Đình Lạc - những khoảnh khắc còn lại

TRẦN TRUNG SÁNG 23/02/2020 08:02

Đình Lạc quê ở làng Kim Bồng, Hội An. Năm 8 tuổi anh theo gia đình ra Đà Nẵng. Lớn lên, anh trải qua nhiều nghề: giáo viên, kinh doanh, du lịch; đến gần 40 tuổi, Đình Lạc mới gặp đúng duyên nghiệp của mình: nhiếp ảnh. Anh là người năng động, lưu giữ được rất nhiều tư liệu ảnh quý về Quảng Nam, Đà Nẵng, đồng thời cung cấp hình ảnh cho nhiều tờ báo lớn…

Một bức ảnh đề tài Mùa Xuân của Đình Lạc.
Một bức ảnh đề tài Mùa Xuân của Đình Lạc.

Sinh thời, bộc bạch về mình Nguyễn Đình Lạc thường nói: “Thực sự tôi cảm thấy chưa dành cho ảnh nghệ thuật một ngày nào, bởi vì công việc, những chuyện cơm áo… Tôi muốn làm sao cuối đời có thể lưu lại một tác phẩm đúng nghĩa nghệ thuật”. Dường như số mệnh đã dẫn dắt Đình Lạc bước vào một lối đi riêng, trở thành một tay bấm máy thời sự, gắn liền với những diễn biến của những mảnh đất, con người.

Từng biết Đình Lạc là người cung cấp nhiều hình ảnh độc đáo cho các bộ sách tư liệu, thế nhưng, tôi thật bất ngờ và thú vị mỗi khi nhìn lại tập sách “Nguyễn Văn Xuân – một người Quảng Nam” (Nxb Thời Đại, 2010). Bởi, toàn bộ hình ảnh chân dung và những hoạt động liên quan đến nhà nghiên cứu nổi tiếng này trong tập sách đều thực hiện qua góc nhìn Đình Lạc, như các bức ảnh: “Thầy Xuân tại quán cà phê thường ngày”, “Thầy Xuân trước đình Hải Châu”, “Thầy Xuân bên cạnh GS.Phan Huy Lê, nhà văn Sơn Nam”… Có thể nói đó là những khoảnh khắc rất diệu kỳ và đầy cảm xúc, chỉ với một người cầm máy biết yêu quý, trân trọng, gắn bó suốt thời gian dài với nhân vật ảnh mới có thể có được.

Ông Lê Cảnh Hưng, nguyên Chánh văn phòng Liên hiệp Các hội KHKT Đà Nẵng cũng nói: “Đình Lạc là một nhà nhiếp ảnh thời sự năng động, thu thập, lưu giữ tài liệu rất tài. Hồi chúng tôi thực hiện tập sách “Hai mươi năm trưởng thành và phát triển của ngành xây dựng Quảng Nam - Đà Nẵng”, trong số hơn 500 bức ảnh, thì Đình Lạc đã tham gia hơn 400 bức”.

“Ảnh của Đình Lạc không cầu kỳ, nhưng đa dạng về đề tài, chặt chẽ về bố cục, đẹp về ánh sáng. Người xem thích thú khi nguồn sáng vừa đủ lột tả khung cảnh vừa tĩnh lặng lầm lũi của thế giới hành đạo trong “Vạn nẻo đồng quy” hay “Buổi đầu học đạo” (tác phẩm đoạt giải môi trường toàn cầu Tokyo năm 2001). Hay, một đêm Trường Sơn huyền thoại với hơn 10 ngàn ngọn nến đồng loạt thắp sáng trên các phần mộ anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Trường Sơn đã khiến người xem không khỏi bồi hồi xúc động. Dù là ở góc rộng hay hẹp, nguồn sáng… thuận hay ngược, đen tối hay mờ tỏ, người xem vẫn cảm nhận được vị mặn của sự khổ công tìm kiếm trong những tác phẩm ảnh của Đình Lạc” (Trích lời bình phim về Nguyễn Đình Lạc do Ban văn nghệ của đài DRT thực hiện).

Vào khoảng năm 2003, Đình Lạc may mắn có dịp thực hiện chuyến đi biển kéo dài 2 tháng, đã tận mắt tiếp cận và ghi vào ống kính 79 ngọn đèn biển của Việt Nam. Trong đó, có 8 hải đăng có tuổi hơn 100 năm, do người Pháp để lại, đến nay vẫn tiếp tục hoạt động.

Chị Huỳnh Yên Trầm My, biên tập viên Nhà xuất bản Đà Nẵng nhắc lại những ấn tượng về Đình Lạc: “Đình Lạc có tố chất của người phóng viên ảnh: xông xáo, chọn đúng thời điểm để bức ảnh mang dấu ấn lịch sử của nó. Anh lại như người làm sử, không bằng chữ mà bằng hình ảnh, lại có tư duy làm sách. Anh theo đuổi một chủ đề dưới nhiều góc cạnh, theo tuyến thời gian và không gian...”.

Chị kể, trong tập sách Những di sản thế giới ở Việt Nam (Nxb Đà Nẵng), Đình Lạc là người cung cấp nhiều hình ảnh tài liệu, không chỉ Quảng Nam, Đà Nẵng mà còn nhiều nơi trên thế giới. Khi làm những tập sách địa chí Quảng Nam, tìm kiếm các hình ảnh liên quan, thì khó có thể ai có ngoài Đình Lạc.

“Không dễ có được mấy phóng viên ảnh ròng rã hàng tháng trời lênh đênh trên biển để ghi lại hình ảnh gần như đầy đủ mấy chục ngọn hải đăng của đất nước mình. Chúng tôi có kế hoạch bắt tay vào làm tập sách ảnh “Những ngọn hải đăng” thì... tiếc thay, chưa thực hiện được bản thảo, anh đã không còn” - Chị Trầm My nói.

Trong những năm gần đây, do sức khỏe yếu kém, Đình Lạc không thể đi lại đó đây, nên thỉnh thoảng có dịp, chúng tôi vẫn thường ghé đến thăm anh. Những lần như vậy, Đình Lạc rất xúc động, bày tỏ, nếu sức khỏe phục hồi, anh sẽ tiếp tục thực hiện cuộc triển lãm về chân dung khoảnh khắc của 100 nhân vật mà anh ấn tượng nhất. Không ngờ, những ước vọng đó của anh cũng dở dang, bởi cuối năm 2019, anh vĩnh viễn đi xa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đình Lạc - những khoảnh khắc còn lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO