Thêm một “mùa sách” nhiều hương sắc...

BẢO ANH 31/12/2019 13:11

Việc xét duyệt các bản thảo dự tuyển “Chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam” năm 2019 vừa khép lại. Từ đây, một “mùa sách” mới nhiều hương sắc lại mở ra trên xứ Quảng.  

Cùng với nguồn hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm của UBND tỉnh đã giúp người cầm bút xứ Quảng có thêm cơ hội đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc. Trong ảnh: Một buổi giới thiệu sách mới tại Hội VHNT tỉnh. Ảnh: B.A
Cùng với nguồn hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm của UBND tỉnh đã giúp người cầm bút xứ Quảng có thêm cơ hội đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc. Trong ảnh: Một buổi giới thiệu sách mới tại Hội VHNT tỉnh. Ảnh: B.A

Đậm chất Quảng

Theo ông Tôn Thất Hướng - Trưởng phòng Nghiệp vụ văn hóa (Sở VH-TT&DL) - đơn vị được giao chủ trì việc tiếp nhận và tổ chức xét chọn tác phẩm, công trình văn học và nghiên cứu về Quảng Nam, so với đợt xét đầu tiên vào năm 2017, lần này số tác phẩm tham gia ít hơn. Đây là điều dễ hiểu, bởi khoảng thời gian kể từ đợt xét thứ nhất tới thời điểm thu nhận bản thảo cho đợt xét lần này chưa tới hai năm, những người có sách được hỗ trợ lần trước khó có thể có thêm một bản thảo mới. “Khi phát động đợt này, chúng tôi nghĩ tham gia chủ yếu sẽ là những người chưa hoặc không tham gia trong đợt xét trước. Do vậy, chúng tôi đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh cho phép tổ chức xét chọn nếu nhận được từ 20 bản thảo thay vì phải là 30 - 40 bản thảo...” - ông Hướng nói thêm.

Tuy nhiên, khi kết thúc nhận đăng ký dự xét, ban tổ chức đã nhận được tới 35 bản thảo, nhiều hơn hẳn so với dự báo cũng như so với hạn mức tối thiểu mà ban tổ chức đề xuất với UBND tỉnh. Ngoài phần lớn các tác giả sinh sống, làm việc ở Quảng Nam còn có nhiều tác giả ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế... Bên cạnh các tác giả quen thuộc, lần này còn có sự góp mặt của một số gương mặt chưa từng xuất hiện trên các diễn đàn văn chương hay nghiên cứu chính thống và cũng chưa từng làm sách. Đặc biệt, phần lớn bản thảo tham gia dự xét lần này được chuẩn bị khá chu đáo; một số trường hợp tỏ ra “có nghề”, có sự đầu tư bài bản và nghiêm túc. PGS - TS. - nhà lý luận phê bình Hồ Thế Hà (Trường Đại học Khoa học Huế) - thành viên Hội đồng thẩm định, nhận xét: “Đa số bản thảo khá chỉn chu, ít thấy dấu hiệu của hiện tượng “ăn xổi”, được chăng hay chớ; chứng tỏ tác giả có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc và có trách nhiệm”.

Nhiều tác phẩm, công trình dự xét lần này đảm bảo được các tiêu chí cơ bản về chất lượng nội dung và nghệ thuật, nhất là yêu cầu về “tính Quảng”. Theo nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh - nguyên Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, thành viên Hội đồng thẩm định, so với đợt xét trước, lần này mặt bằng chất lượng của các bản thảo đồng đều hơn, nhất là trên lĩnh vực nghiên cứu. Ông Tịnh chia sẻ: “Tôi thật sự cảm thấy sung sướng khi đọc được những bản thảo được đầu tư có chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm và có hàm lượng khoa học cao”. Còn PGS-TS. Hồ Thế Hà cho biết, ông rất thích thú khi được tiếp cận cùng lúc nhiều tác phẩm đậm chất Quảng, qua đó hình dung được phần nào sự “chuyển động” của một vùng văn học giàu sức sống. Đặc biệt, tuy chỉ là tác phẩm tham gia một đề án văn chương và nghiên cứu ngắn hạn, có mục tiêu và “đề bài” rất khu biệt, song chất lượng nhìn chung là khá ấn tượng; nhiều tác phẩm, công trình bám rất sát yêu cầu của ban tổ chức nhưng vẫn có sự vượt thoát nhất định, khiến cho tác phẩm “lớn” hẳn lên.

Đa hương sắc

Trên lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, bên cạnh các biên khảo, chuyên luận, tiểu luận phê bình mang tính chọn lọc cao và phù hợp với đặc trưng thể loại, như “Ngọn bút sắc của vị “Kiều tướng” của Phan Vân Trình, “Phan Khôi với quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam” của Hoàng Thị Hường... là các công trình nghiên cứu đầy đặn như “Hà Đông - Tam Kỳ, những lát cắt thời gian” của Ngô Phú Thiện hoặc có phần đồ sộ như “Di sản văn hóa phi vật thể miền biển Quảng Nam” của Nguyễn Tiến... Với văn học, mạch chủ đạo là những “diễn ngôn” về tình quê, tình đất da diết, nồng nàn. Đó là những ký ức xưa cũ, miên man được chuyển tải khéo léo chủ yếu bằng các thể thơ truyền thống... trong các tập thơ “Và nghìn năm đợi” của Hoàng Hương Việt, “Ơn trượng nghĩa dày” của Võ Khoa Châu, “Nhớ sợi khói đồng” của Lê Phước Trịnh... Cũng với những tình cảm ấy, nhưng Nguyễn Lãm Thắng với “Thương hoài thương hủy”, Huỳnh Thu Hậu với “Thơ yêu trên đỉnh sóng”, Vũ Thiên Tường với “Ký họa mùa đông”... lại đem đến những trải nghiệm khá lạ lẫm từ cảm xúc đến hình thức thể loại và cách dụng ngôn.

Với tản văn, bút ký, nhiều hơn cả là những cảm xúc, ký ức ngọt ngào, gần gũi và đầy yêu thương về mảnh đất chưa mưa đà thấm. Tuy ít có sự đổi mới, đột phá về mặt thể loại, song hầu hết đều có nét riêng, đáng đọc, như: “Năm tháng long lanh” của Duy Hiển, “Viết mỏng” của Nguyễn Thị Thanh Thảo, “Những bước chân mùa” của Mạc Ly, “Hội An loanh quanh chuyện phố” của Trương Bách Tường, “Như những sớm mai” của Nguyễn Thị Diệu Hiền... Truyện ngắn lần này chỉ có 3 tác giả - vốn không phải là người chuyên viết truyện ngắn, tham gia dự xét, gồm Nguyễn Bá Hòa, Nguyễn Tấn Ái và Nguyễn Hải Triều, nhưng đều có chất lượng khá tốt.

Đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của một tác phẩm văn chương nói chung, vừa đảm bảo “tính Quảng”; có cách tiếp cận sắc sảo, khoa học, khai mở được những trầm tích văn hóa xứ Quảng... - đó là điều đáng ghi nhận về loạt sách dự xét và được chọn hỗ trợ lần này. Cùng với nguồn hỗ trợ sáng tạo, công bố tác phẩm của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam của UBND tỉnh đã góp phần làm cho những “mùa sách” ở xứ Quảng thêm nhiều hương sắc, giúp cho người cầm bút xứ Quảng có thêm cơ hội đưa tác phẩm của mình đến với bạn đọc...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm một “mùa sách” nhiều hương sắc...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO