Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” ở Nông Sơn: Nhiều mô hình hiệu quả

TRIÊU NHAN 31/03/2020 13:02

Những năm qua, phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” ở huyện Nông Sơn chuyển biến tích cực, lan tỏa sâu rộng, góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

“Khu vườn ông Bảy” của ông Nguyễn Quang Soạn, Đại Bình. Ảnh: TR.NHAN
“Khu vườn ông Bảy” của ông Nguyễn Quang Soạn, Đại Bình. Ảnh: TR.NHAN

Đồng hành với nông dân

Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi” (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Nông Sơn triển khai thời gian qua tạo động lực để nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, mới mẻ xuất hiện.

Theo ông Trần Nhượt - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nông Sơn, giai đoạn 2017 - 2019, hội đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện tổ chức được 93 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.175 lượt hội viên nông dân, tổ chức 16 buổi hội thảo các mô hình phát triển kinh tế, tổ chức 5 đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả trên địa bàn tỉnh...

Huyện hội cũng phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH, Phòng NN&PTNT huyện, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh mở 14 lớp học nghề phi nông nghiệp và nghề nông nghiệp cho hàng trăm học viên.

Hội Nông dân huyện đã tín chấp với Ngân hàng CSXH huyện nhận ủy thác cho nông dân vay vốn với số tiền hơn 62 tỷ đồng (1.784 hộ vay); phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT huyện tạo điều kiện cho nông dân vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn với tổng dư nợ 146 tỷ đồng/1.282 hộ vay. Ngoài nguồn quỹ hội hơn 800 triệu đồng hỗ trợ nông dân vay vốn, hội cũng đã vận động nguồn xã hội hóa hỗ trợ cây giống, phương tiện sản xuất cho nông dân với số tiền 200 triệu đồng. 

Ông Trần Nhượt chia sẻ, giai đoạn 2017 - 2019, qua xét công nhận, toàn huyện có 318 hộ đạt danh hiệu “Nông dân SXKDG”, tăng 231 hộ so với giai đoạn 2014 - 2016. Trong đó, có 9 hộ nông dân và 2 tập thể tiêu biểu trong phong trào được tuyên dương khen thưởng cấp huyện giai đoạn 2017 - 2019. Thu nhập của các hộ nông dân SXKDG cấp huyện đạt từ 150 - 300 triệu đồng.

“Từ thực tiễn phong trào, xuất hiện nhiều hộ có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động. Nông dân đã làm chủ nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: mô hình trồng thâm canh cây keo lai nuôi cấy mô; mô hình ươm và trồng giống keo tai tượng có nguồn gốc từ Úc; mô hình chăm sóc vườn cây ăn quả sạch bệnh; mô hình phục tráng giống nếp mèo; mô hình chăn nuôi gà ta an toàn dịch bệnh kết hợp với chế biến thức ăn tại chỗ; mô hình nuôi heo đen thả dưới tán rừng...” - ông Nhượt nói.

Điển hình nông dân sản xuất giỏi 

Giai đoạn 2017 - 2019, Nông Sơn xuất hiện hơn 300 gương “Nông dân SXKDG” các cấp với những mô hình và những tấm gương nông dân tự đổi mới tư duy sản xuất, dám nghĩ, dám làm, sản xuất giỏi. Có thể kể đến mô hình trồng tiêu và bưởi trụ của hộ ông Nguyễn Văn Thành (thôn Dùi Chiêng, xã Phước Ninh); hay như mô hình trồng sen kết hợp với chăn nuôi cá của hộ ông Trần Văn Trà (thôn Mậu Long, xã Quế Ninh); mô hình trồng bưởi da xanh của ông Nguyễn Thành Quý (xã Quế Phước)...

Toàn huyện hiện nay có 21 tổ hợp tác, 9 HTX, một số mô hình có hiệu quả kinh tế như: HTX Nông nghiệp Quế Lâm, HTX Nông nghiệp - du lịch Đại Bình xã Quế Trung, Tổ hợp tác làm đất của ông Huỳnh Minh Trung (thôn Tân Phong, xã Quế Lộc). Nông Sơn có 3 trang trại được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại, tiêu biểu như mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi kết hợp của ông Phạm Đình Tư (xã Quế Ninh), ông Đoàn Công Lâm (xã Phước Ninh) với quy mô trang trại heo thịt số lượng 200 con, kết hợp trồng rừng...

Ông Lê Phước Quýt (thôn Phước Hội, xã Quế Lâm) là điển hình nông dân SXKDG của huyện Nông Sơn nhiều năm liền. Sở hữu diện tích đất rừng khá lớn, lên tới 15ha, ông Quýt chú trọng trồng cây keo lá tràm. Mỗi lứa keo có chu kỳ 5 năm, bình quân mỗi năm, ông thu về cả trăm triệu đồng từ rẫy keo. Ông còn trồng 3ha cây ăn quả như bưởi trụ, bưởi 5 roi và nhiều loại cây ăn quả khác kết hợp chăn nuôi gà thả vườn... Trong khi đó, mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Nông nghiệp - dịch vụ Đại Bình (Quế Trung) được xem là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp Nông Sơn.

Theo ông Lê Thanh Tuyền - Giám đốc HTX, vùng trồng rau sạch HTX quy hoạch trên diện tích 3.000m2, được dự án phi chính phủ hỗ trợ 3 giếng khoan, lưới, giàn che, phục vụ sản xuất bền vững. Năm 2019, nhiều mẫu rau của HTX Đại Bình được cấp chứng nhận VietGAP như rau sen, xà lách, mồng tơi… HTX cũng chủ động liên kết với một số hộ chuyển đổi đất trồng cây màu kém hiệu quả sang trồng rau VietGAP, tạo sản phẩm du lịch, đưa sản phẩm vào siêu thị. Để mở rộng không gian du lịch, HTX chủ động đầu tư thêm dịch vụ câu cá, đầu tư thêm khu ẩm thực nhỏ tại ao sen đón tiếp khách. 

Ông Nguyễn Quang Soạn cũng là một nông dân làm kinh tế giỏi ở Đại Bình. “Khu vườn ông Bảy” của ông Soạn rộng 7.000m2, trồng đủ các loại cây ăn quả, là địa chỉ tổ chức tour của các công ty lữ hành. Vườn có lượng khách đáng kể, nhất là dịp lễ, mùa trái cây. Khách đến vườn không chỉ tham quan, mua trái cây, còn được trải nghiệm dịch vụ ẩm thực nhà vườn, được phục vụ các loại nước uống giải khát, có thể lưu trú qua đêm hoặc nghỉ mát tại các võng trong vườn... Loại hình kinh tế vườn, từ dịch vụ du lịch giúp gia đình ông Soạn thu về hàng trăm triệu đồng/năm...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” ở Nông Sơn: Nhiều mô hình hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO