"Lá chắn" miền biên ải - Bài cuối: Vùng biên chống dịch

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 10/04/2020 06:21

Trong nỗ lực dựng “rào chắn” chống dịch Covid-19, bà con vùng biên đã góp rất nhiều công sức cùng Bộ đội Biên phòng  (BĐBP)gia cố lớp phòng thủ nơi tuyến đầu, bằng tất cả tình cảm và trách nhiệm. Sẽ là thiếu sót, nếu không nhắc về họ, những người đồng hành.

Tổ kiểm soát trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Tổ kiểm soát trên đường tuần tra biên giới. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Gói quà ở duông

Những ngày có mặt ở chốt gác của Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang), chúng tôi gặp một người đàn ông đặc biệt. Ông là Zơrâm Nhúa, người làng Glao, vẫn được anh em gọi bằng cái tên thân thuộc là “Conh Vương” (bố của Vương - cách gọi thân thương của đồng bào Cơ Tu).

Đã nhiều ngày, Conh Vương có mặt tại chốt gác, khi thì giúp bộ đội làm lán trại, lúc mang tới vài bó củi khô cho anh em nấu bếp. Không một chút nề hà, việc gì có thể giúp, ông đều sẵn lòng.

Một sạp nứa vừa được ông dựng ngay cạnh điểm chốt, sát bên con suối, vừa để tiện theo dõi vừa đỡ bớt những khắc nghiệt “sáng nắng, chiều dông” ở vùng biên này. Ông làm, vì thấy anh em ở chốt chật chội, vất vả, bữa cơm trưa cũng phải chen chúc trong căn lán.

“Mình làm, vì việc chung. Mỗi người góp một chút sức, chỉ mong nhanh qua nạn dịch. Dù sao, đây cũng là quê, là nhà. Anh em biên phòng, nhiều người ở tuốt dưới xuôi, vẫn lặn lội lên đây, ngủ giữa rừng, canh gác cho dân làng. Mình làm sao mà đứng ngoài được, phải đồng lòng thôi”.

(Ríah Điah - dân quân tham gia chốt kiểm soát Ga Ry)

Mà không chỉ có vậy. Từ khi được nghe những thông tin về dịch bệnh, Conh Vương trở thành người tuyên truyền cần mẫn cho cả làng Glao. Từ nhà lên rẫy, gặp ai ông cũng dặn dò về việc ngừng đi lại qua bên kia biên giới, hạn chế đến làng bản khác, tránh tập trung đông người.

Ông còn nhắc thêm về việc giữ vệ sinh, thường xuyên sử dụng khẩu trang do BĐBP cấp phát. Những việc tưởng chừng nhỏ bé, nhưng đã giúp sức rất nhiều cho lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương trong thực thi các giải pháp chống dịch.

Hai mươi năm làm trưởng thôn, nay đã nghỉ, tiếng nói của Conh Vương vẫn đầy uy tín với dân làng. Khi dịch bệnh bùng phát, cán bộ Đồn Biên phòng Ga Ry gặp ông nhờ vận động thêm cho bà con về việc hạn chế qua lại thăm thân ở các thôn, bản hai bên biên giới. Người ở bản Tăng Ta Lăng (huyện Kà Lừm, Sê Kông, Lào) cũng hay sang để mua sắm nhu yếu phẩm, thông qua đường tiểu ngạch.

Nắm được chủ trương, Conh Vương đi vận động, nhất là đồng bào Cơ Tu phía bên kia biên giới. Khi tình hình phức tạp, ông “quán triệt” luôn, đề nghị bạn không qua làng. Với các nhu yếu phẩm, ông vận động bà con mua, mang lên tận duông (chòi rẫy), để đó rồi tìm cách thông báo cho bạn sang lấy về.

“Bố không giàu có gì. Bà con trong làng cũng vậy. Nhưng tình cảm anh em, bà con từ bao đời, mình sẵn sàng sẻ chia với bạn. Mua tặng bạn muối, gạo, mì chính, thức ăn khô, rồi để luôn trên rẫy, bạn cứ thế đến mang về. Vừa rồi, có một người bà con nhắn mời bố sang dự lễ mừng đám cưới. Quý lắm, nhưng bố từ chối. Mình đi được, thì bà con cũng đi, như thế vừa không đúng với chủ trương, vừa tạo thói quen không tốt cho dân làng. Thấy vậy nên bà con cũng làm theo, ở yên trong nhà, trong làng” - Conh Vương kể.

Nhiều lần đi vùng cao, chúng tôi hiểu truyền thống trọng nghĩa tình của đồng bào. Chuyện đói no đôi khi không quan trọng bằng tình cảm bà con, làng bản. Nên chuyện Conh Vương từ chối lời mời trân trọng phía bên kia biên giới, và cả cách ông vận động đồng bào thôi đi lại thăm thân, mua hàng, không khỏi khiến chúng tôi ngạc nhiên. Mà mừng, vì trong cơn đại dịch, chính những vị già làng như ông đã đứng ra kêu gọi.

Lời già làng uy lực hơn tất thảy mọi sự áp đặt. Quan trọng nhất, là ông hiểu, và tự mình làm tấm gương cho bà con. Anh em chốt gác nói, nhờ những người như Conh Vương mà bộ đội đỡ vất vả rất nhiều. Bây giờ, đã không còn chuyện bà con qua lại bằng đường mòn. Người này nói với người kia, cả vùng biên nay cùng chung tay phòng đại dịch.

Tiếp sức cùng bộ đội

Chống dịch, bà con vùng biên không đứng ngoài cuộc. Họ chấp hành những khuyến cáo của chính quyền, BĐBP. Họ theo dõi thông tin từ loa tuyên truyền lưu động, trên ti vi, đài. Và họ cũng góp sức với những người đang làm nhiệm vụ, theo cách rất giản dị của mình.

Trung tá Hoàng Thanh Hà - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry kể, tất cả chốt đóng quân kiểm soát dọc biên giới đều nhận được những món quà từ bà con, đó có thể là vài quả đu đủ, hay chỉ mớ rau rừng hái từ rẫy. Hôm trước, khi anh em ở chốt vừa sửa soạn bữa cơm, chúng tôi gặp vợ chồng Ríah Nhô gùi lên tặng bộ đội vài búp chuối rừng. Nhô nói, thấy anh em vất vả, nên góp chút ít cải thiện bữa ăn.

“Cả ngày bộ đội trực chốt, đi tuần, thời gian mô mà kiếm rau, kiếm củ. Mình không có thịt, có cá, chỉ có mấy búp chuối vừa hái từ rẫy, gửi cho anh em” - Nhô vừa nói, vừa trao tay cho bộ đội.

Các chốt kiểm soát thường xuyên được bà con vùng biên tặng thực phẩm, nông sản. Ảnh: NGƯỚC CÔNG
Các chốt kiểm soát thường xuyên được bà con vùng biên tặng thực phẩm, nông sản. Ảnh: NGƯỚC CÔNG

Người vùng cao hồn hậu. Gian khó, song bà con vẫn luôn sẵn lòng sẻ chia mọi thứ, trong khả năng của mình. Không một chút tính toán, đắn đo, họ tìm đến với bộ đội. Có thể, không nói bằng lời, nhưng cái cách gửi trao từng chút quà mộc mạc, trở thành niềm động viên lớn lao với những người ngày đêm chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch.

Như vợ chồng Ríah Nhô, như già Conh Vương, nhiều, rất nhiều tấm lòng đã tiếp sức, đồng hành với bộ đội. Và không chỉ vậy. Ở các điểm chốt, nhiều ngày qua, còn có thêm lực lượng dân quân địa phương trực chiến. Họ cũng ở suốt trong chốt, tuần tra chung, cũng gác lại bao công việc mưu sinh thường nhật. Ta Ngôn Ếp - dân quân xã Ch’Ơm, nhà chỉ cách chốt chừng nửa giờ đi bộ, song từ ngày đầu lập chốt đến nay anh chưa về nhà. Việc nương rẫy, con cái, một tay vợ lo.

“Mình ở đây, lớn lên nơi núi rừng này, nên mọi lối qua lại mình thông thuộc hết. Đồng bào biên giới là người Cơ Tu, về tiếng nói, phong tục mình cũng rành hơn anh em biên phòng. Nên lúc trực gác, tuần tra, nếu gặp bà con hai bên biên giới, cũng dễ giao tiếp, vận động hơn” - Ếp chia sẻ.

Luôn có ít nhất 2 dân quân ở mỗi điểm chốt tuần tra kiểm soát dọc biên giới. Là lực lượng được chính quyền địa phương tăng cường, họ cũng đầy tinh thần trách nhiệm, ý thức và quyết tâm như nhiều anh em khác. Có thể, sẽ ít nhiều khó khăn khi ròng rã 2 tháng trời vắng mặt ở nhà, song họ luôn xác định trách nhiệm của mình ở thời điểm bây giờ.

Ríah Điah, một dân quân khác tham gia chốt kiểm soát Ga Ry tâm sự, những ngày ở đây, đứa con trai duy nhất được gửi về cho ông bà ngoại ở tít xã Kà Dăng (Đông Giang) chăm, khi vợ anh đi làm tận TP.Hội An. Dịch bùng phát, vợ muốn về quê với con, nhưng Điah dặn ở lại, chấp hành khuyến cáo của chính quyền. Nhà cửa vắng hơi người, nhưng Điah bảo, quan trọng là làm sao cho bản làng không nhiễm dịch, bà con được an toàn.

“Mình làm, vì việc chung. Mỗi người góp một chút sức, chỉ mong nhanh qua nạn dịch. Dù sao, đây cũng là quê, là nhà. Anh em biên phòng, nhiều người ở tuốt dưới xuôi, vẫn lặn lội lên đây, ngủ giữa rừng, canh gác cho dân làng. Mình làm sao mà đứng ngoài được, phải đồng lòng thôi” - Điah cười.

Những phức tạp đã được dự lường, song chẳng ai dám khẳng định khi nào dịch bệnh bị đẩy lùi. Hiện hữu cùng họ ở nơi đó, chúng tôi nhìn thấy trong đáy mắt một niềm tin, nghe thấy sự quyết tâm trong từng câu chuyện kể. Như từng tấc chủ quyền ở đấy thôi, đã bao đời đồng bào cùng chung tay gìn giữ, cuộc chiến đặc biệt này, bằng mọi giá cũng phải giữ được an yên, vì bản làng, vì biết bao gia đình, thôn xóm ở phía sau tuyến đầu.

Cuộc chiến, có lẽ sẽ còn dài. Nhưng chúng tôi tin, lòng quyết tâm sẽ từng ngày đầy lên, đắp xây cho “thành trì” chống dịch nơi miền biên ải.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Lá chắn" miền biên ải - Bài cuối: Vùng biên chống dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO