Biên giới mù sương...

ALĂNG NGƯỚC 17/04/2020 20:23

Chín giờ sáng. Màn sương vẫn giăng màu đục, phủ vây khắp lối mòn khu 7, khắp cánh rừng già Tây Giang. Bất chợt trong cơn gió núi, từng hạt sương mai li ti hắt qua vòm mái chòi duông, như chảy vào tận khoang tai rét buốt.

Buổi sáng, những bản làng biên giới Tây Gang chìm trong sương mù, rét buốt. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Buổi sáng, những bản làng biên giới Tây Gang chìm trong sương mù, rét buốt. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tôi theo chân những phụ nữ của làng Da Ding (xã Ga Ry, huyện Tây Giang) đến cánh rẫy. Ngọn núi chỉ cách làng chừng vài cây số, nhưng phải mất gần tiếng rưỡi đồng hồ ngược dốc. Sương mù, gió lạnh. Mỗi bước đi, như mò mẫm trong cơn rét.

“Đây là đồi rẫy của amế. Năm ngoái chỉ trồng được hơn một nghìn cây đảng sâm thôi. Chừ nó lớn rồi, mế nhổ từ chỗ này để trồng thêm phía đồi bên kia” - bà Bh’ling Thị Prinh chỉ tay về phía cánh rẫy trước mặt, khi chúng tôi vừa vượt qua con dốc dựng đứng.

Dưới tán lá rừng già, xen giữa màu xanh cây lá là những nhánh dây leo như đan vào nhau, nhiều vô kể. Cách sinh trưởng tự nhiên của loài đảng sâm thoạt nhìn chẳng khác gì những chùm dây leo mọc dại vốn rất nhiều ở núi, ở rừng. Qua bàn tay chăm sóc của người, chúng càng xanh, non mởn phủ rộng khắp triền núi dưới chân đỉnh Tà Xiên.

Chuyện trên rừng

Cuối xuân, ngọn núi Tà Xiên, nơi giáp ranh giữa Ga Ry với cụm bản Tăng Ta Lăng của huyện Kà Lừm (Sê Kông, Lào) sương che khắp lối. Nơi này, đêm xuống rất nhanh. Hôm trước, khi chúng tôi vừa đặt chân đến, đồng hồ báo 16 giờ chiều nhưng trời đã tối mịt.

Sương núi phủ vây, càng khiến màn đêm nhanh chóng rơi vào tĩnh lặng. Hơi rét đặc trưng ở rừng càng lúc buốt dần, cảm giác bàn tay cứ tê dại như có ai chườm đá. Vậy mà ngày nào bà Prinh và các phụ nữ trong làng cũng đều đến đây, ngược gió núi. Là bởi, cánh rẫy dưới chân núi Tà Xiên này, từ nhiều năm nay đã trở thành nguồn sống nuôi những gia đình.

Đó là nhờ sâm, chính xác là đảng sâm. Thứ dây leo vốn có của rừng tự nhiên, được bà con vùng cao thu hoạch, rồi lấy củ mang về ngâm rượu, nấu nước uống dần. Vị ngọt của sâm như liều thuốc bồi bổ sức khỏe, rất được đồng bào ưa chuộng. Rồi người vùng cao bắt đầu bán sản vật rừng cho các thương lái. Từ chỗ đào về để ngâm rượu uống, chẳng mấy chốc đảng sâm thành món hàng trao đổi, bán buôn, phát triển kinh tế. Đó là khoảng những năm 2010.

Cùng với ba kích, đảng sâm thịnh hành khắp thị trường Tây Giang và các địa phương lân cận. Được mùa, được giá nên đồng bào khai thác mạnh. Khi sâm tự nhiên khan hiếm dần, theo định hướng của chính quyền địa phương, nhiều hộ đã bắt đầu trồng và nhân giống sâm tại các cánh rẫy. Đảng sâm khá dễ trồng nên chỉ sau vài năm đã cho thu hoạch.

Nhờ sâm, nhiều nhà đã sắm được tivi, dựng xong nhà mới, thậm chí là sắm cả xe máy xịn phục vụ nhu cầu đi lại. “Hồi trước, cũng nhờ sâm mà amế có tiền cho con đi học, có tiền để làm nhà ở. Cũng nhờ sâm mà mua được cái này, cái kia, phục vụ cuộc sống” - bà Prinh chia sẻ.

Nhưng, thời tiết vùng cao quá khắc nghiệt, khiến sâm bệnh. Vài năm trở lại đây, do lạnh nên sâm bị thối lá, thối củ. Sợ ảnh hưởng đến chất lượng sâm, nhiều hộ dân đã khai thác dần, ngay cả khi tuổi đời sâm còn rất nhỏ. Vì thế, họ bị thương lái ép giá.

Nhớ hôm chúng tôi vừa đến Ga Ry, giữa đường tình cờ bắt gặp vợ chồng Zơrâm Nhêu cũng vừa trở về từ rẫy, sau buổi thu hoạch sâm giống. Củ sâm bé xíu, như những cây đũa, được bọc trong chiếc gùi mây. Nhêu nói, số sâm con này anh đưa về nhân giống. Mùa này, biên giới thường có mưa nên thích hợp cho việc mở rộng diện tích trồng sâm.

“Đó, sâm bán là để trong chiếc gùi bên kia. Có nhiều loại lắm. Mua không?” - Nhêu quay sang hỏi khách. Vợ Nhêu lục đục mở bọc, rồi giới thiệu. Sâm nhiều kích cỡ, giá cũng theo đó mà chênh lệch. “50 nghìn đồng có, 100 có, 200 cũng có. Thích chọn loại nào thì mình lấy” - vợ Nhêu góp lời.

Cuộc giao thương ngay giữa rừng, Nhêu nói cũng thỉnh thoảng anh mới gặp người từ dưới xuôi lên nên “bán hữu nghị”. Tôi hỏi một cán bộ biên phòng đứng cạnh đó, nhận được thông tin, giá này rẻ hơn nhiều so với giá thương lái sang tay, lời Nhêu nói là thật.

Vườn cây đảng sâm xanh mởn được trồng trên cánh rẫy của đồng bào vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Vườn cây đảng sâm xanh mởn được trồng trên cánh rẫy của đồng bào vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Những niềm riêng trắc ẩn

Sâm đã được trồng ở khắp cánh rẫy của đồng bào, một thứ tài sản như “của để dành” sau thời gian canh tác. Mỗi hộ dân, ít nhất cũng có trong tay cả nghìn gốc, ước tính giá trị khoảng vài chục triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Ga Ry - ông Zơrâm Nhưng nói sơ như vậy lúc chúng tôi gặp nhau ở trụ sở xã, để lý giải câu chuyện về sâm, về những cơ hội đổi đời của đồng bào biên giới. Thật không quá lời, dễ dàng nhìn thấy điều đó khi ghé chân vào bất kỳ ngôi làng Cơ Tu nào ở Ga Ry này.

Song tất cả không phải đều màu hồng. Khi tôi nhắc đến “lối ra” cho loại sản vật của bà con khu 7, mặt ông Nhưng chùng xuống. Ông Nhưng nói, giá trị của đảng sâm dù giúp bà con có cuộc sống đủ đầy hơn trước, nhưng nếu so sánh một cách công bằng, với công sức bỏ ra suốt thời gian gieo trồng, chăm sóc, thì những gì mắt thấy, tai nghe vẫn chưa thực sự tương xứng. Bao nhiêu năm miệt mài, bài toán kinh tế cứ tà tà - như cách nói của ông Nhưng - khiến mô hình làm giàu từ cây đảng sâm vẫn chưa phất lên một cách rõ nét.

Con đường, như một rào cản tự nhiên. Từ Ga Ry đến trung tâm huyện, ước đếm cũng chừng trên dưới 100 cây số. Đường khó, không một người dân nào ở Ga Ry muốn mang sâm xuống bán dưới thị trấn, dù mỗi ký có khi lời cả vài chục nghìn đồng. Bởi, chi phí cho công cán, xăng xe đi lại cũng không còn là mấy nên đành thôi.

Gác lại mọi chuyện bằng cách chấp nhận coi sâm như một món đồ trao đổi. Lợi ích từ sâm, vì thế cũng giảm xuống trong điều kiện gian khó vốn rất đặc trưng của vùng cao này. Chính quyền địa phương biết chuyện đó, cũng nhiều lần tính đến việc xây dựng một nhà máy công nghiệp chuyên chế biến mặt hàng nông sản, dược liệu tại chỗ. Nhưng với điều kiện của một xã biên giới, chuyện kết nối, huy động doanh nghiệp đến để đầu tư, hỗ trợ là ngoài tầm với. Và, dù muốn dù không, tất cả đều chỉ còn cách là chờ đợi phản hồi sau những lần kiến nghị với cấp trên.

Loanh quanh theo câu chuyện của làng, đảng sâm chừng như đã trở thành món hàng để đồng bào “gán nợ” cho thương lái. Trong điều kiện khó về giao thương, họ đem sâm ra trao đổi với thương lái để lấy những món hàng từ xuôi đưa lên.

Một người bạn, cũng là cán bộ xã, nói rất khó hiểu tâm lý “lạ thường” của chính người dân địa phương. Cũng câu chuyện đó, tôi lại nghe kể từ một cán bộ biên phòng. Anh thốt lên, rằng không hiểu sao mỗi khi có cán bộ xã, chiến sĩ biên phòng hỏi mua sâm để làm quà biếu, mặc nhiên giá được “hét” cao gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi giá bán mà cũng chính họ giao cho thương lái. Tất cả như một tâm lý cố hữu của đồng bào vùng cao. Phần là do họ phải lời “dụ ngọt” từ thương lái, phần khác những món hàng họ mang đi là để… gán nợ cũ, nên giá rẻ hơn nhiều.

Chưa kể, những lúc túng thiếu muối ăn, mì chính, cá khô hay mì tôm, tạp hóa luôn được chọn lựa đầu tiên để tìm đến mượn tạm. Đó là sự “qua lại” trong cuộc sống. Hơn nữa, đồng bào cũng chịu không ít áp lực khi chính đặc tính của đảng sâm - không thể bảo quản lâu sau thời gian thu hoạch - vì sợ hư nên đành bán vội.

Ríah Téc, người làng Pứt (xã Ga Ry) cũng nói như vậy, chỉ ra “thế bí” của bà con mà lâu nay không thể giãi bày. Đồng bào, dĩ nhiên cũng có lý riêng của họ. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, cứ bí thế lại bán rẻ, nhiều khi vô tình kéo dài thêm sự thua thiệt trong chính lợi nhuận kinh tế của gia đình mình. Ríah Téc nhìn tôi, bảo nếu Nhà nước huy động được doanh nghiệp đầu tư một nhà máy công nghiệp chuyên thu mua, chế biến cây đảng sâm và một số nông sản khác của bà con, biết đâu bài toán giảm nghèo ở vùng biên này sẽ được giải nhanh trong thời gian ngắn. Thật mong lắm thay!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biên giới mù sương...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO