lụa Hội An hứa tiếp tục hỗ trợ nông dân máy làm đất, giếng tưới, hỗ trợ nông dân mượn vốn lắp máy điều hòa phục vụ nuôi tằm trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Song, 2 năm qua, dự án gặp nhiều khó khăn, trở ngại, nhiều hộ dân vẫn chưa mặn mà với dự án qua nhiều lứa nuôi do hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi tằm đem lại còn thấp... Nguyên nhân chính, theo nhiều hộ nuôi là giống tằm dự án cung cấp cho dân chưa chuẩn, xảy ra dịch bệnh nhiều ở giai đoạn tằm chuẩn bị lên né, sau khi đã ăn hết dâu, khiến nhiều người nuôi thiệt hại kinh tế khi lượng kén tạo ra ít. Theo tính toán, mỗi hộ nuôi 1 hộp trứng (tằm lớn) trong vòng 1 tháng thu lãi khoảng hơn 2,8 triệu đồng. Nếu được đầu tư đúng mức, trang thiết bị hỗ trợ đúng kỹ thuật, mỗi hộp trứng tằm, người nuôi cho ra ít nhất 30kg kén, cao thì 40 - 50kg kén. Song, có lứa nuôi, một số hộ nuôi do được cung ứng giống chưa phù hợp với thời tiết của vùng, chưa kể chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, tằm chết nhiều...

Cần giống tằm chuẩn

Bà Cao Thị Nga (thôn Bến Đền Tây, Điện Quang) cho biết, mỗi năm, gia đình bà nuôi 5 - 6 lứa, năm 2019, có tới 2 lứa thất bại, lứa vừa xuất bán kén cách đây vài ngày là trúng nhất, thu được 30kg kén/hộp trứng, với giá bán 140 nghìn đồng/kg kén. “Tôi nuôi khá đạt so với nhiều hộ do nắm vững kỹ thuật, kinh nghiệm, có người thân hỗ trợ nuôi. Con tằm nên hay không là lệ thuộc hết vào giống, trúng giống dở thì coi như hỏng hết. Đầu ra và giá cả không lo mà chỉ lo giống không đạt. Giống còn đang giai đoạn thử nghiệm, năng suất bấp bênh, tằm chết nhiều, không thích ứng với điều kiện khí hậu Quảng Nam. Cũng vì lẽ đó mà nhiều người dừng nuôi là vậy” - bà Nga nói.

Ông Cao Văn Khánh (cùng trú thôn Bến Đền Tây, xã Điện Quang) chia sẻ, tham gia dự án, người dân được hỗ trợ rất nhiều, đó là điều thuận lợi. Việc áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới cũng giúp nông dân đỡ vất vả hơn so với trước kia. “Cũng may dự án hỗ trợ rất nhiều, gần như từ A tới Z, nếu không có hỗ trợ thì không ai bám trụ nổi đâu. Ngày công lao động bây giờ cũng khoảng 250 nghìn đồng/người, nhưng nuôi 1 mí tằm mất 25 ngày, nếu trúng thì thu về hơn 3 triệu đồng/hộp trứng, còn thua thì khỏi nói. Nếu có được giống chuẩn thì vẫn có thể bám trụ được, coi như lấy công làm lời” - ông Khánh nói. Theo nhiều nông dân, mấy mí tằm liên tiếp, một số hộ nuôi gần như trắng tay khi tằm chuẩn bị chín rộ, lên né là ngã (chết). Từ 10 hộ tham gia, lứa nuôi gần nhất chỉ có 3 hộ thường xuyên bám trụ.

Ông Phan Tín nhìn nhận, người nuôi tằm chưa mặn mà là do giống chưa đạt, một phần do thu nhập từ nuôi tằm chưa tương xứng với ngày công lao động thị trường. “Hiện, mô hình trồng dâu, nuôi tằm đang trong giai đoạn thử nghiệm. Năm vừa rồi mình làm giống của Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương nhưng họ lại đưa giống tằm không như ý, sản lượng kén thấp. HTX và công ty còn đưa giống tằm Bảo Lộc về nuôi thử nghiệm và vẫn loay hoay với việc lựa chọn giống. Năm 2019, riêng Trung tâm Nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương đưa về 6 giống tằm. Trong số này có 1 giống tằm LĐ-09 của TS. Nguyễn Mậu Tuấn của một trung tâm nghiên cứu ở Lâm Đồng được cho là khá hiệu quả, và vị tiến sĩ này cho biết sẽ nâng tính đề kháng của giống trong thời gian tới cho phù hợp với thời tiết, khí hậu địa phương. Khi có giống chuẩn thì mọi việc sẽ ổn” - ông Tín nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nuôi tằm công nghệ cao ở Điện Bàn: Nguồn giống chưa đảm bảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO