Đi tìm chân dung Võ Quảng

NGỌC KẾT 02/09/2020 04:53

Năm 2020, tròn 100 năm ngày sinh nhà văn Võ Quảng (1920 - 2020), người con của mảnh đất xã Đại Hòa, Đại Lộc. Ông là nhà văn dành trọn quãng đời văn chương của mình để viết cho thiếu nhi với quan niệm: “Viết cho thiếu nhi là niềm vui và lẽ sống của tôi”. Đóng góp lớn của ông cho nền văn học thiếu nhi Việt Nam đã được ghi nhận xứng đáng bằng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật năm 2007 cũng như nhiều danh hiệu khác.

Võ Quảng (ngồi, thứ 2 từ trái qua) và Tô Hoài (ngồi, thứ 4 từ trái qua) với các lưu học sinh, sinh viên Việt Nam tại Liên Xô.
Võ Quảng (ngồi, thứ 2 từ trái qua) và Tô Hoài (ngồi, thứ 4 từ trái qua) với các lưu học sinh, sinh viên Việt Nam tại Liên Xô.

1. Võ Quảng sinh ngày 1 tháng 3 năm 1920, tại làng Thượng Phước, xã Đại Hòa, trong một gia đình nhà nông đông anh em. Cha ông - cụ Võ Nhượng là người thích chữ nghĩa, đọc sách thuốc, làm câu đối và giữ gìn nền nếp nho giáo.

Chúng tôi theo chân ông Võ Hữu Tiến (cháu gọi nhà văn Võ Quảng bằng chú ruột) tìm về nơi ngày xưa là trường làng Mỹ Hòa, ngôi trường đầu tiên Võ Quảng theo học. Dấu tích của trường giờ không còn, nhưng có lẽ, những bài học đầu đời ở đây đã trở thành hành trang vững chãi để cậu học trò Võ Quảng vượt ra khỏi ngôi làng Thượng Phước đến với những chân trời rộng mở… Và, chân trời đầu tiên là ngôi trường Quốc học Huế ông theo học từ năm 1935. Từ ngôi trường này, Võ Quảng bước chân vào con đường cách mạng với các phong trào như Thanh niên dân chủ, Thanh niên phản đế… diễn ra mạnh mẽ trong học sinh Huế giai đoạn này.

Tháng 9 năm 1941, khi đang thi tú tài phần I, Võ Quảng và nhiều thành viên của phong trào đấu tranh bị mật thám Pháp bắt giam ở nhà lao Thừa Phủ. Sau đó, ông bị chuyển qua các nhà tù ở Huế, Điện Bàn, Hội An và cuối cùng đưa về quản thúc vô thời hạn tại quê nhà Thượng Phước. Không kể những năm tháng tuổi thơ thì đây là khoảng thời gian Võ Quảng sống lâu nhất với quê hương. Là cháu ruột nhà văn, ông Võ Hữu Tiến khá tường tận về giai đoạn này của chú mình qua lời cha mẹ kể. 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh trao Huân chương Độc lập cho nhà văn Võ Quảng.
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh trao Huân chương Độc lập cho nhà văn Võ Quảng.

Bốn năm bị quản thúc tại quê nhà, từ 1941 đến 1944, có lẽ là khoảng thời gian trống rất quý báu đối với chàng thanh niên Võ Quảng. Sự dừng lại, chiêm nghiệm và mở ra những hiểu biết mới mẻ qua từng trang sách đã tạo nên một Võ Quảng vững vàng hơn trong tư tưởng, lập trường cách mạng và trong suy nghĩ để lựa chọn con đường tiếp theo của mình.

Cuối năm 1944, phong trào cách mạng lên cao, Võ Quảng quyết định trốn khỏi nơi quản thúc để hòa vào không khí sôi sục của cách mạng trên khắp dải đất miền Trung. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, từ Huế, Võ Quảng được nhà cách mạng Trần Tống đưa về làm công tác tư pháp ở Đà Nẵng rồi làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính - kháng chiến, sau đó là quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP.Đà Nẵng.

Nhà nghiên cứu lịch sử Bùi Xuân - nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Võ Quảng đã có những đóng góp rất lớn đối với TP.Đà Nẵng. Ông phụ trách công tác hành chính khi chỉ mới 26 tuổi, tập hợp một lực lượng trẻ hăng hái lao vào công việc ổn định đời sống nhân dân, đề xuất và thực hiện những biện pháp mới trong quy hoạch dân cư, tìm kiếm nhân tài về kiến trúc lo chuyện xây dựng thành phố tương lai… Tất cả những việc ấy được ông và cộng sự làm một cách khoa học và có hiệu quả... tạo nên sự ổn định về mọi mặt cho chính quyền thành phố lúc còn non trẻ.

2. Những đóng góp to lớn của Võ Quảng cho cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa rồi cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, đã được Đảng và Nhà nước ghi công xứng đáng bằng nhiều huân chương, huy chương cao quý. Nhưng điều Võ Quảng khiến người ta ngạc nhiên là việc ông lựa chọn con đường đi riêng của mình khi đất nước hòa bình. Võ Quảng quyết định bước vào bầu trời văn chương mà mình hằng yêu thích: viết văn cho thiếu nhi.

Giáo sư Phong Lê - nguyên Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam, một người từng gắn bó thân thiết với nhà văn Võ Quảng nói rằng: “Võ Quảng quyết định chuyển sang viết văn ngay khi ra Bắc lúc kháng chiến chống Pháp kết thúc. Viết văn mà lại viết cho thiếu nhi, mảng đề tài không dễ lập danh? Tôi cho rằng, Võ Quảng đã suy nghĩ rất kỹ, đã quyết định đánh cược cuộc đời mình cho văn học thiếu nhi”.

Lý giải cho quyết định này, nhà văn Võ Quảng từng nói: “Ta có thể làm được rất nhiều việc, nhưng chăm sóc cho con trẻ là việc đáng cả một đời…”. Dù là Tổng Biên tập đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng rồi Giám đốc Xưởng phim hoạt hình Việt Nam hay Ủy viên Ủy ban Thiếu niên - nhi đồng Trung ương..., Võ Quảng đều dành hết tình yêu, trí tuệ và tâm huyết cho thiếu nhi. Vừa viết văn, làm thơ, ông vừa trực tiếp bồi dưỡng và tập hợp xung quanh mình đội ngũ viết văn đầy sung mãn cho lứa tuổi này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, không giấu được niềm vui khi trò chuyện với chúng tôi về Võ Quảng. “Ông không chỉ là một nhà văn lớn viết cho thiếu nhi mà nhiều năm liền với vai trò Trưởng ban Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều năm tham gia trong Hội đồng chấm sáng tác cho trẻ em ở Báo Thiếu niên, ở Nhà xuất bản Kim Đồng, bằng cách đó ông phát hiện rất nhiều tài năng văn học thiếu nhi và nhiều cây bút thơ thiếu nhi, trong đó có tôi. Tôi rất biết ơn ông!” - nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

“Võ Quảng đã góp phần rất lớn tạo nên một nền văn học cho thiếu nhi Việt Nam. Điều đặc biệt, Võ Quảng viết cho thiếu nhi nhưng người lớn đọc rất thích. Người ta đọc tác phẩm của ông, nhớ lại tuổi thơ của mình và tìm thấy trong tuổi thơ ấy cái năng lượng tinh thần để đi tiếp trong cuộc đời... Đó là cống hiến rất hay của nhà văn Võ Quảng…”. 

(Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch 

Hội Nhà văn Việt Nam)

3. Bắt đầu bằng tập thơ “Gà mái hoa” in năm 1957, Võ Quảng bước vào thế giới tuổi thơ bằng những trang thơ đầy ắp sắc màu cuộc sống với âm thanh sống động, hình ảnh trong trẻo, đáng yêu và ngộ nghĩnh. Các tập thơ như “Thấy cái hoa nở” (1962), “Nắng sớm” (1965), “Anh đom đóm” (1970) hay “Măng tre” (1971)... là những hình ảnh rất thân quen, gần gũi với lứa tuổi thiếu niên - nhi đồng. Võ Quảng viết thơ cho thiếu nhi rất giản dị, dạy trẻ con những điều gần gũi với cuộc sống xung quanh mình.

“Các em được dạy nhưng không có cảm giác mình được dạy. Đây chính là cách dạy trẻ hiệu quả nhất, và Võ Quảng đã cho chúng ta kinh nghiệm này” - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.

Khởi đầu là thơ, nhưng văn xuôi theo như nhận xét của nhiều nhà văn mới là thể loại làm nên sự “lộng lẫy” trong văn học dành cho thiếu nhi của Võ Quảng và thể hiện một tình yêu mãnh liệt dành cho quê hương. Kể từ truyện vừa “Cái Thăng” (in năm 1961), “Chỗ cây đa làng” (1964), “Cái Mai” (1967)…, cho đến “Quê nội” (1973) và “Tảng sáng” (1978) là bước tiến dài trong thủ pháp viết truyện cho thiếu nhi của Võ Quảng.

Không gian văn học của tập truyện “Quê nội” là ngôi làng Thượng Phước nằm ven sông Thu Bồn bắt đầu từ những ngày Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất. Thế giới nhân vật ở ngôi làng Thượng Phước đã làm nên một xã hội sống động, được nhìn qua lăng kính trẻ thơ và có ý nghĩa mở rộng tầm mắt trẻ. Nhà văn Tô Hoài từng so sánh “Quê nội” với các tác phẩm hay viết cho thiếu nhi như “Chiếc cáng xanh” của Lưu Trọng Lư, “Phấn thông vàng” của Xuân Diệu và cho rằng “Quê nội” của Võ Quảng có vẻ đẹp cao rộng hơn.

Sau “Quê nội”, tác phẩm “Tảng sáng” là những trang viết dằng dặc và cuồn cuộn dòng Thu Bồn với vẻ đẹp của một biểu tượng xứ Quảng. Hai tác phẩm là sự kết tinh và thăng hoa của kinh nghiệm sống, của tài năng và bản lĩnh nghệ thuật Võ Quảng, được đánh giá là  điểm sáng sinh động trong nền văn học viết cho thiếu nhi Việt Nam.

Giáo sư Phong Lê khẳng định: “Riêng bộ truyện “Quê nội” và “Tảng sáng” đủ để nói về giá trị của một nhà văn lớn ở thế kỷ 20. Bộ truyện là sự tri ân cách mạng Tháng Tám. Ngôi làng Thượng Phước Đại Lộc đã trở thành địa danh có ý nghĩa văn học tương tự như làng Vũ Đại của Nam Cao, làng Thiền Vinh của Nguyễn Bính hay Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử”.

4. Cuộc đời nhà văn Võ Quảng là một câu chuyện lạ. Ông sinh ra ở Quảng Nam, hoạt động cách mạng ở Huế - Đà Nẵng, làm việc tại Hà Nội. Và, khi “xong việc”, ông cùng vợ đã chọn mảnh đất êm đềm Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc để yên nghỉ ngàn thu.

Võ Quảng đã đi về miền mây trắng tròn 13 năm, nhưng tác phẩm và tình yêu thương của ông dành cho thiếu nhi mãi còn ở lại trong trái tim nhiều thế hệ tuổi thơ trên mọi miền đất nước. Họa sĩ Nguyễn Việt Hòa vì đem lòng yêu quý thơ Võ Quảng từ nhỏ mà dành hết thời gian và tâm trí để hình thành nên Câu lạc bộ “Cốc cốc cốc” nơi miền quê Yên Nghĩa, Hà Đông ngoại thành Hà Nội. Câu lạc bộ với nhiều hoạt động như vẽ tranh, làm thơ, kỹ năng sống, hoạt động xã hội “đi khắp miền làm việc tốt”, như là cách để lan tỏa tình yêu con trẻ mà nhà văn Võ Quảng đã làm. Và, ngay ở ngôi làng Thượng Phước, đã hình thành tủ sách mang tên nhà văn Võ Quảng do người cháu Võ Hữu Tiến gầy dựng, để tuổi thơ ở quê ông được đắm chìm trong không gian bàng bạc chốn quê của gần 100 năm về trước, được khắc họa đậm nét trong “Quê nội” và nhiều trang văn, vần thơ khác của Võ Quảng.

Nhà văn Võ Quảng đã chọn được cho mình con đường đi rất đẹp - viết cho tuổi thơ. Và, nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Ai chơi được với trẻ con, người đó sẽ bất tử”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đi tìm chân dung Võ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO