Về từ nghìn trùng khơi

Phóng sự của PHƯƠNG GIANG 06/02/2019 06:56

Bao con sóng bạc đầu không ngăn được mũi tàu dân Sâm Riêng (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) vươn ra phía biển. Đi, và trở về, chai sạn đi với nắng, với sóng và gió, nhưng trong tâm khảm của mỗi ngư dân can trường, vùng biển khơi Hoàng Sa, Trường Sa vẫn luôn như một “miền linh địa” mà bao đời dân đất này đã giữ…

Nhộn nhịp cảng cá Kỳ Hà, Tam Quang (Núi Thành).  Ảnh: Phương Thảo
Nhộn nhịp cảng cá Kỳ Hà, Tam Quang (Núi Thành). Ảnh: Phương Thảo

Nghiệp biển

Ăn sóng, nói gió. Những người tôi gặp đây, ngư dân thực thụ, giọng cứ sang sảng, chuyện tuôn ra ào như sóng cuộn. Ông Năm Tôi, một lão ngư dạn dày biển giã đang ngồi trước mặt, cười rung chòm râu bạc. Ông Tôi có bộ râu “số dách” màu bọt sóng. Bao đời giong buồm đi biển, tới sau giải phóng, khi ghe tàu đã có động cơ, nhưng chạy được ra khỏi bờ chừng 50 hải lý, ông vẫn dựa vào những kinh nghiệm dân gian. “Mây vàng thì gió, mây đỏ thì mưa”, rồi ngó sao, ngó gió, tính ra tháng ra mùa mà đoán hướng. Có một chòm sao mang tên là “sao bánh lái”, vì ngư dân mỗi lần ngước lên trời đêm, nhất định phải tìm theo để dò đường. Ra khỏi bờ, cứ đến khi “Nhọn Ló” và hòn Ông (Cù Lao Chàm) thành “đôi mí”, tức là chạm nhau, là biết đã đến nơi.

Đi biển khổ, thứ giá trị nhất của ngư dân, là kinh nghiệm. Những ngư dân lão làng ở đây, ai cũng thuộc nằm lòng tọa độ đánh bắt bằng câu ca “Hòn Kiệu bá vai, Sơn Trà lấp ló”. Là bãi Cả, nơi nổi tiếng cá nhiều. Ngư dân dong tàu ra biển, nhìn ngược vô bờ, cứ thấy Hòn Kiệu của Cù Lao Chàm lộ chóp núi như bả vai, lại thấy Sơn Trà ló ra, thì dứt khoát là đích. Không có máy, tất cả đều đánh bắt thủ công bằng những tấm lưới cá. Ông Nguyễn Hùng, người làng Sâm Riêng kể, để đánh bắt, ngư dân chở theo mấy “cây chà”, dưới cột đá nặng, trên là tre, lá để làm nơi trú ẩn cho cá. Để cột chà, phải ngâm vỏ dừa, đập ra tước sợi, bện dây. Họ thả câu ngay gần chà, câu thăm để dò cá, hoặc ngó tăm cá nổi lên mà lựa giờ đánh. Ông Hùng giơ đôi bàn tay to thô ráp ngang mặt, khua khua diễn tả. Năm tháng và sóng gió như tôi rèn, cứ mỗi lần hướng về phía xa khơi, mắt ông Hùng không chớp. Tôi nhớ có câu nói, đại ý thứ gì không giết được mình, sẽ làm mình thêm mạnh mẽ. Với ông Tôi, ông Hùng và những ngư dân ở nơi này, thứ đó có lẽ là sóng và gió.

Ngư dân Sâm Riêng sửa soạn lưới, chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới.Ảnh: Thành Công
Ngư dân Sâm Riêng sửa soạn lưới, chuẩn bị cho một mùa đánh bắt mới.Ảnh: Thành Công

Nụ cười bên chân sóng

Cuối năm. Tôi về làng Sâm Riêng, đi ngang qua một căn nhà trong xóm, thấy chật kín người ngồi đan lưới. Lưới tràn từ phòng khách xuống kín hành lang nhà dưới. Cả chục người, tay cứ thoăn thoắt ngồi vá lưới. Mùa này biển động, tàu nằm bến, phải đến qua rằm tháng Giêng mới xuất hành. Những người đàn bà biển luôn có việc để làm. Mùa nắng thì chạy chợ bán cá, làm đông lạnh. Mùa này thì vá lưới. Bà Nguyễn Thị Vinh (59 tuổi) cười rổn rảng, không vá lưới thì ai kêu là dân biển nữa. Bây giờ, tàu cá cũng đã “lên đời”, công suất lớn và máy móc hiện đại. Thì đây, cả đội tàu ở Sâm Riêng đã gần 90 chiếc, tổng công suất hơn 30 ngàn CV. Chiếc lớn nhất ở làng lên đến 822 CV, phần đông còn lại cũng hơn 400 CV. Cả làng làm nghề biển, không ra khơi đánh bắt, cũng làm dịch vụ, buôn bán phục vụ cho nghề biển. Đội tàu ở Sâm Riêng đã chiếm 40% tổng công suất của xã. Tam Quang có 161 chiếc tàu trên 90 CV, thì ở Sâm Riêng, con số này đã là 65. Hai nghề chính ở làng, là lưới vây và câu mực khơi. Những người đàn bà như bà Vinh, ngày xưa chỉ chờ ghe về để bán cá, mực, nay thì không hết việc. Thay cho những giấc ngủ chập chờn nơi bến cá lúc bình minh, gục đầu vào gối, đàn bà biển nay có đủ việc để làm. Những nụ cười bên chân sóng, khi đã bớt đi nhiều cơ cực..

Ở bến thuyền, tôi gặp ông Trần Hữu (52 tuổi), chủ tàu câu mực khơi TS 91567 vừa leo trở lên từ khoang máy, tay chân còn lấm lem dầu. Ông Hữu nói, làm biển giờ đỡ khổ, nhờ máy móc một phần, nhờ thêm chuyện Nhà nước hỗ trợ dầu cho ngư dân hoạt động. Tàu ông Hữu có công suất 409 CV, đánh bắt xa bờ chừng hơn 100 hải lý, mỗi chuyến đi nhanh nhất cũng mất 20 ngày, có khi vài ba tháng lênh đênh trên biển. “Cái khó, là tìm bạn biển. Giờ thanh niên chọn đi vô nhà máy hết, ít người đi biển, vì cực. Kiếm bạn biển cực như chi, chủ tàu phải chiều bạn hết nấc. Bạn muốn sắm sửa cái này cái kia, là chủ phải chạy kiếm tiền đưa cho ứng. Được cái, ngư dân rất đoàn kết. Chia nhau điểm khai thác, chia dầu, nước, thức ăn, có lúc bị nạn thì cũng chính bà con mình hỗ trợ nhau đầu tiên, trên biển” - ông Hữu kể. Đi biển từ hồi 14, 15 tuổi, ông Hữu nói, cứ ra biển là thấy đời tự do. Ba đứa con ông, đứa nào cũng đặt tên lót bằng chữ “Hải”: Hải Viên, Hải Việt, Hải Trang. Hải Việt theo cha, gắn đời mình với biển. Ông tự hào về cả ba đứa con, dù có lúc, ông cũng muốn cậu con trai thứ hai rời biển để bớt cơ cực. Nhưng cũng như cha, những mênh mông ngoài kia luôn có sức hấp dẫn lạ kỳ, với Việt.

“Thương hiệu” của làng biển

Gió rát mặt. Mùa biển động, gió thổi qua những con thuyền, nghe âm vọng u u loang ra cả một trời nước nơi bến. Tôi nhớ tiếng trống lễ đầu năm ở Sâm Riêng. Đoàn tàu rước thần Nam Hải từ từ xuất bến trong tiếng chiêng trống vang vọng khắp một vùng cửa biển. Ra đến cửa An Hòa, đội tàu dừng lại và chủ lễ thực hiện các nghi thức truyền thống với lễ vật, hương đèn… Biển, ngoài tình yêu, còn là một tín ngưỡng, mà dân Sâm Riêng đã nguyện gắn niềm tin vào đó. Không ai vắng thiếu. Họ có mặt từ rất sớm, thành kính, nghiêm cẩn trong từng giờ, từng phút làm lễ, rồi cũng chính họ hồ hởi, hết mình trong phần hội đua thuyền. Nhiều năm rồi, lễ cầu ngư ở Sâm Riêng trở thành một “thương hiệu” của miền biển xứ Quảng.

Ông Lê Văn Trình - Bí thư chi bộ thôn, nguyên là Phó Chủ tịch xã Tam Quang kể, là lễ của thôn, nhưng năm nào cũng có các đội ghe từ Duy Xuyên, Thăng Bình, Tam Kỳ… về dự hội. Lễ lớn, rất bài bản, chỉ thiếu mỗi hát bả trạo vì… đường chật quá, không đủ chỗ để đội bả trạo xếp đội hình đứng hát. “Lễ đã đông, hội còn đông hơn. Nhiều bà hăng lắm, lội ra ngang ngực, cầm nón mà khoác nước để cổ vũ. Đó là phần hồn của làng Sâm Riêng này. Tâm linh là thứ gì đó khó lý giải, nhưng dứt khoát là đặc trưng. Như tôi, một thời đi biển, tàu được cá ông dựa, nhờ đó mới biết thả lưới bị cạn, sửa lại thì trúng lớn. Hay như chuyện ra biển lỡ làm bể cái chén, dù đi mất 3 tháng trời nhưng cũng phải lượm gọn, bỏ vô góc, lên bờ mới được bỏ, tuyệt đối không vứt dưới biển” - ông Trình giảng giải. Tôi đã từng nghe qua về những điều ông Trình kể. Một niềm tin kỳ lạ. Thẳm sâu trong hội, trong lễ cầu ngư, trong những quan niệm nặng tính tâm linh của dân nơi này, là tình yêu và sự tôn thờ, với biển.

Biển vẫn xanh, dù bao thế hệ ở làng giờ tay đã mỏi như mái chèo già. Ngoài kia, phía chân trời, sóng vẫn ầm ào lời gọi mời từ phía biển. Tàu của làng neo thành một dãy dài phía bến, chồm lên theo từng gợn sóng. Chúng, đã trở về từ nghìn trùng khơi ngoài kia, như những chú ngựa chồn chân chờ đạp sóng đến những vùng biển xa nhất của Tổ quốc. Những lá cờ Tổ quốc reo phần phật trong gió, hẹn qua rằm tháng Giêng. Phía trước, một hải trình dài đang chờ đợi…

Phóng sự của PHƯƠNG GIANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về từ nghìn trùng khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO