Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp

NGUYỄN SỰ 17/12/2020 05:37

Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến tại cuộc làm việc với UBND tỉnh và lãnh đạo các ngành liên quan về tình hình thiệt hại, công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất sau thiên tai, diễn ra chiều qua 16.12.  

Nhiều địa phương khẩn trương nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương để chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng. Ảnh: VĂN SỰ
Nhiều địa phương khẩn trương nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương để chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng. Ảnh: VĂN SỰ

Thiệt hại nặng

Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam sáng qua 16.12, ông Trần Thiện Thắng - Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho hay, thời gian qua bão lũ liên tục xuất hiện khiến địa phương gánh chịu hậu quả khá lớn, nhất là trong cơn bão số 9. Trong đó có hơn 5.000ha rừng nguyên liệu, 160ha cây ăn quả các loại bị gãy đổ do bão số 9; hơn 33ha rau màu bị hư thối do ngập úng nặng; gần 8.000 con gia cầm bị cuốn trôi, chết trong lũ; nhiều công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp với khối lượng hơn 10.000m3 đất đá. Tổng giá trị thiệt hại trên địa bàn Nông Sơn ước tính hơn 680 tỷ đồng.

“Trước những thiệt hại đó, lãnh đạo huyện, các ban ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận 6 xã của huyện nỗ lực huy động tất cả nguồn lực tại chỗ để khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, vì điều kiện ngân sách huyện hạn chế, kinh tế của người dân còn eo hẹp, trong khi thiệt hại do bão lũ gây ra lại rất lớn nên việc khắc phục từ nội lực của huyện và nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, đến nay một số công trình phục vụ sản xuất và dân sinh chưa thể khắc phục hoặc khắc phục ở mức tạm thời. Vụ đông xuân 2020 - 2021 đã cận kề, mong cấp trên quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để Nông Sơn tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa hệ thống thủy lợi bị hư hỏng do thiên tai” - ông Thắng nói.

Báo cáo tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến vào chiều qua 16.12, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong các đợt bão lũ vừa qua, lĩnh vực nông nghiệp của Quảng Nam bị thiệt hại khoảng 8.679 tỷ đồng trong tổng mức thiệt hại chung toàn tỉnh hơn 10.944 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về sản xuất nông - lâm nghiệp hơn 7.459 tỷ đồng, chăn nuôi hơn 46 tỷ đồng, thủy sản hơn 174 tỷ đồng, thủy lợi hơn 947 tỷ đồng, công trình nước sinh hoạt xấp xỉ 51,2 tỷ đồng.

“Qua khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, thiệt hại nặng nhất trong bão số 9 là rừng trồng với tổng diện tích bị gãy đổ, trốc gốc khoảng 44.749ha, trong đó thiệt hại với mức hơn 70% trở lên là 29.779ha; tiếp đó là cây ăn quả lâu năm, hoa cây cảnh, thủy sản nuôi lồng bè...” - ông Tích nói.

Tập trung khôi phục sản xuất

Ông Phạm Viết Tích cho biết, thời gian qua UBND tỉnh và ngành nông nghiệp liên tục chỉ đạo, đôn đốc chính quyền các địa phương nỗ lực khắc phục hậu quả bão lũ để sớm ổn định sản xuất, đời sống nhân dân vùng bị thiên tai. Theo đó, trước mắt tận dụng đất đai, thời vụ, áp dụng phương thức trồng xen canh... để sản xuất các loại hoa màu ngắn ngày nhằm bù đắp thiệt hại do bão lũ gây ra, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng để sớm có biện pháp khắc phục, cải tạo đồng ruộng và khôi phục hệ thống thủy lợi để kịp thời đưa vào gieo trồng vụ đông xuân 2020 - 2021.

Rà soát lại toàn bộ diện tích lúa gieo cấy và nhu cầu hỗ trợ giống của địa phương, đề xuất hỗ trợ nguồn giống phục vụ sản xuất, không để xảy ra tình trạng bỏ hoang đất canh tác lúa. Đối với những diện tích đất lúa bị bồi lấp do cát, đất, sỏi... tiến hành tổng hợp, đánh giá, phân loại mức độ bồi lấp để có biện pháp khắc phục diện tích có thể trồng lúa trở lại hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Bên cạnh đó, tích cực hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật để nông dân khắc phục những vườn cây lâu năm bị ngập úng, gãy đổ.

Nhiều địa phương khẩn trương nâng cấp, sửa chữa hệ thống kênh mương để chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng. Ảnh: VĂN SỰ

Sau khi bão số 9 đi qua, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương vận động, hướng dẫn nông dân khai thác những diện tích rừng trồng từ 4 năm tuổi trở lên bị ngã đổ để có nguồn vốn tái đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn chung hiện nay là cây không đủ tiêu chuẩn nên giá thu mua rất thấp. Còn đối với những diện tích rừng nguyên liệu dưới 3 năm tuổi, thời gian qua chưa thể khắc phục được.

Trên lĩnh vực chăn nuôi, các địa phương đã và đang tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại nhằm hạn chế nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát trên đàn vật nuôi. Hiện giờ, trở lực lớn nhất trong việc tái đàn là giá con giống đầu vào cao, đặc biệt là heo giống sau dịch tả lợn châu Phi. Không chỉ vậy, qua kiểm tra cho thấy, hiện nay toàn tỉnh đang thiếu trầm trọng giống cây ăn quả, nhất là huyện Nông Sơn rất thiếu giống cây sầu riêng.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, vụ đông xuân 2020 - 2021, bên cạnh việc triển khai sản xuất hàng chục nghìn héc ta cây trồng cạn và rau đậu các loại, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức gieo sạ 42.000ha lúa, chủ yếu cơ cấu những loại giống chủ lực trung - ngắn ngày. Theo lịch thời vụ do ngành nông nghiệp thiết lập, thời gian xuống giống số diện tích lúa nêu trên bắt đầu từ ngày 30.12.2020 và kết thúc vào 10.1.2021. Do sức tàn phá của bão lụt trong năm 2020 rất lớn, lại xảy ra trong thời điểm gần nhau nên hậu quả gây ra đối với các địa phương trong tỉnh hết sức nặng nề, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn để khắc phục, đảm bảo an sinh xã hội và sửa chữa các công trình cấp bách cho sản xuất nông nghiệp.

Trong lúc nguồn lực của các địa phương còn rất hạn chế, Quảng Nam đề nghị các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm hỗ trợ địa phương khôi phục sản xuất theo Công văn số 6989/UBND-KTN (ngày 30.11.2020) của UBND tỉnh đã gửi. Theo đó, tỉnh đề xuất hỗ trợ 500 tấn giống lúa thuần, 35 tấn giống bắp, 25 tấn giống đậu phụng, 20 tấn hạt giống rau, 50.000 cây giống bưởi da xanh, 50.000 cây giống măng cụt, 500.000 cây giống quế Trà My, 500.000 cây giống dổi rừng, 10 triệu con giống tôm thẻ chân trắng, 30 tấn thức ăn gia súc, 10 tấn hóa chất Sodium chloride...

Chia sẻ với những khó khăn Quảng Nam phải gánh chịu do thiên tai gây ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các cấp, ngành của tỉnh thời gian tới tiếp tục tập trung hỗ trợ nhân dân khôi phục sản xuất nông - lâm - thủy sản để sớm ổn định cuộc sống. Để vụ sản xuất đông xuân 2020 - 2021 mang lại thắng lợi, bên cạnh việc chú trọng tập huấn chuyển giao các gói kỹ thuật tiên tiến, tỉnh cần tích cực đẩy nhanh tiến độ khắc phục hạ tầng thủy lợi nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng. Đồng thời cần đảm bảo đủ nguồn hạt giống và các loại phân bón, vật tư nông nghiệp có chất lượng tốt phục vụ nông dân sản xuất theo đúng khung thời vụ.

Trên lĩnh vực chăn nuôi gia súc - gia cầm và nuôi trồng thủy sản, ông Tiến đề nghị tỉnh tập trung thực hiện tốt khâu quy hoạch, hỗ trợ đầu tư phát triển mạnh các mô hình sản xuất hàng hóa, an toàn dịch bệnh, liên kết theo chuỗi giá trị. Ông Tiến cũng khẳng định, nếu Quảng Nam cần các loại vắc xin tiêm phòng cho đàn vật nuôi và hóa chất tiêu độc khử trùng thì Cục Thú y sẽ đảm bảo cung ứng kịp thời.

“Đối với kiến nghị của Quảng Nam về việc hỗ trợ các loại hạt giống, giống cây lâm nghiệp, giống cây ăn quả, giống cây dược liệu, con giống tôm thẻ chân trắng,... tại Công văn số 6989 do UBND tỉnh gửi, Bộ NN&PTNT và các bộ, ngành ở Trung ương sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm quan tâm giải quyết” - ông Tiến nói thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO