Trăn trở cùng "Nắng gió quê nhà"

TRẦN TRUNG SÁNG 12/09/2019 10:44

“Nắng gió quê nhà” (NXB Hội nhà văn, tháng 8.2019) là thi phẩm thứ 3 của nhà thơ Nguyễn Văn Gia. Sách dày gần 200 trang, có tranh phụ bản của Duy Ninh, Phạm Văn Hạng, Trần Trung Sáng. Thi phẩm gồm hơn 80 bài thơ chọn lọc và phần phụ lục gồm nhiều bài viết của các thi hữu.

 

Nhà thơ Nguyễn Văn Gia sinh năm 1951, tại Đà Nẵng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế, ban Anh văn, ông dạy học tại một số trường trung học ở Đà Nẵng và xin nghỉ hưu sớm với bao nỗi u hoài riêng.

Nhận định về thơ Nguyễn Văn Gia, cố thi sĩ Phạm Ngọc Lư từng viết: “Nhiều nhà thơ vẫn thường nói rằng làm thơ là nghiệp dĩ, là cái nợ không vay mà phải trả, là kiếp tằm đành phải rút ruột nhả tơ. Nguyễn Văn Gia thì hoàn toàn không. Anh chỉ là khách tài tử, không dụng tâm trở thành thi nhân, không nghiệp không nợ không tằm tơ gì cả. Thơ tìm đến anh, có thể tiềm ẩn trong anh nhưng cuộc ngẫu hợp này không thể sớm hơn được mà phải chờ đến nửa trăm năm, lúc tuổi đã ngoại ngũ tuần, thấm thía bao chuyện thế thái nhân tình, nhận diện cái thực - cái hư, cái chân - cái giả, và tâm thức đang man mác nỗi buồn cô đơn của kiếp người trước phù vân tuế nguyệt, thanh xuân “nhất khứ bất phục hoàn”.

Còn nhà thơ Tâm Nhiên cho rằng: “Trầm lặng, mặc nhiên giữa bao đảo điên, biến động; khác với nhiều thi nhân tân hiện đại, Nguyễn Văn Gia vẫn trung thành với bước đi thi ca truyền thống, cũng nhập cuộc, hòa điệu, nhưng trên phong cách riêng biệt nhẹ nhàng”.

Ở thi phẩm “Nắng gió quê nhà” có nhiều bài thơ rất ngắn, nhưng ẩn chứa những điều riêng chung. Điển hình như: “Trái đất/ Chứa bảy tỷ con người/ Với vũ trụ/ Chỉ là hạt bụi/ Bụi của bụi/ Mong gì vĩ đại?/ Giữa thiên hà/ Vạn triệu năm thôi” (Hạt bụi), hoặc: “Gánh mây/ gánh nắng/ gánh vô thường/ Như rứa là/ gánh cái trống không/ Những đời đau khổ/ mặc ai gánh/ Riêng mình/ chỉ gánh/ cái-dửng-dưng” (Gánh). Đáng chú ý, khác với các tập thơ trước, lần này Nguyễn Văn Gia đã bất ngờ giới thiệu một số bài thơ trữ tình khá đặc sắc. Đó là: “Thềm xưa vắng/ giờ thêm hoang vắng/ Chim thiên di/ có nhớ cội nguồn?/ Xưa không nói gì với nhau/ một lời gì đó/ Trang thơ để dành/ lặng lẽ mối-tình-không” (Nhớ áo trắng ngày xưa), hay: “…Tiếng thở dài/ đâu phải để tặng cho nhau/ Không - chỉ là tiếng trăng/ vừa rụng dưới hiên sầu/ Thì thôi… thôi thì đành thôi vậy/ Chút tình phai/ anh xin trả lại cho người” (Màu hoàng hôn).

Qua thi phẩm “Nắng gió quê nhà”, Nguyễn Văn Gia đã khẳng định một phong cách khá độc đáo riêng biệt: Trăn trở, trầm tư, nhưng gần gũi và đầy trách nhiệm của người cầm bút.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăn trở cùng "Nắng gió quê nhà"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO