Tam Quang và những rộn ràng chờ đợi

THÀNH CÔNG 13/10/2020 10:34

Nhiều hơn một nỗi mong cầu, tôi còn thấy cả sự háo hức lấp lánh tươi sáng của rất nhiều người dân miệt biển. Hình như, trong nỗi niềm tưởng đã phôi phai dần theo năm tháng, họ cảm nhận một tương lai khác đang đến rất gần với cuộc đời mình, với quê xứ sau bao năm. Bằng sự hối hả trên công trường nơi cảng cá Tam Quang (xã Tam Quang, huyện Núi Thành), hoàn toàn có đủ lý do để biết giá trị của sự chờ đợi ấy…

Cảng cá Tam Quang. Ảnh: T.C
Cảng cá Tam Quang. Ảnh: T.C

1. Quá nửa đời bám biển, ông Mai Xuân Văn (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang) chừng như thấu nỗi cơ cực của đời ngư phủ, nhớ luôn cả ký ức xập xệ, chen chúc nơi bến cá cũ. Đi biển trên những con tàu xa bờ, về già, vẫn gắn với nghiệp biển bằng con thuyền nhỏ, ông Văn kể, đận trước khổ lắm. Kiếm cái chỗ cập bến đã cực, gồng gánh chênh vênh mới đem được con cá lên bờ. Chợ cá nhỏ, nằm ngay bến tự phát, quanh năm ngập mùi hôi, ngư dân còn thậm khổ bởi chuyện thương lái ép giá, kì kèo. “Cực biết mấy mà kể. Gánh từng xô cá lên bờ đã mướt mồ hôi hột, nhưng rồi cũng có yên đâu. Trúng cá mực thì bị tư thương ép, mà gặp hôm mô ít, không đủ cho thương lái giành nhau, giá mới nhỉnh lên được chút. Mà cực quá, mỗi lần sửa soạn cho chuyến biển xa, bạn thuyền như tụi tui phải phụ chủ khiêng từng bao gạo, từng thùng nước ngọt lên thuyền. Rứa nên mới khao khát đợi chờ cái cảng cá to hơn, bài bản hơn. Chừ thì cảng cá khác rồi, ngó đẹp hung. Đẹp không chỉ cho cái xã, cho dân biển ni đâu, mà đẹp còn kiếm được ra tiền” - ông Văn cười.

Năm tháng tạc thêm nhiều khắc khổ trên khuôn mặt lão ngư phủ già, nhưng tiếng cười thì vẫn giòn tan như sóng. Có lẽ, không chỉ ông, mà nhiều, rất nhiều ngư dân khác có cùng niềm chờ đợi ấy. Tam Quang có đến 197 chiếc tàu có công suất hơn 250CV, trong đó có hàng chục chiếc công suất xấp xỉ 1.000CV, số lượng tàu dưới 250CV cũng khoảng hơn 160 chiếc. Sự phát triển mạnh mẽ của ngư nghiệp, ngư dân mạnh dạn vay vốn, đóng tàu lớn vươn khơi… vô hình chung tạo nên sức ép đối với cảng cá Tam Quang, vốn đã nhỏ nay càng thêm chật chội. Chỗ neo đậu để bán hải sản sau những chuyến biển dài ngày cũng còn khó, chưa tính tới chuyện an toàn khi neo trú, tránh bão gió. Rõ ràng, cảng cá cũ đã như một tấm áo quá chật so với sự bứt phá trong ngành ngư nghiệp của Núi Thành nói riêng, các địa phương ven biển Quảng Nam nói chung. Trong khi đó, hoạch định phát triển ngành thủy hải sản đã tính tới câu chuyện dài hơi hơn trong tương lai, với rất nhiều kỳ vọng mới.

Bến cập tàu liền bờ có thể phục vụ cho nhiều tàu công suất 1.000 CV, giảm bớt công vận chuyển so với bến cập xa bờ trước đây. Ảnh: T.C
Bến cập tàu liền bờ có thể phục vụ cho nhiều tàu công suất 1.000 CV, giảm bớt công vận chuyển so với bến cập xa bờ trước đây. Ảnh: T.C

2. Bà Huỳnh Thị Mỹ Dung - Chủ tịch UBND xã Tam Quang nói, có rất nhiều lý do để ngư dân mong chờ cảng cá mới. “Nếu không có một cảng cá hiện đại, quy mô, vừa có hạ tầng đáp ứng việc neo đậu cho tàu thuyền công suất lớn vừa đảm bảo về chợ, kho bãi, cung ứng hậu cần, thì rất khó để nghĩ đến một tương lai hiện đại cho nghề cá. Chuyện tư thương ép giá không mới, song thực tế cho thấy mở rộng cảng cá, đầu tư đáp ứng đủ dịch vụ, hậu cần cho nghề cá sẽ là giải pháp hữu hiệu để chấm dứt tình trạng này, để thủy hải sản do ngư dân đánh bắt  có thể đi ra nước ngoài, giá trị kinh tế sẽ cao hơn hẳn so với trước đây. Thử nhìn vào diện mạo của cảng cá bây giờ, dù nhiều hạng mục vẫn đang tích cực thi công, nhưng rõ ràng đã xóa đi cảnh nhếch nhác, chật chội, ngột ngạt của nhiều năm trước. Khang trang, đẹp hơn, và trên hết là đáp ứng được mọi yêu cầu mà người dân đang chờ đợi” - bà Dung chia sẻ.

Diện mạo mà bà Dung vừa kể, là từ cổng chào, đường hai chiều dẫn vào bến cập tàu liền bờ. Một hệ thống kho đông lạnh hiện đại, công suất lớn đã được hoàn thiện. Ngoài ra, chợ thủy hải sản đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ cho ngày khánh thành đang đến rất gần, chưa kể các hạ tầng phục vụ hậu cần nghề cá đang lấp đầy các khu vực được bố trí. Chúng tôi đi ra bến cập, một đoàn các xe đông lạnh đang nối đuôi chờ bốc dỡ cá lên xe. Phía cầu cảng vẫn còn một không gian rộng mênh mông hứa hẹn sự tấp nập khi ngư dân vẫn đang trong mùa đánh bắt. Trên công trường, xe cơ giới hối hả với những hạng mục còn dang dở. Ông Huỳnh Tấn Quang – đại diện Công ty TNHH xây dựng 150, đơn vị tư vấn giám sát dự án cho hay, trước đây, do vướng mặt bằng, dự án liên tục bị chậm trễ. Từ đầu năm đến nay, đơn vị thi công đã gấp rút thực hiện các hạng mục, hiện nay đã hoàn thiện cơ bản các tuyến đường, 4/6 phân đoạn trong thi công bến cập tàu.

Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại Thuận Nhân Phát, đơn vị chủ đầu tư khu hậu cần dịch vụ nghề cá Tam Quang (hình thức đầu tư PP) cũng đang gấp rút hoàn thiện những phần cuối cùng để đưa vào hoạt động từ tháng 10 này. Theo đại diện công ty, cơ sở hạ tầng bao gồm  điện, nước, hệ thống thoát nước, xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy…, chợ đầu mối, xưởng sơ chế và kho cấp đông, ki ốt… hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ thương mại thủy sản, hậu cần nghề cá như tên gọi của dự án, với diện tích đất sử dụng xấp xỉ 2,46ha, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng…

3. Theo quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, huyện Núi Thành là một trong 28 địa phương ven biển trên cả nước được quy hoạch cảng cá với quy mô cảng cá loại 1, lượng thủy sản đi qua là 16.000 tấn/năm. Thông tin từ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh (gọi tắt là BQL Dự án), cảng cá Tam Quang là dự án trọng điểm phục vụ nhu cầu của nhân dân, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế biển của vùng.

Ông Nguyễn Hồng Lam - Phó Giám đốc BQL Dự án cho hay, cảng cá được triển khai vào năm 2018 với quy mô diện tích khoảng 4ha, trong đó cầu cảng dài 247m, dạng bến cập liền bờ thay thế cho bến cập xa bờ trước đây, đáp ứng cho tàu có công suất lên đến 1.000CV. “Trước đây, khu vực này chỉ là bến cá tự phát, việc vận chuyển ngư lưới cụ, hàng hóa phục vụ các chuyến biển cũng như đưa hải sản vào bờ rất bất tiện do là bến cập xa bờ, phải qua nhiều công đoạn. Dự án cảng và khu hậu cần hoàn thành vừa là chợ đầu mối thu mua sản phẩm đánh bắt, vừa cung ứng hậu cần thiết yếu nghề cá, có nơi sơ chế, kho đông lạnh, tiết kiệm các chi phí khấu hao. Điều này khắc phục rất nhiều yếu tố tồn tại trước đây, mà quan trọng nhất là sản phẩm có “đường đi” nước ngoài, đáp ứng các yêu cầu gắt gao về truy xuất nguồn gốc thủy sản, tránh được việc tư thương đầu nậu ép giá, giảm khấu hao các chi phí vận chuyển trung gian, tăng lợi nhuận cho người dân. Quy mô cảng cá loại 1 giúp thu hút tàu đánh bắt xa bờ có công suất lớn của địa phương và các tỉnh lân cận, làm đầu mối tập trung và phân phối hàng thủy sản tại khu vực, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá” - ông Lam nói.

Mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch cảng cá Tam Quang còn đề cập việc hình thành khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp cảng cá Tam Hòa, đầu tư nâng cấp mở rộng đảm bảo cho 1.200 tàu thuyền có công suất đến 1.000CV neo đậu. Ngoài ra, cảng cá còn phục vụ yêu cầu nâng cao hiệu quả khu neo đậu hiện tại, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh; tạo cơ sở pháp lý cho các cấp quản lý về quy hoạch, đất đai, quản lý triển khai các dự án đầu tư cụ thể, các bước thiết kế xây dựng, giao đất và cấp phép xây dựng…

Có thể thấy ngay giá trị của cảng cá Tam Quang hôm nay trong việc đổi thay diện mạo của miệt biển Núi Thành nói riêng, hình thành một vị trí chiến lược trong hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão tàu cá cấp vùng nói chung. Một giấc mơ, đang bắt đầu thành hiện thực…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Quang và những rộn ràng chờ đợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO