Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Kinh nghiệm từ Duy Trung

HOÀI NHI 17/06/2019 14:15

Trong khi tại nhiều nơi dịch tả lợn châu Phi gây hại dai dẳng suốt cả tháng nay thì ở xã Duy Trung (huyện Duy Xuyên) 15 ngày qua không phát sinh thêm ổ bệnh mới nhờ công tác kiểm soát chặt chẽ, đồng bộ.

Sau khi tiêu hủy đàn heo của ông Nguyễn Như Tiến, 14 ngày qua tại xã Duy Trung không phát sinh thêm ổ bệnh mới. Ảnh: H.N
Sau khi tiêu hủy đàn heo của ông Nguyễn Như Tiến, 14 ngày qua tại xã Duy Trung không phát sinh thêm ổ bệnh mới. Ảnh: H.N

Sau khi phát hiện đàn heo của hộ ông Nguyễn Như Tiến ở thôn Hòa Lâm (xã Duy Trung) xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, bỏ ăn, toàn thân đỏ ửng, đi đứng loạng choạng, xuất huyết vùng bẹn - bụng, máu chảy ra mũi..., ngày 29.5 lực lượng thú y huyện Duy Xuyên cùng chính quyền địa phương tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm. Kết quả cho thấy, đàn heo 23 con với tổng trọng lượng 925kg của ông Tiến dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi. Ngay lập tức, các cơ quan chức năng huy động lực lượng thanh niên xung kích tiến hành tiêu hủy khẩn cấp toàn bộ số heo mắc bệnh vừa nêu. Nguyên nhân khiến đàn heo của ông Nguyễn Như Tiến bị dịch tả lợn châu Phi gây hại được xác định do chủ hộ cho heo ăn thức ăn thừa lấy từ các hàng quán chưa qua nấu chín kỹ nên mầm bệnh xâm nhiễm.

Theo số liệu thống kê mới nhất, đến ngày 12.6.2019 toàn xã Duy Trung có 2.200 con heo, chủ yếu thả nuôi theo hình thức nhỏ lẻ trong nông hộ. Để ngăn chặn vi rút gây bệnh dịch tả heo châu Phi tiếp tục lây lan ra diện rộng, trong 2 tuần qua chính quyền xã Duy Trung đã trưng dụng nhiều máy bơm động cơ, 180 lít hóa chất và huy động lực lượng triển khai nhiều đợt phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn xã. Đồng thời chủ động xuất nguồn kinh phí dự phòng mua 6 tấn vôi bột cấp phát cho các hộ chăn nuôi để thực hiện khâu sát khuẩn môi trường nhằm hạn chế nguy cơ vi rút gây bệnh phát tán. Điều đáng ghi nhận, trong quá trình cấp phát vôi bột cho người dân, nếu hộ dân nào không đến trụ sở xã nhận thì lãnh đạo địa phương bố trí cán bộ chở vôi bột đến tận nhà và tuyên truyền, vận động chủ hộ nâng cao nhận thức về công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi để hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại.

Trao đổi với chúng tôi vào ngày 12.6, ông Trần Năm - Chủ tịch UBND xã Duy Trung nói: “Chúng tôi sớm củng cố ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, phân công cụ thể cán bộ đứng điểm khắp địa bàn thôn. Ngoài ra, địa phương liên tục duy trì 4 tổ chốt chặn tại 4 địa điểm trọng yếu gồm: thị trấn Nam Phước lên thôn Trung Đông, khu vực chợ heo Bà Rén của xã Quế Xuân 1 (Quế Sơn) lên thôn An Hòa, các tuyến đường chính từ xã Quế Xuân 2 đi thôn Hòa Lâm và thôn An Thành thuộc xã Duy Trung”.

Cũng theo ông Trần Năm, mặc dù đã qua 15 ngày chưa phát sinh ổ dịch mới nhưng chính quyền và người dân xã Duy Trung tuyệt đối không chủ quan, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, vận chuyển heo và các sản phẩm từ heo không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc heo bị nhiễm bệnh theo đúng quy định hiện hành... “UBND xã Duy Trung cũng đã sớm hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục cần thiết và tiến hành hỗ trợ hơn 35 triệu đồng cho hộ ông Nguyễn Như Tiến có heo bị bệnh phải tiêu hủy bắt buộc theo quy định của UBND tỉnh. Ngoài ra, còn trích nguồn kinh phí của địa phương với số tiền 25 triệu đồng chi trả cho những người trực tiếp tham gia chống dịch cũng như tạm ứng mua hóa chất, vôi bột phục vụ phòng chống dịch tả heo châu Phi” - ông Trần Năm nói thêm.

Dịch tả lợn châu Phi lây lan mạnh tại Quế Sơn

Ông Lê Thọ Hồng - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2 (Quế Sơn) cho biết, bệnh dịch tả lợn châu Phi vừa xuất hiện trên đàn heo của 3 hộ dân ở thôn Phú Mỹ và Phú Lộc của xã Quế Xuân 2. Tính đến chiều qua 13.6, lực lượng thú y huyện Quế Sơn cùng chính quyền địa phương đã tiến hành tiêu hủy khẩn cấp 3 con heo nái, 1 con heo thịt, 8 con heo choai, 11 con heo sữa bị nhiễm bệnh ở 2 thôn vừa nêu. “UBND xã gấp rút thiết lập 3 điểm chốt chặn trên các tuyến giao thông huyết mạch nhằm kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển heo ra vào vùng dịch. Đồng thời sử dụng 1,5 tấn vôi bột, 2 máy bơm động cơ và 120 lít hóa chất triển khai vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng. Hiện nay, chúng tôi đang dự trữ 60 lít hóa chất và trong những ngày tới sẽ tiếp tục duy trì khâu này” - ông Hồng nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Sửu - Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi cũng đã xâm nhiễm vào địa bàn các xã Quế Minh, Phú Thọ, Quế Phú khiến nhiều con heo bị mắc bệnh. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn 9 thôn của 5 xã gồm Hương An, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Minh, Phú Thọ đã có tổng cộng 83 con heo các loại bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 3,6 tấn heo hơi. Bên cạnh đó, trong ngày hôm qua 13.6, tại xã Quế Cường cũng đã xảy ra tình trạng heo chết với những triệu chứng thường thấy của dịch tả heo châu Phi. Ngay lập tức, các cơ quan có trách nhiệm đã tiến hành khám lâm sàng, lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Chi cục Thú y vùng 4 trực thuộc Cục Thú y Trung ương (đóng tại TP. Đà Nẵng) nhờ xét nghiệm và đang chờ kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng chống dịch tả lợn Châu Phi: Kinh nghiệm từ Duy Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO