Hội quán Quảng Đà

CHÂU NỮ - PHI KHANH 29/12/2014 09:19

Chị Phan Thị Thùy Trang - một người con của Quảng Nam hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh đã gửi tình yêu quê hương trong từng món ăn đậm đà chất Quảng ở tại Hội quán Quảng Đà của mình. Ngay cả việc đặt tên quán  cũng đã chất chứa tâm tình với quê hương của chị.

Thực khách đến Hội quán Quảng Đà. Ảnh: CHÂU KHANH
Thực khách đến Hội quán Quảng Đà. Ảnh: CHÂU KHANH

Hội quán Quảng Đà của chị Trang có không gian mang phong cách của phố cổ Hội An. Những món ăn thuần Quảng ở hội quán giữa Sài Gòn hoa lệ không chỉ là nơi lui tới của những người Quảng xa quê, mà còn mời gọi những thực khách mọi miền mê món ăn mang hương vị Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung.

Khởi đầu nan

Gửi 2 con ở lại quê nhà cho cha mẹ ruột, năm 1998, từ thôn Bàu Tròn, xã Đại An (huyện Đại Lộc) chị Phan Thị Trang vào TP.Hồ Chí Minh lập nghiệp. Đó cũng là một trong những cách để chị quên đi cuộc hôn nhân trắc trở của mình, đồng thời cũng để kiếm tiền nuôi dạy 2 con ăn học khi không nhận được sự trợ cấp của người chồng cũ. Ngặt một nỗi, mới đặt chân đến TP.Hồ Chí Minh hôm trước, thì hôm sau chị đã phải nhập viện vì bị đau ruột thừa. Xuất viện sau hơn 10 ngày nằm viện, chị không còn một đồng dính túi, đành phải tá túc nhà em gái.

Khi sức khỏe dần hồi phục, chị bán rau ở chợ để đắp đổi qua ngày. Sau đó lang thang tìm việc và cuối cùng xin phụ việc ở một cửa hàng hoa tươi. Vừa phụ việc, chị vừa mày mò học nghề cắm hoa khi rảnh rỗi. Từ những cành hoa héo và các giỏ hoa cũ, chị Trang cặm cụi tập cắt, tỉa, cắm đi cắm lại cho đến khi được giỏ hoa ưng ý. Mải miết “học lóm” như thế, sau 5 năm phụ việc, tay nghề chị đã vững. Hoa chị cắm không những đẹp hơn những người được học hành bài bản mà còn có sự sáng tạo nên được khách hàng ưa chuộng. Khi đã dành dụm được ít vốn liếng, năm 2003, chị Trang bắt đầu “ra riêng”. Để có bước tiến dài từ người làm công đến bà chủ cửa hàng hoa là cả một quá trình tự phấn đấu của chị. Thương chị vất vả, hoa chị cắm lại rất đẹp nên nhiều người tìm đến mua để ủng hộ. Cứ thế, chị Trang vùi mình vào công việc để quên bớt nỗi nhớ con và cũng để có tiền hằng tháng đều đặn gửi tiền về quê nuôi con. Chị Trang tâm sự: “Nhiều khi, sau một ngày làm việc mệt nhọc, tối trở về phòng trọ trong cảm giác cô đơn, thương nhớ con, mình rất nản... Nhưng cũng nhờ có con cái làm động lực nên mình phải cố gắng. Ơn trời, 2 đứa con của mình đều học giỏi, chăm ngoan”.  Hiện nay cậu con trai đầu của chị làm việc ở một công ty công nghệ về quản lý môi trường và đang tiếp tục học cao học; cô con gái út cũng vừa tốt nghiệp đại học và đã có việc làm.

Vào năm 2013, nhiều người mở cửa hàng hoa tươi, việc buôn bán gặp khó khăn, chị Trang nghĩ đến chuyện chuyển hướng kinh doanh. Thế là Hội quán Quảng Đà ra đời, tại địa chỉ 55A1 đường Nguyễn Văn Đậu, phường 6, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh.

Hương vị Quảng ở Sài Thành

Lúc đầu việc bán quán ăn không được thuận lợi khi chỉ có người quen, bạn bè ủng hộ. Tìm hiểu, chị được biết, vì nghe cái tên “hội quán”, cùng với việc bài trí không gian khá sang trọng, nhiều người nghĩ nơi đây chỉ dành cho khách hạng sang nên người bình dân không ghé. Sau khi chị ghi bảng giá từng món ăn với mức giá bán bình dân, thực khách bắt đầu ghé hội quán của chị. Anh Võ Văn Vĩnh - quê Hội An chia sẻ: “Mình rất thích không gian ở Hội quán Quảng Đà vì được thiết kế giống như không gian ở phố cổ Hội An với lồng đèn treo chung quanh nên mình có cảm giác như đang ngồi tại quê nhà. Hơn nữa, mỳ Quảng ở đây đậm đà hương vị Quảng, rồi những món khác như bánh bèo, bánh đập, bánh bột lọc, bún mắm, nhộng trộn hoa thiên lý, lòng xào nghệ, mít trộn... được chế biến theo kiểu Quảng Nam nên mình và bạn bè ghé quán thường xuyên”. Anh Nguyễn Văn Danh - quê Đại Lộc, thực khách quen của hội quán cũng chia sẻ rằng, mỳ Quảng ở đây rất ngon, đậm đà “chất” Quảng. “Mình từng ăn mỳ Quảng nhiều nơi nhưng vẫn thích mỳ ở Hội quán Quảng Đà hơn vì nước nhưn rất đậm đà, đặc biệt rau sống thì không chê vào đâu được. Hơn nữa, đây cũng được xem như là điểm “tập kết” của những người Quảng xa quê nên vào dịp cuối tuần mình thường đưa gia đình, bạn bè đến đây để thưởng thức các món ăn Quảng cũng là cơ hội để gặp gỡ đồng hương” - anh Danh nói. Không chỉ người Quảng, nhiều cư dân đến từ các địa phương khác, có cả người nước ngoài, sống và làm việc tại thành phố cũng trở thành khách quen của hội quán.

Chị Trang cho biết, để có được hương vị thuần Quảng giữa TP.Hồ Chí Minh, chị lấy mỳ từ chính tay người Quảng Nam vào đây mở lò tráng. Rau sống (cải con, húng lủi và các loại rau mùi khác) cũng được lấy từ nhà vườn, mà chủ cũng là người Quảng Nam vào đây lập nghiệp, thuê đất trồng rau. Bắp chuối, củ nén, dầu phụng, mít non... cũng được chuyển từ quê vô bằng đường hàng không. Toàn bộ người phục vụ trong Hội quán Quảng Đà của chị Trang đều đến từ Quảng Nam. Cảm động nhất là khi đọc báo Quảng Nam, biết trường hợp khó khăn của chị Đào - mẹ “cô sinh viên tí hon” vượt khó, học giỏi Võ Thị Thanh Thảo, quê Đại Đồng (Đại Lộc), chị Trang đã mời chị Đào về phụ ở quán, lo ăn ở, tạo điều kiện để chị kiếm tiền nuôi Thảo ăn học. Còn các trường hợp khác giúp việc ở quán chị cũng đều có hoàn cảnh éo le trong cuộc sống như chị Nở (quê Núi Thành), chị Khương (quê Đại Lộc)... Và có lẽ cũng vì vậy mà càng ngày, trong tâm khảm của nhiều người Quảng xa quê, Hội quán Quảng Đà không chỉ đơn thuần là quán ăn mà còn là hội quán đúng nghĩa của những người Quảng Nam biết sẻ chia, đồng cảm, yêu quê hương, yêu cái chân chất mặn mà quê xứ...

CHÂU NỮ - PHI KHANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội quán Quảng Đà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO